TP HCM chính thức trình Chính phủ nghị quyết thay thế Nghị quyết 54

UBND TP HCM vừa có tờ trình số 4593 ngày 1/12 trình Chính phủ về việc Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP HCM thay thế Nghị quyết 54/2017.

Theo UBND TP HCM, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 đã đạt được một số kết quả nhưng cơ bản chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là cơ chế chính sách để TP huy động nguồn lực mà dư địa còn rất lớn cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Trong đó, Nghị quyết 54 đã phân cấp cho TP HCM một số thẩm quyền quyết định về quản lý đất đai, quản lý đầu tư nhưng quy trình thủ tục hành chính sau quyết định vẫn bị vướng mắc, nguồn lực thực thi hạn chế nên đến nay vẫn chưa phát huy tác dụng.

 Có nội dung thực tế không khả thi, như về tăng thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế thu nhập đặc biệt, thuế môi trường… Sau 5 năm mục tiêu tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương sau để đầu tư mang lại kết quả khá khiêm tốn và trong tương lai cũng không đạt như kỳ vọng.

 Những năm gần đây, tăng trưởng của TP HCM chậm lại, giai đoạn 1996-2010 tăng trưởng bình quân 10,2%/năm, cao hơn 1,6 lần so với cả nước; giai đoạn 2011 - 2015 giảm còn 7,2%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 chỉ còn 6,41%/năm. Một số mặt vượt trội của TP HCM so với cả nước cũng đang chậm lại, giao thông hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

“Quan sát thực tế có thể thấy rõ điểm nghẽn tồn tại ở cả sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, các tuyến giao thông đường bộ. Chưa kể chi phí thuê đất, chi phí logistics lớn cũng gây nhiều bất lợi cho nhà đầu tư”, UBND TP HCM nêu.

TP HCM chinh thuc trinh Chinh phu nghi quyet thay the Nghi quyet 54
TP HCM đã có tờ trình gửi Chính phủ về xây dựng nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54.

Do vậy, UBND TP HCM kiến nghị nhiều cơ chế chính sách về quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, văn hóa xã hôi - trật tự xã hội, tổ chức cán bộ, phân cấp phân quyền cho TP Thủ Đức.

Trong đó, về cơ chế quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, TP HCM kiến nghị, ngoài việc giữ lại quy định liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10 ha đã được quy định tại Nghị quyết 54, kiến nghị bổ sung 6 nội dung:

Thứ nhất, phân cấp cho UBND TP HCM được thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị nằm trong tổng thể quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng phê duyệt với điều kiện không làm thay đổi quan điểm và định hướng quy hoạch tổng thể. Nếu thực hiện được, vẫn bảo đảm được định hướng quy hoạch chung nhưng rút ngắn được rất nhiều về thủ tục, thời gian và chi phi các dự án đầu tư.

Thứ 2, phân cấp cho UBND TP HCM được thực hiện lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết và lấy ý kiến cộng đồng cùng một lúc để tiết kiệm thời gian điều chỉnh, rút ngắn thủ tục, chi phi điều chỉnh, đáp ứng kịp thời chất lượng cuộc sống người dân.

Thứ 3, phân cấp cho UBND TP HCM được quyết định các nội dung liên quan đến: xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư, xử lý chung cư cũ, nhà ở trên-ven kênh rạch... mà hiện nay đang gặp rất nhiều vướng mắc liên quan đến nhiều quy định pháp luật khác nhau cùng nhiều văn bản dưới luật.

Thứ 4, phân cấp cho UBND TP HCM trong việc xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất. Quy định này phù hợp với xu hướng sửa đổi Luật đất đai hiện nay nên đề nghị phân cấp thí điểm thực hiện ở thành phố.

Thứ 5, UBND TP HCM được thí điểm cơ chế bồi thường “bằng đất theo tỷ lệ" khi giải phóng mặt bằng. Điều này sẽ bảo đảm tính linh hoạt theo yêu cầu từng dự án và sự tự nguyện của người sử dụng đất nên cần thí điểm cơ chế tại TP để tổng kết thực tiễn có thể áp dụng rộng rãi.

Cuối cùng, kiến nghị cho phép TP được thí điểm thực hiện việc tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B trên địa bàn nhằm sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư công, tránh tình trạng “vốn chờ dự án”, đội vốn do thiếu mặt bằng thi công.

Ngoài các kiến nghị trên, năm 2022 theo quyết định của Quốc hội, TP HCM được hưởng ngân sách theo tỉ lệ điều tiết là 21%. UBND TP HCM mong muốn giữ nguyên tỷ lệ này đến hết 2025, đồng thời kiến nghị không tính vào mức điều tiết các khoản thu từ thuế và phí áp ụng thí điểm (thuế đất ở, nhà ở thứ 2, các loại phí và mức phí mới).

Gia Lai

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN