Nữ sinh kể chuyện bị sờ mó, sàm sỡ trên xe buýt

Nhiều nữ sinh bất ngờ trước vụ việc kẻ sàm sỡ cô gái trong thanh máy chỉ bị xử phạt 200 nghìn đồng. Chị Hồng Mơ (sinh viên) chia sẻ mình từng là nạn nhân bị sàm sỡ trên xe buýt nhưng cũng không dám lên tiếng.
Mức phạt 200 nghìn liệu có tạo tiền lệ xấu?
Trao đổi với PV Kiến Thức sau vụ việc kẻ sàm sỡ cô gái trong thang máy chỉ bị phạt 200 nghìn đồng, chị Hồng Mơ (SV trường Cao đẳng Y Thái Bình) bày tỏ sự không đồng tình với mức phạt được số đông dư luận cho là quá nhẹ với hành vi sàm sỡ phụ nữ. 
Chị Hồng Mơ bức xúc nói: “200 nghìn đồng - mức phạt cho một vụ cưỡng hôn thì sẽ là bao nhiêu cho một hành vi trêu ghẹo, một cái vỗ mông? Đây là mức phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, phạt mà như không phạt. Với mức phạt chỉ nhẹ như vậy sẽ làm cho nhiều gã biến thái tái phạm, gây lo lắng cho các chị em phụ nữ.”
Cũng đồng quan điểm, chị Đinh Thanh Bình (SV trường Cao đẳng Truyền hình) chia sẻ: “ Mình thực sự không đồng tình với mức xử phạt như vậy, nó quá nhẹ trong khi đây là 1 hành vi tấn công phụ nữ quá táo tợn. Với mức phạt như này không những không đủ sức răn đe mà còn khuyến khích những hành động sàm sỡ, tấn công phụ nữ.”
"200 nghìn đồng là mức phạt cho đối tượng khi đã có đủ bằng chứng, hình ảnh xác thực và kẻ bị tố cáo không thể chối cãi được. Nhưng nếu như vụ quấy rối đó xảy ra nơi không có camera an ninh, không có người làm chứng... hoặc không ai dám đứng ra làm chứng, khi đó kẻ bị tố cáo chối bay tội thì nạn nhân sẽ được bảo vệ như thế nào?" - chị Mơ đặt câu hỏi.
Nữ sinh bị sờ mó trên xe buýt
Chị Mơ tâm sự, mình cũng từng bị sàm sỡ với hành vi sờ mông ngay trên xe buýt nhưng không dám lên tiếng.
Nu sinh ke chuyen bi so mo, sam so tren xe buyt
Xe buýt được coi là nơi dễ xảy ra các vụ quấy rối phụ nữ nhiều nhất. (Ảnh minh họa)
"Lúc phát hiện đối tượng sàm sỡ, thực sự mình rất sợ hãi và không biết phải phản ứng thế nào, chỉ tìm cách len sang chỗ khác để tránh đôi bàn tay ghê tởm ấy. Mình cũng định lên tiếng, nhưng nếu lên tiếng đối tượng chối, không thừa nhận hành vi thì sẽ thế nào? liệu có ai sẽ đứng ra bảo vệ mình? Rất khó để chứng minh những hành vi sàm sỡ như vậy ở trên xe buýt. Sau lần đó, không bao giờ mình dám đi xe buýt nữa" - chị Mơ nói. 
Thường phải di chuyển bằng xe buýt, chị Nguyễn Phương (SV trường Cao đẳng Truyền hình) kể: “May mắn mình chưa bao giờ bị sàm sỡ hay có hành vi tương tự khi đi xe buýt, dù bản thân hằng ngày phải di chuyển bằng phương tiện này.
Tuy nhiên, mình đã chứng kiến nhiều trường hợp phụ nữ, nhất là sinh viên nữ bị sàm sỡ. Có lần, một bạn nữ đứng trước mình đang bị 1 người đàn ông lạ trung tuổi áp sát, rồi có hành vi sờ soạng vùng dưới nhưng bạn nữ kia chỉ cố gắng di chuyển đến chỗ khác đứng để tránh bị ông ta dở trò nữa."
Trường hợp của Hồng Mơ hay bạn nữ trên xe buýt mà chị Phương gặp chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp của hành vi quấy rối nơi công cộng nhưng đã không dám đấu tranh lên tiếng.
Khi được hỏi về việc bản thân đã từng bị quấy rối nơi công cộng, rất nhiều bạn trẻ đều vẫn còn rất ngại ngần, né tránh. Đa phần phụ nữ đều ngại lên tiếng vì sợ tai tiếng. 
Không chỉ trên xe buýt, thang máy, hay những nơi công cộng mà nhiều trường hợp nữ sinh cũng bị quấy rối ngay trong chính lớp học của mình. Mỹ Hạnh (HS trường THPT Tây Tiền Hải – Thái Bình) chia sẻ: “Có lần em đang ngồi trong lớp thì bị các bạn nam cùng lớp úp áo vào đầu rồi sờ ngực em. Lúc đấy em rất sợ nhưng khi mình báo với cô giáo, cô cũng chỉ giải quyết cho qua mà hôm sau em còn bị các bạn lớp khác trêu chọc.”
Chị Hồng Hạnh (SV Học viên  Báo chí Tuyên truyền) chia sẻ. “Có lần đi xe buýt, đang đứng bấm điện thoại thì có một ông áp sát, rồi đưa tay sờ soạng người mình lúc đấy vừa sợ vừa bối rối vô cùng không biết xử lý làm sao nên đành hét ầm lên, ông kia mới dừng hành vi lại”.
Phụ nữ Việt thiếu kỹ năng bảo vệ bản thân
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang ( chuyên gia tâm lý - trung tâm tư vấn 247) nói: “Quấy rối, tấn công phụ nữ có thể xảy ra ở bất cứ đâu khi có ba yếu tố: những kẻ có xu hướng quấy rối, nạn nhân không có đủ sự đề phòng và phản kháng, bối cảnh thiếu sự an toàn.
Trong đó tâm lý chung của chị em thường không muốn gây sự chú ý trong đám đông, ngại rèm pha và sợ bị kẻ xấu trả thù và rất nhiều trường hợp nạn nhân đành phải ngậm ngùi sợ sệt bỏ qua. Lợi dụng được tâm lý chung này, nhiều kẻ xấu đã có cơ hội thực hiện hành vi quấy rối”.
Theoông Giang, hiện nay việc tổ chức các lớp học kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho phụ nữ và trẻ em gái tại các trường học vẫn còn rất thưa thớt. Nhiều trường hợp bị sàm sỡ, quấy rối nhưng không biết cách xử lý ra sao. Thậm chí, nhiều trường hợp còn chưa định nghĩa được việc quấy rối, sàm sỡ là như thế nào nên dù bị sàm sỡ, quấy rối có khi cũng không biết mình bị quấy rối mà chỉ nghĩ đơn thuần là trêu đùa bạn bè bình thường.
"Bởi vậy, chính các bạn nữ cần phải là người ý thức việc bảo vệ bản thân mình trước những nguy cơ bị quấy rối, xâm hại như vậy. Chính các bạn phải tự trang bị cho mình kĩ năng tự bảo vệ bản thân, khi qua những nơi công cộng các bạn nữ không nên ăn mặc quá hở hang tạo sự chú ý cho kẻ xấu" - chuyên gia nói.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Trường Giang đưa ra lời khuyên: Với những kẻ lạ mặt phải luôn dè chừng cảnh giác nhất là khi đi một mình. Khi chẳng may là nạn nhân của một vụ quấy rối thì hãy nói to, tạo tín hiệu, gây ồn ào... để kẻ quấy rối biết rằng bạn không chỉ có một mình, mọi người sẽ nhìn thấy kẻ xấu đang làm hại bạn. Hắn cần phải bị nêu tên, chỉ mặt và không thể tái phạm lần nữa.
(*Tên nhân vật trong bài viết đã được thay thế) 
Phạm Diệp

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN