Mẹ đạp gãy xương đùi con: Cái giá cho sự nóng giận?

Theo luật sư, nếu người mẹ này vì nóng giận mà đạp gãy xương đùi con mình thì có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích.
Ngày 24/9, Công an huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, cho biết đơn vị đang điều tra, xác minh vụ một bé trai bị mẹ đạp gãy xương đùi ở xã Quý Sơn. Công an huyện Lục Ngạn đã mời những người liên quan, trong đó có mẹ của bé trai, đến trụ sở để làm việc. Về tình hình sức khỏe của bé trai, nạn nhân đã bình phục, có thể đi học bình thường.
Trước đó, ông N. (chú bé trai) đăng lên mạng xã hội clip quay lại cảnh bé trai bị mẹ đạp gãy xương đùi. Theo chú cháu bé, vụ việc xảy ra vào tối 20/6. Nguyên nhân việc này được ông N. cho là do bé trai cầm chìa khóa của mẹ. Khi người phụ nữ tìm chìa khóa không thấy đã bực tức, nóng giận đạp liên tục vào người con trai. Chú của nạn nhân cho hay, kết quả chụp chiếu cho thấy bé trai bị gãy xương đùi.
Me dap gay xuong dui con: Cai gia cho su nong gian?
Cháu bé bị mẹ ruột đạp gãy xương đùi và ảnh chụp X-quang cho thấy xương đùi bé trai đã bị gãy. 
Sự việc này đã khiến nhiều người phẫn nộ, họ cũng đặt câu hỏi về việc người mẹ đạp gãy xương đùi con sẽ bị xử lý thế nào? Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, nếu người mẹ này vì nóng giận mà đạp gãy xương đùi còn mình thì có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích.
Luật sư Cường cho biết thêm, với hình ảnh chụp X-quang cho thấy cháu bé đã bị gãy xương đùi và clip thể hiện người phụ nữ đã đạp lên chân cháu bé. Với thông tin đăng tải công khai trên mạng xã hội như vậy thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ thông tin sự việc, làm rõ nguyên nhân diễn biến, hậu quả và khả năng nhận thức điều khiển hành vi của người đã gây ra thương tích cho cháu bé.
Me dap gay xuong dui con: Cai gia cho su nong gian?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
Trước tiên, cơ quan điều tra sẽ tiến hành giám định thương tích để xác định tỷ lệ thương tích của nạn nhân. Theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ Y tế quy định về tỷ lệ tổn thương cơ thể trong giám định pháp y thì Theo mục 8. Và 9. của phụ lục Thông tư thì tỷ lệ thương tích sẽ dao động vào khoảng từ 21 % đến 51%, thông thường sẽ khoảng trên 40% tùy thuộc vào vị trí gãy và khả năng điều trị.
Đồng thời cơ quan điều tra sẽ làm rõ hậu quả cháu bé bị gãy xương là do sự biến hay hành vi, do cháu bé tự ngã hay là bị bạo hành. Thông thường thì không cha mẹ nào muốn gây ra đau đớn, thương tích cho con mình, trừ trường hợp cha mẹ quá nóng giận, côn đồ, cục súc hoặc do yếu tố bệnh lý trầm cảm làm mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi. Theo quy định của pháp luật thì nếu có hành vi gây thương tích cho người khác thì cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hành vi có lỗi hay không, lỗi ở đây là ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi, người thực hiện hành vi có nhận thức được hành vi của mình nguy hiểm hay không và sẽ làm rõ là lỗi cố ý hay lỗi vô ý (nếu có).
Luật sư Cường cho hay, trong trường hợp có căn cứ cho thấy cháu bé đã bị mẹ hoặc người khác đạp vào người dẫn đến thương tích, tại thời điểm thực hiện hành vi gây ra thực tích cho cháu bé người này có đầy đủ nhận thức, có năng lực điều khiển hành vi của mình thì có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 3, điều 134 Bộ luật Hình sự. Với thương tích từ 31 % trở lên tới 61% thì người thực hiện hành vi sẽ phải đối mặt với hình phạt là phạt tù từ 04 năm đến 07 năm bất kể người gây ra thương tích có là thân thích của cháu bé hay không. Hành vi gây thương tích cho người mà mình có trách nhiệm phải chăm sóc, giáo dục còn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Một người trưởng thành hoàn toàn có thể nhận thức được rằng nếu đạp chân vào người cháu bé đang nằm dưới sàn như vậy thì hoàn toàn có thể dẫn đến hậu quả cháu bé bị thương tích nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả thương tích có thể xảy ra thì đây là hành vi cố ý gây thương tích với lỗi cô ý gián tiếp. Với lỗi này thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự theo điều 134 Bộ luật Hình sự.
Còn trường hợp người thực hiện hành vi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi dẫn đến gây ra thương tích cho cháu bé thì cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự về hành vi không có lỗi, không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Những vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ trong quá trình xác minh vụ việc này, nếu có hành vi cố ý gây thương tích và người thực hiện hành vi có đầy đủ khả năng nhận thức thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự.
>>> Xem thêm video: Một gia đình kêu cứu vì liên tục bị tạt sơn, đánh đập bằng gậy gộc

Nguồn: ANTV.

Gia Đạt

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN