Đại gia Diệp Bạch Dương nói gì khi bị đề nghị phạt tù chung thân?

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (cựu Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương), trong ngày xét xử hôm qua, đã bị Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt tù chung thân, tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hôm nay (18/11), phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xét xử vụ sai phạm liên quan đến việc hoán đổi nhà đất 185 Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3 và 57 Cao Thắng, phường 3, quận 3, TPHCM tiếp tục với phần luật sư và các bị cáo tự bào chữa.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (nguyên Giám đốc Cty Diệp Bạch Dương), trong ngày xét xử hôm qua, đã bị Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt tù chung thân, tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, Bà Diệp đã có hành vi gian dối khi nhà đất số 57 Cao Thắng đã được thế chấp vay tại một ngân hàng nhưng không báo cho phía cơ quan hoán đổi là một trong những hành vi lừa đảo.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp nói rằng, những chứng từ chứng minh bị cáo thế chấp tài sản 57 Cao Thắng tại ngân hàng là tài liệu giả mạo. Các nội dung liên quan đến hồ sơ vay đều là giả mạo từ con số đến các văn bản. Mặt khác, bà Diệp cũng không thừa nhận mang nhà đất 57 Cao Thắng thế chấp.

Bào chữa cho bà Diệp, luật sư Phan Trung Hoài và luật sư Phan Minh Hoàng (cùng Đoàn luật sư TPHCM) trình bày: các sở, ngành và UBND TPHCM không yêu cầu Cty Diệp Bạch Dương cung cấp bản chính chủ quyền 57 Cao Thắng, là xuất phát từ nhận thức của các cá nhân - người có thẩm quyền của các sở, ngành và UBND TPHCM.

Dai gia Diep Bach Duong noi gi khi bi de nghi phat tu chung than?

Luật sư Phan Trung Hoài và luật sư Phan Minh Hoàng bào chữa cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp.

Luật sư Phan Trung Hoài dẫn lời khai của ông Lê Hoàng Quân (thời điểm xảy ra vụ án là Chủ tịch UBND TPHCM): Về nguyên nhân, do chủ quan và tin tưởng quá mức vào việc Cty Diệp Bạch Dương tự khẳng định mình là chủ sở hữu hợp pháp đối với nhà đất tại 57 Cao Thắng nên không có đơn vị hay cá nhân nào đề xuất, thực hiện việc kiểm tra, xác minh để xác định điều kiện pháp lý của nhà đất tại 57 Cao Thắng có đủ điều kiện để hoán đổi hay không. Ban chỉ đạo 09 không có sự phân công cụ thể, rõ ràng, đơn vị nào cũng cho rằng việc kiểm tra, xác minh điều kiện pháp lý đối với nhà đất tại 57 Cao Thắng thuộc trách nhiệm của đơn vị khác, không thuộc chức năng của mình dẫn đến không có đơn vị nào làm.

Theo luật sư Phan Trung Hoài phân tích, nếu coi việc bà Diệp thế chấp tài sản 57 Cao Thắng có đăng ký với Văn phòng đăng ký đất đai (Sở TN&MT TPHCM), theo hồ sơ vụ án thì việc thế chấp này (nếu có) là công khai và hoàn toàn kiểm tra được thông tin này. Cơ quan phê duyệt việc hoán đổi nhà đất là UBND TPHCM cùng sự tham mưu của các sở, ban, ngành giúp việc trong đó có Sở TNMT, Sở Xây dựng TPHCM… hoàn toàn nắm, biết được việc tài sản 57 Cao Thắng có thế chấp hay không.

“Không có bất kỳ đơn vị, cá nhân nào yêu cầu bà Diệp và Cty Diệp Bạch Dương cung cấp tài liệu hoặc giải thích về tính pháp lý đối với quyền sở hữu nhà 57 Cao Thắng. Do vậy, trong quá trình thực hiện hoán đổi, các cơ quan, sở, ban, ngành này không kiểm tra, không hỏi bà Diệp thì hành vi không cung cấp thông tin này không thể bị coi là hành vi gian dối, không thể quy buộc rằng việc bà Diệp không cung cấp thông tin thế chấp là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được” - Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa. 

Theo Tân Châu/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN