Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Liên hiệp hội Việt Nam

Trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, sau khi Liên Xô tan rã và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, nước ta đứng trước những khó khăn vô cùng to lớn.
Tình hình đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động và sự phát triển của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên…
Vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, nhiều hoạt động mới của Liên hiệp hội Việt Nam dần được định hình, trong đó tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một phương hướng hoạt động lần đầu tiên được triển khai thực hiện với luận chứng kinh tế - kỹ thuật công trình thuỷ điện Yaly trên sông Sê san (tỉnh Gia Lai) và tài liệu kỹ thuật công trình đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam do hãng Nippon Koei (Nhật Bản) lập.
Dai hoi dai bieu toan quoc lan thu III Lien hiep hoi Viet Nam
 Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam khóa III ra mắt Đại hội
Trong hai ngày 27 và 28/9/1993, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Liên hiệp hội Việt Nam đã được tiến hành tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội). Về dự đại hội có 184 đại biểu thay mặt cho 34 hội ngành toàn quốc và 8 liên hiệp hội địa phương. Tổng Bí thư Đỗ Mười, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS.TS Nguyễn Đình Tứ, GS Nguyễn Đức Bình, các đồng chí Vũ Oanh, Lê Quang Đạo, Nguyễn Khánh, đại diện các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều bộ, ban, ngành ở Trung ương và Thủ đô Hà Nội cùng một số khách nước ngoài đã đến dự Đại hội.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Đỗ Mười nhấn mạnh: “Hoạt động của Liên hiệp hội và các hội thành viên đã góp phần tích cực nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hợp tác trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tham gia vào việc biên soạn hoặc đảm nhận vai trò tư vấn, phản biện và giám định các dự thảo về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các dự luật, các dự án kinh tế - xã hội và khoa học, công nghệ ở tầm quốc gia.
Nhiệm vụ đặt ra trong chặng đường tới cũng rất nặng nề, có thể nói còn nặng nề hơn trước. Phải tăng cường ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm môi trường trong nước và quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh công nghiệp hoá, xây dựng dựng đất nước, làm cho nền kinh tế phát triển lành mạnh với nhịp độ cao và liên tục, cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường, đem lại cuộc sống ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn dân. Đội ngũ đông đảo trí thức nước nhà thuộc Liên hiệp hội phải đảm nhiệm vai trò xứng đáng trong việc thực hiện sự nghiệp trọng đại đó”.
Trong lời phát biểu chào mừng Đại hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Sự phát triển nhanh và lớn như vậy chứng tỏ hình thức tổ chức các hội khoa học và kỹ thuật đã đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số cán bộ khoa học và kỹ thuật, của giới trí thức. Đây là một hình thức tổ chức dân chủ, tự nguyện, một tổ chức phi chính phủ mang tính chất tự chủ, tự quản. Hoạt động trong các hội khoa học và kỹ thuật, các đồng chí không bị ràng buộc và ngăn cách bởi sự phân chia hành chính. Đó là tính ưu việt của hình thức tổ chức của Liên hiệp hội”.
Dai hoi dai bieu toan quoc lan thu III Lien hiep hoi Viet Nam-Hinh-2
 Công trình thuỷ điện Yaly, Gia Lai do LHHVN tư vấn, phản biện và giám định xã hội về luận chứng kinh tế - kỹ thuật
Với tinh thần đoàn kết, đổi mới và xây dựng, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thông qua báo cáo của Hội đồng Trung ương (khoá II) cùng các văn kiện quan trọng khác và bầu ra Hội đồng Trung ương (khoá III) gồm 95 uỷ viên. Hội đồng Trung ương (khoá III) tiếp tục suy tôn GS.VS Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch danh dự, bầu Đoàn Chủ tịch gồm 11 ủy viên và Uỷ ban Kiểm tra gồm 5 ủy viên:
Chủ tịch danh dự: GS.VS Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa
ĐOÀN CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRUNG ƯƠNG
LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM, NHIỆM KỲ III (1993-1999)
1. GS.TS Hà Học Trạc- Chủ tịch
2. GS Phan Huy Lê- Phó Chủ tịch
3. TS Phạm Sĩ Liêm- Phó Chủ tịch
4. TS Nguyễn Hữu Tăng- Phó Chủ tịch
5. PTS Hồ Uy Liêm- Tổng thư ký
6. TS Nguyễn Năng An- Ủy viên
7. GS.VS Vũ Tuyên Hoàng- Ủy viên
8. PTS.Nguyễn An Lương- Ủy viên
9. TS.Chu Phạm Ngọc Sơn- Ủy viên
10. Luật sư Ngô Bá Thành- Ủy viên
11. Phạm Quốc Tường-   Ủy viên
ỦY BAN KIỂM TRA LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
NHIỆM KÌ III (1993-1999)
1. Trần Cư -Chủ nhiệm
2. PTS.Huỳnh Văn Hoàng- Ủy viên
3. Ngô Đức Minh- Ủy viên
4. TS. Nguyễn Thiện Phúc- Ủy viên
5. PTS. Trịnh Văn Tự- Ủy viên
Lần đầu tiên tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III xuất hiện biểu trưng của Liên hiệp hội Việt Nam, sử dụng yếu tố cơ bản là một hình tam giác đều, được hợp thành bởi 3 chữ V (chữ đầu của từ Việt Nam và VUSTA), đặt trong biên hình tròn có dòng chữ “LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM – VUSTA”.
Hình tam giác đều trong tượng trưng cho 3 lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Liên hiệp hội Việt Nam là khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật. Các chữ V vừa là bộ phận của hình tam giác đều, vừa liên kết với nhau, gợi nên hình dáng của những cánh chim đang tung bay, ẩn dụ ý nghĩa sau: đoàn kết trong Liên hiệp hội Việt Nam, hoạt động khoa học và kỹ thuật sẽ có điều kiện để phát triển, vươn cao, vươn xa mãi (theo hoạ sĩ Nguyễn Duy Lẫm, tác giả mẫu biểu trưng đoạt giải Nhất trong cuộc thi sáng tạo được Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức trước thềm Đại hội).
>>> Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) Phan Xuân Dũng đánh giá về kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

(Nguồn: Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện)



Lê Công Lương – Lê Hồng

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN