Nguyên Chủ tịch SAGRI không dám đưa ra ý kiến trái chiều cấp dưới Lê Tấn Hùng

Bị cáo Vân Trọng Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) SAGRI, thừa nhận động cơ phạm tội xuất phát từ sự e dè, không dám va chạm với ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc SAGRI.

Chiều 8-12, phiên xử sơ thẩm vụ án thất thoát hơn 672 tỉ đồng, xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SAGRI) kết thúc phần xét hỏi.

Về quy trình chuyển nhượng một dự án nhà ở tại TP HCM (viết tắt: dự án) từ SAGRI sang Tổng Công ty Phong Phú gây thiệt hại hơn 672 tỉ đồng, bị cáo Lê Tấn Hùng - nguyên Tổng Giám đốc SAGRI, ra tòa về tội "Tham ô tài sản"; "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" - khai nhận SAGRI có họp để thông qua một số vấn đề liên quan chủ trương "sang tay" dự án.

Với cương vị người đứng đầu, ông Hùng tổ chức họp lấy biểu quyết thông qua chủ trương trên. Thay mặt SAGRI, ông Hùng  ký văn bản đề xuất UBND TP HCM chấp thuận.

Nguyen Chu tich SAGRI khong dam dua ra y kien trai chieu cap duoi Le Tan Hung

Các bị cáo chờ HĐXX vào làm việc

Trả lời HĐXX, bị cáo Vân Trọng Dũng - nguyên Chủ tịch HĐTV SAGRI; bị cáo buộc "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" - thừa nhận vai trò đồng phạm.

Dù thế, bị cáo Dũng cho rằng trường hợp hồ sơ đề xuất chuyển nhượng doanh nghiệp trình lên xuất hiện sai sót, sở - ngành có thẩm quyền phải kiểm tra. Bị cáo này nói: "Nếu thấy chưa đúng, cơ quan quản lý nhà nước có thể bác bỏ".

Trước quan điểm trên, chủ tọa nhận định bị cáo Dũng thực sự chủ quan suốt quá trình làm thủ tục đề xuất, "sang tay" dự án.

Với vai trò là chủ tịch HĐTV, bị cáo Vân Trọng Dũng hiểu tường tận quy trình chuyển nhượng dự án vướng nhiều sai phạm. Dù vậy, bị cáo vẫn ký văn bản, nghị quyết thực hiện chuyển nhượng dự án trái luật định, phê duyệt giá chuyển nhượng toàn bộ dự án là hơn 168 tỉ đồng - thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế.

Người thừa hành quyền công tố cho biết trong quá trình điều tra và truy tố, bị cáo Vân Trọng Dũng thừa nhận động cơ phạm tội xuất phát từ sự e dè, không dám va chạm hay đưa ra ý kiến trái chiều với bị cáo Lê Tấn Hùng.

Theo đại diện VKSND TP HCM, nhận nhiệm vụ quản lý dự án, ông Lê Tấn Hùng cùng thuộc cấp cố ý gây ra nhiều sai phạm suốt quá trình tiến hành thủ tục chuyển nhượng từ SAGRI sang Tổng Công ty Phong Phú, như: không thẩm định giá, không đưa ra đấu giá… Những sai phạm đó làm nhà nước thiệt hại hơn 672 tỉ đồng.

Gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng, 19 bị cáo hầu tòa với nhiều tội danh

Tại tòa, cơ quan công tố nêu quan điểm truy tố đối với 19 bị cáo. Trong đó, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM, tại ngoại) cùng 8 đồng phạm (từng là cán bộ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND TP) ra tòa về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Bị cáo Lê Tấn Hùng và bị cáo Nguyễn Thị Thúy (cựu kế toán trưởng SAGRI ) cùng ra tòa về hai tội: "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Bên cạnh đó, tòa sơ thẩm xét xử tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" đối với bị cáo Dư Huy Quang (cựu trưởng Phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM), bị cáo Nguyễn Thị Thanh Anh (nguyên phó giám đốc nhân sự hành chính SAGRI).

Ra tòa về tội "Tham ô tài sản" có 5 bị cáo từng làm việc tại một số doanh nghiệp nhà nước thời điểm xảy ra sai phạm. Liên quan vụ án, Lê Thị Diệp Cẩm (từng làm việc tại SAGRI) bị cáo buộc tội danh "Che giấu tội phạm".

Ngày mai (9-12), HĐXX tiếp tục xét hỏi. 

Lời trần tình của bị cáo Lê Tấn Hùng

Đối với cáo buộc cấu kết tham ô gần 13,4 tỉ đồng, nguyên tổng giám đốc SAGRI khai nhận bị cáo chỉ đạo cấp dưới không đưa vào sổ sách những khoản tiền khai khống. Thay vào đó, ông Hùng giao Nguyễn Thị Thúy (kế toán trưởng) và Nguyễn Thị Tuyết Mai (phụ trách nhân sự SAGRI thời điểm sai phạm) tự quản lý, theo dõi.

Ông Hùng cho rằng không nhớ số tiền chi ra, chỉ nhớ dùng khoản tiền đó bù vào nhiều chi phí phát sinh cuối năm ở SAGRI. Vì thế, ông Hùng nghĩ rằng bản thân không hề có động cơ vụ lợi, chiếm đoạt tài sản nhà nước. "Bị cáo mong HĐXX xem xét lại cáo buộc tham ô tài sản" - bị cáo Lê Tấn Hùng trình bày.

Hồ sơ vụ án thể hiện ông Lê Tấn Hùng lợi dụng chức vụ, chỉ đạo cấp dưới bàn bạc, thống nhất lập 10 hợp đồng khống có nội dung cho cán bộ, công nhân viên SAGRI tham quan, học tập kinh nghiệm ở 16 quốc gia. Nhờ vậy, các bị cáo chiếm đoạt gần 13,4 tỉ đồng.

Theo Di Lâm/NLĐ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN