Tại sao có những người không bao giờ mắc COVID-19?

Các chuyên gia, bao gồm ông Richard Stanton, giáo sư virus học tại Trường Y thuộc Đại học Cardiff (Anh), đã đưa ra 6 lý do giải thích về tình trạng một số người đến nay vẫn chưa mắc COVID-19.

1. Yếu tố di truyền

Khả năng miễn dịch khác nhau ở mỗi người một phần do cấu tạo gen của họ.

Giáo sư Stanton cho biết: “Hệ thống miễn dịch của mọi người tốt như thế nào là do có các gen khác nhau. Hệ miễn dịch của một số người chỉ 'tốt hơn' trong việc chống lại virus”.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa yếu tố di truyền và khả năng miễn dịch với COVID-19.

Ví dụ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford đã chỉ ra một đoạn DNA làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do COVID-19. Người gốc Nam Á có nhiều khả năng mang đoạn gen này.

Danny Altmann, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London, cho biết thêm: “Các gen quan trọng kiểm soát phản ứng miễn dịch của cơ thể được gọi là gen HLA. Ví dụ, những người có gen HLA-DRB1*1302 có nguy cơ bị nhiễm bệnh có triệu chứng cao hơn đáng kể".

2. Từng nhiễm virus khác

Khả năng miễn dịch được xây dựng từ lần nhiễm trùng trước đó không phải là thứ bạn có thể đo lường được, nhưng nó có thể là lý do tại sao bạn tránh được COVID-19.

Tai sao co nhung nguoi khong bao gio mac COVID-19?
 Ảnh minh họa: Getty.

Giáo sư Stanton chia sẻ: “Có thể một lần nhiễm virus cảm lạnh thông thường trước đây khiến bạn có đủ 'trí nhớ' miễn dịch để chống lại COVID-19 tốt hơn”.

Các nhà khoa học của Đại học Hoàng gia London đã phát hiện ra rằng những cơn ho và hắt hơi thông thường tăng cường hoạt động của các tế bào bạch cầu quan trọng, được gọi là tế bào T. “Trí nhớ của tế bào T” có thể sẽ được kích hoạt lại khi tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.

3. Nhiều biến thể

Một số chủng virus có ưu điểm sinh học nên dễ lây lan hơn, kể cả trong các hộ gia đình. Đồng thời, nó có thể giải thích lý do những người sống chung với nhau nhưng có người mắc COVID-19, có người thì không.

“Omicron dễ lây truyền hơn Delta. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy rằng các thành viên trong gia đình có nhiều khả năng lây nhiễm hơn nếu một người trong gia đình nhiễm Omicron chứ không phải Delta”, chuyên gia cho biết.

Hiện tại, dòng phụ BA.2 của Omicron có tỷ lệ tấn công thứ cấp cao, do đó khả năng lây truyền cao hơn nhiều so với các chủng trước.

4. Sự bảo vệ của vắc xin

Phần lớn mọi người hiện đã được chủng ngừa COVID-19. Điều này sẽ làm thay đổi khả năng miễn dịch từ người này sang người khác, vì kháng thể chống lại COVID-19 cao nhất vào khoảng ba tuần sau khi tiêm.

Ông Andrew Freedman, một học giả về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Cardiff (Anh), cho rằng lý do một số người mắc COVID-19 và những người khác thì không có lẽ liên quan đến khả năng miễn dịch do tiêm chủng, nhiễm trùng trước đó hoặc cả hai.

“Chúng tôi biết rằng nhiều người vẫn bị nhiễm Omicron (hầu hết là thể nhẹ) mặc dù đã được tiêm phòng đầy đủ, kể cả tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, việc tiêm phòng vẫn làm giảm nguy cơ nhiễm Omicron và phản ứng của mỗi người là khác nhau. Vì vậy, một số người bị nhiễm và những người khác thì không mặc dù có sự phơi nhiễm rất đáng kể với virus”, ông Freedman nói thêm.

5. Mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng

Khoảng 1/3 số người nhiễm virus dường như không có dấu hiệu nhận biết. Xét nghiệm sẽ giúp phát hiện những bệnh “không có triệu chứng”.

Tuy nhiên, những người có tải lượng virus thấp khi xét nghiệm có thể cho kết quả âm tính giả. Những người được chủng ngừa có nhiều khả năng tạo ra tải lượng virus thấp và các triệu chứng nhẹ hơn nếu bị nhiễm bệnh.

Tai sao co nhung nguoi khong bao gio mac COVID-19?-Hinh-2
Ảnh: Alamy 

6. May mắn

Cuối cùng, đến giờ bạn vẫn chưa nhiễm virus có thể chỉ là một sự may rủi, dựa trên lượng virus có trong miệng của người bệnh mà bạn tiếp xúc, và tần suất tiếp xúc hoặc mức độ gần gũi với người bệnh.

Thật khó tin rằng sau 2 năm đại dịch, một người nào đó đã may mắn vì không mắc COVID-19. Tuy nhiên, có một số yếu tố sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ may mắn này của họ.

Ví dụ, một người làm việc tại nhà, sống một mình và mua đồ ăn trực tuyến có thể ít bị nhiễm bệnh hơn. Trong khi đó, một nhân viên tuyến đầu, chẳng hạn như trong cửa hàng hoặc bệnh viện, hoặc sống với nhiều người, có nhiều khả năng mắc bệnh hơn.

Cho đến nay, nếu bạn vẫn chưa nhiễm virus SARS-CoV-2, thì đây là một điều thật đáng mừng, song bạn không nên chủ quan, lơ là phòng bệnh.

Các chuyên gia cảnh báo rằng không ai nên dựa vào khả năng miễn nhiễm với COVID-19, bởi khả năng miễn dịch có xu hướng suy giảm theo thời gian. Do đó, mọi người vẫn nên thực hiện 5K và tiêm phòng đầy đủ, bao gồm cả liều nhắc lại.

Mời độc giả xem thêm video: WHO khuyến cáo về thuốc chữa sốt rét trong điều trị COVID-19 (Nguồn video: THĐT)

Lương Trâm (Theo The Sun)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN