Hai ngày liên tục không ghi nhận ca mắc mới nhưng dịch COVID - 19 sẽ kéo dài

Bộ Y tế cho biết, 48 giờ liên tục kể từ 6 giờ ngày 16/4 Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Đến nay nước ta vẫn giữ con số 268 bệnh nhân, trong đó, 160 người từ nước ngoài, chiếm 59,7% và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Trong công tác điều trị, hiện nay chúng ta cứu sống được các bệnh nhân nặng vì cả nước dồn trí, dồn sức vào cứu chữa.

Còn nhìn ra bên ngoài, rất nhiều nước có nền y tế phát triển hơn ta nhiều, giàu có hơn nhiều nhưng đã có tới hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh, hàng ngàn, hàng chục ngàn người tử vong thì không chỉ thiệt hại về tính mạng con người, về xã hội mà thiệt hại kinh tế cũng lớn hơn rất nhiều. Vì vậy chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội”.

Theo Phó Thủ tướng, kiểm soát dịch bệnh cần đặt trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và hoàn toàn có thể sẽ có những ca bệnh mới. Vấn đề là kiểm soát được ngay, không để lây lan rộng, thành những ổ dịch lớn, lây lan rộng, vượt khả năng kiểm soát, điều trị. Do đó Việt Nam phải luôn bám sát nguyên tắc: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch.

Dịch bệnh còn kéo dài nên phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn, tuyệt đối không được chủ quan.

Theo đó, người dân cần hạn chế ra ngoài, khi cần thiết đi lại phải an toàn. Cần có quy định thật cụ thể khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng từ máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe khách tới taxi, xe ôm. Đặc biệt đối với các hộ kinh doanh cá thể, người hành nghề tự do cần có quy định hướng dẫn kể cả khi cầm tiền, thanh toán… như thế nào cho an toàn.

Tại các cơ quan công việc tổ chức các sự kiện cần nhiều người tham gia phải có phương án thật chi tiết đảm bảo đúng các hướng dẫn về phòng dịch. Trước mắt chưa cho phép tập trung đông người. Đối với các hoạt động bắt buộc phải làm như hiếu, hỉ cần tuân thủ quy định về số người tham gia cùng các biện pháp đảm bảo an toàn.

Các cơ sở lưu trú không chỉ phải đáp ứng các yêu cầu về y tế thuần túy mà cả các yêu cầu về khai báo lưu trú… đáp ứng yêu cầu chống dịch. Ngành văn hóa, du lịch cần chủ động hoàn thiện các quy định, hướng dẫn để sẵn sàng khi tình hình dịch được kiểm soát tốt sẽ từng bước mở lại các hoạt động trên tinh thần phải đảm bảo an toàn.

“Tinh thần chung là chúng ta phải chung sống an toàn trên từng lĩnh vực, từng ngõ ngách, từng cấp độ nhưng tuyệt đối không chủ quan”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thái Hà/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN