Mầm bệnh đang 'ẩn' trong cộng đồng: Tuyệt đối không chủ quan

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 24/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đây là lúc chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Các chuyên gia đều cho rằng tất cả mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều có rủi ro người mang mầm bệnh trong cộng đồng”.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta vui mừng vì những con số biết nói cho thấy đến giờ phút này dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều địa phương được nới lỏng cách ly, học sinh sắp quay trở lại trường… nhưng trên thế giới, mỗi ngày vẫn ghi nhận khoảng 50.000 người nhiễm mới, 5.000 người tử vong. Nhiều nơi tưởng chừng đã kiểm soát được tình hình nhưng dịch bệnh đã bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, virus SARS-CoV2  rất “biến ảo”.

Nhiều người nhiễm không có triệu chứng. Nhiều người có thời gian ủ bệnh rất lâu. Không ít người đã xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính nhiều lần. Các chuyên gia đều cho rằng tất cả mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều có rủi ro người mang mầm bệnh trong cộng đồng”.

Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo khẩn trương có những hướng dẫn hết sức chi tiết với từng lĩnh vực quản lý như giao thông, đi lại, sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đi học trở lại tới đây… sao cho an toàn.

Ông lấy ví dụ, đối với đi học an toàn, Bộ GD&ĐT là thành viên Ban Chỉ đạo nên biết rõ như thế nào là an toàn, nắm được điều kiện trường lớp, giáo viên ở từng tỉnh, từng cấp học… để đưa ra hướng dẫn hết sức chi tiết nhưng không được cứng nhắc, máy móc.

Sẽ xuất hiện những ca nhiễm mới

Với mục tiêu chung sống an toàn với dịch, vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống người dân, Ban Chỉ đạo đã thảo luận các nội dung như mở rộng diện giám sát; quản lý tốt tình hình lao động ở các khu công nghiệp, khu nhà trọ của người lao động; quản lý người nước ngoài nhập cảnh, đưa công dân Việt Nam về nước; quản lý các cơ sở cách ly tập trung.

Cùng với đó chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế; ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống dịch bệnh; sản xuất sinh phẩm xét nghiệm; triển khai tư vấn, hỗ trợ, khám chữa bệnh từ xa; xây dựng tiêu chí bảo đảm hoạt động vận tải hành khách an toàn (hàng không, đường sắt, đường bộ); bảo đảm các điều kiện an toàn để đón học sinh trở lại trường học;…

Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, các ổ dịch xuất hiện vừa qua đã được phong toả quyết liệt và giải quyết được, những trường hợp nghi nhiễm đều không cho tiếp xúc với người lành, nên khống chế dịch tốt. Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội, ngành y tế không xử lý được 100% các ca nhiễm mà chỉ là hạn chế tối đa những người đang mang mầm bệnh tiếp xúc với người lành, chứ không bảo đảm ngăn chặn triệt để.

Theo thống kê, tỷ lệ người mang mầm bệnh có khoảng 40% không có triệu chứng; nhiều trường hợp có triệu chứng nhẹ; chưa kể còn có tình trạng có người xét nghiệm âm tính sau đó lại dương tính nhiều lần. Do đó, thực tế hoàn toàn có thể tồn tại những người mang mầm bệnh trong cộng đồng.

Các trường hợp này có thể lây bệnh cho người lành, dẫn tới trong nước có thể xuất hiện thêm những ca nhiễm mới trong thời gian tới. “Đây là nguy cơ có thật và hiện hữu. Chúng ta không được mất cảnh giác, không được chủ quan, tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát, từ “đốm lửa nhỏ” lây lan thành đám cháy lớn như ở một số nước”, ông Trần Đắc Phu cảnh báo.

Nguy cơ lây nhiễm trở lại rất lớn

Thông tin thêm về những người lành mang bệnh hoặc trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, về chuyên môn, có thể người đó chưa khỏi bệnh hoàn toàn; hoặc đã khỏi bệnh nhưng đang trong quá trình đào thải xác virus; còn trường hợp người lành mang bệnh (Việt Nam có 1 trường hợp ở dạng này) xảy ra khi cơ thể người mang virus chưa sản xuất đủ kháng thể để tiêu diệt virus…

Mam benh dang 'an' trong cong dong: Tuyet doi khong chu quan

2 bệnh nhân COVID-19 tại Thái Bình được cách ly đặc biệt trước khi bị phát hiện dương tính ảnh: Hoàng Long
“Chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn cần lưu ý những người xét nghiệm âm rồi lại dương, sẽ giao cho 2 labo ở Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Pasteur TP HCM nuôi cấy virus này, nếu virus đó sống, phát triển thì cơ thể người đó chưa khỏi bệnh. Tới đây, lấy mẫu tất cả những trường hợp điều trị để xét nghiệm kháng thể trung hoà xem kháng thể đó có khả năng tiêu diệt viurs không...”.
Ban chỉ đạo Quốc gia nhận định có thể tồn tại một số mắc trong cộng đồng nhưng không phát hiện ra được. Chưa có miễn dịch trong cộng đồng nên khả năng lây nhiễm trở lại rất lớn. “Chúng tôi rất lo ngại làn sóng thứ 2 với dịch. Một bài học của các nước chúng ta phải học là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã bị làn sóng thứ 2 khi xâm nhập vào và tồn tại phát triển trong cộng đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Chiều 24/4, thông tin với Tiền Phong, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình, ông Phạm Văn Dịu xác nhận tại tỉnh này vừa có thêm 2 bệnh nhân là dương tính với SARA-CoV-2 là Nguyễn Thị H (22 tuổi, ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) và Nguyễn Khắc T (23 tuổi, ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Cả 2 nằm trong số 160 người Việt Nam đang làm việc, du học tại Nhật Bản vừa về nước ngày 22/4 và được đón, đưa đến cách ly tại tỉnh Thái Bình.
Tại cuộc họp phòng chống dịch COVID-19 diễn ra tối 24/4, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Y tế phải “nắm chắc” số người từ nước ngoài trở về mà TPHCM sẽ tiếp nhận trong thời gian tới.
“Ngày 27/4 tới, TPHCM sẽ tiếp nhận 300 người trở về từ Hoa Kỳ. Sở Y tế phải xem xét thực hiện biện pháp tập trung cách ly thế nào. Phải trao đổi thông tin chặt chẽ với Sở Ngoại vụ, lãnh sự quán… để chuẩn bị sẵn sàng, khi bà con vừa xuống sân bay thì đưa về các khu cách ly an toàn”, ông Phong nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cảnh báo: Sắp tới TPHCM có thể đón 2.000 người từ các nước có dịch. Nguy cơ tái phát dịch bệnh COVID-19 là rất cao. TPHCM phải chuẩn bị gấp đôi số chỗ cách ly (4.000 chỗ), chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.
Theo Thái Hà/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN