Đề xuất thay đổi giờ làm việc buổi sáng: Kẻ khóc người cười!?

Đề xuất thay đổi giờ làm việc buổi sáng của các cơ quan hành chính Nhà nước ngay khi được đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân đặc biệt dân văn phòng.

Tranh cãi đề xuất đi làm lúc 8h30, nghỉ trưa 60 phút

Mới đây, trong dự thảo Luật Lao động sửa đổi vừa được công bố lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất thay đổi thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trong toàn quốc từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút, trừ bộ phận làm việc 24/24h. Theo đó, thời gian làm việc này sẽ được quy định cứng trong Luật Lao động.

Trước đề xuất này, trên VOV, ông Đỗ Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, thời gian bắt đầu làm việc của cơ quan hành chính lúc 8h30 là quá muộn, sẽ ảnh hưởng đến việc đưa đón con đi học của các cán bộ, công chức.

Cùng ý kiến, trên Vietnamnet, anh Nguyễn Tiến Nam (Quận Tân Bình, TP.HCM) cũng phản đối đề xuất đổi giờ làm.

“Nhà tôi có hai cháu, một học mầm non, một học tiểu học. Cháu học mầm non vào lớp lúc 7h30, cháu học tiểu học thì học từ 7h nên phải có mặt từ 6h45 ở trường. Trong khi đó, cả tôi và vợ đều vào làm từ 8h. Hiện nay, chúng tôi 5h30 đã dậy chuẩn bị đồ ăn sáng cho các cháu, 6h đánh thức các cháu dậy, cho ăn uống rồi làm một “cua” đưa nhau đi học, đi làm.

Chúng tôi chọn trường cho các cháu ngay gần chỗ làm để tiện đưa đón nên buổi sáng thường tới cơ quan khá sớm, trước giờ làm khoảng 20 phút. Nếu bây giờ chuyển giờ làm xuống 8h30 thì mỗi sáng chúng tôi chơi không gần một tiếng đồng hồ à?”, anh Nam phân tích.

De xuat thay doi gio lam viec buoi sang: Ke khoc nguoi cuoi!?
Đưa đón con đi học buổi sáng luôn là nỗi lo đối với những người đi làm

Cũng trên VTC News, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng cần phải xem xét rất kỹ sự tác động của việc thay đổi giờ làm bởi việc mục tiêu lớn nhất của các cơ quan hành chính Nhà nước là phải phục vụ người dân.

Theo ông Huân, thực ra phương án thống nhất giờ làm trước đây cũng từng được đưa ra bàn bạc rất nhiều nhưng do có nhiều ý kiến nên sau đó đã giao các địa phương tự quy định, Chính phủ cũng quy định các cơ quan cho phù hợp, chỉ cần đảm bảo làm sao cơ quan hành chính phải làm việc đủ 8 giờ.

Một vấn đề nữa theo ông Huân đó là thay đổi giờ làm phải phù hợp với các vùng khí hậu khác nhau. Trong miền Nam nắng rất sớm mà để đến 8h30 thì cũng không hợp, ngược lại ở miền Bắc hay ở miền núi thì có thể sẽ lại phù hợp.

Ông Huân cho rằng phải đánh giá tác động và thấy rằng phương án nào hiệu quả thì làm chứ không phải chỉ vì thống nhất giờ làm mà lại quên những việc chính.

"Theo tôi phương án giờ làm như hiện hành là tương đối phù hợp. Cần phải xem lại ý kiến của các địa phương xem vấn đề chưa thống nhất giữa Trung ương và địa phương có gây cản trở lớn lắm không.

Tất nhiên là cũng có những cản trở nhất định nhưng so với phục vụ cho dân và phù hợp với thời giờ làm việc của đối tượng khác thì phải cân nhắc. Không vì thống nhất thời gian làm việc mà quên mục tiêu phục vụ", ông Huân bày tỏ.

Việc nghỉ trưa 60 phút của người lao động cũng là vấn đề gây nhiều bàn cãi.

De xuat thay doi gio lam viec buoi sang: Ke khoc nguoi cuoi!?-Hinh-2

Việc lùi giờ nghỉ trưa xuống còn 60 phút thay vì 90 phút cũng gây tranh cãi

Anh Mai Văn Long, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, cho rằng cần nghiên cứu lại bởi ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, người lao động thường sáng đi tối về, mọi hoạt động trong ngày chủ yếu ở cơ quan, ăn trưa ngay ở quán. Tuy nhiên, tại các địa phương hoàn toàn khác.

“Buổi sáng nhiều người đi làm nhưng trưa lại phải chạy về lo cơm, nước cho con cái, gia đình. Vì vậy, thời gian nghỉ trưa một tiếng chỉ phù hợp với các thành phố lớn. Nên tôi cho rằng thời gian nghỉ trưa nên kéo dài 90 phút thay vì 60 phút như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH…”, anh Long ý kiến.

Có nhiều ý kiến cho rằng việc nghỉ trưa 60 phút là hợp lý. Nhiều ý kiến cho biết nghỉ trưa kéo dài hơn 60 phút dễ phát sinh tụ tập, nhậu nhẹt ảnh hưởng tới năng suất lao động. Bên cạnh đó, không chỉ bây giờ mà hiện tại nhiều văn phòng, công sở ở Việt Nam cũng đã áp dụng chế độ nghỉ trưa 1 tiếng. Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực cũng đã quy định giờ nghỉ trưa không quá 60 phút.

Người lao động chưa nên vội lo lắng

Nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, đề xuất thống nhất giờ làm việc từ trung ương tới địa phương đã từng được đưa ra từ hơn chục năm trước, song nhiều địa phương không đồng thuận, vì thời tiết khác nhau.

"Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần đánh giá tác động của việc đổi giờ làm. Liên thông giờ làm việc trung ương và địa phương nếu được là tốt, song quan trọng hơn là phải thuận lợi cho đời sống của người dân", ông Huân nói và cho rằng đề xuất đổi giờ làm sang 8h30 cũng cần được lấy ý kiến người dân để tránh xáo trộn.

Lý giải về nguyên nhân đưa ra đề xuất thay đổi giờ làm việc của cơ quan hành chính, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, cần kết nối liên thông giờ làm việc để mọi chỉ đạo từ Trung ương xuống địa phương hoặc từ địa phương lên Trung ương được đảm bảo về mặt giờ giấc. Do đó, mới quy định thống nhất giờ làm việc từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút để cơ quan hành chính kết nối làm việc với nhau, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, không nhất thiết phải ngồi tại cơ quan mới làm việc được mà đã có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Vì thế, Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất 2 phương án.

Nêu quan điểm cá nhân, ông Diệp cho rằng: “Thời nay đã có sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật thì việc thống nhất làm việc theo một thời gian quy định không quá quan trọng. Nhiều quốc gia khác họ cũng quy định thời gian làm việc linh hoạt, miễn sao hiệu quả.

Chính vì thế chúng ta cũng không nhất thiết phải thống nhất giờ làm việc cụ thể. Nhưng vì trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Lao động đã có những ý kiến nên Bộ LĐ-TB-XH mới đưa ra 2 phương án như vậy.

Tinh thần của Chính phủ là lắng nghe. Có ý kiến thì đưa ra bàn thảo mặt được và không được. Nên như thế nào? Việc điều chỉnh cùng giờ thống nhất cũng liên quan đến rất nhiều đơn vị khác như nhà trẻ mẫu giáo, các trường học, doanh nghiệp...để người dân, người lao động có thể tiếp xúc được với cơ quan nhà nước”.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra 2 phương án để lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, sau đó đưa qua Quốc hội bàn thảo và quyết định.

Theo giadinh.net

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN