Hành hung bác sĩ: Bộ Y tế đề nghị cho phép bảo vệ bệnh viện dùng "công cụ hỗ trợ"

GSTS Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị như vậy sau việc hai bác sĩ Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung ở Bệnh viện Sản nhi tỉnh Yên Bái bị đánh bầm dập tại bệnh viện.
Theo ông Tiến, ca mổ đẻ cho sản phụ Q.T.P.T lúc 11h ngày 20-2 là đúng về chỉ định, kỹ thuật mổ tốt, đảm bảo mẹ tròn con vuông.
Chồng của sản phụ chụp ảnh ghi hình ca mổ đẻ về nguyên tắc là không được.
Khi kíp mổ yêu cầu ngưng trèo cửa sổ và ngưng chụp ảnh thì chồng sản phụ đã gọi thêm người, tổng cộng có đến trên 10 người cầm đèn pin và gậy gộc tấn công bác sĩ làm bác sĩ Ninh phải khâu trên 20 mũi, như vậy là "vô nhân tính".
 
Ông Tiến cũng cho rằng ở vụ việc hành hung bác sĩ này, cán bộ y tế đã làm hết trách nhiệm nhưng người nhà bệnh nhân đã đánh hai bác sĩ đúng dịp sắp đến ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2.
"An ninh bệnh viện đã đến mức báo động, không phải là cảnh báo nữa. Ngành y tế không tự lo bảo vệ an ninh bệnh viện được và cần sự hỗ trợ, vì nhiều trường hợp không chỉ thầy thuốc gặp nguy hiểm.
Giữa năm 2017 từng có bệnh nhân của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bị chém đứt thanh quản ngay tại bệnh viện. Có thể đề nghị trong những trường hợp và mức độ cụ thể, bảo vệ bệnh viện có thể sử dụng công cụ hỗ trợ"- ông Tiến đề nghị.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online "trong các vụ bạo lực đã xảy ra với ngành y tế vừa qua, có trường hợp nào do thầy thuốc chưa tận tụy chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân?", ông Tiến cho rằng các bệnh viện đang cung cấp dịch vụ theo chuẩn "người bệnh hài lòng", thực tế có cán bộ y tế chưa thực sự tốt nhưng số ấy không phải là nhiều.
Vụ hai bác sĩ Ninh và Trung bị đánh hôm 20-2 (mồng 5 tết) là vụ bạo lực với cán bộ y tế đầu tiên của năm 2018. Năm 2017 vừa qua đã xảy ra hàng chục vụ bác sĩ bị đánh, chém, bao vây…
Đại diện Bộ Y tế cho rằng tình hình có xu hướng không giảm mà ngày càng leo thang.
Theo Lan Anh/Tuổi trẻ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN