Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi: Vành đai 3 rất quan trọng với TP HCM và cả vùng

Vành đai 3 không chỉ là tuyến giao thông chiến lược, mà còn là hành lang phát triển đô thị, công nghiệp, kết nối vùng. 

Dự án đường vành đai 3 TP.HCM đang thu hút sự quan tâm của nghị trường. Người dân các tỉnh có đường vành đai 3 đi qua đang háo hức, chờ đợi dự án được Quốc hội phê duyệt nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (ảnh) khẳng định: “Dự án đường vành đai 3 TP.HCM rất cấp thiết rồi, nó giống như là liều thuốc cấp cứu cho bệnh nhân nguy kịch”.

Vành đai 3 không chỉ là tuyến giao thông chiến lược

. Phóng viên: Thưa ông, lý do chính yếu mà TP.HCM cũng như một số tỉnh lân cận quyết tâm trình dự án đường vành đai 3 này là gì?

Chu tich TP HCM Phan Van Mai: Vanh dai 3 rat quan trong voi TP HCM va ca vung

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

+ Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Chúng ta biết gần 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây, TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang đối mặt với tình trạng ách tắc giao thông, dư địa đất đai, không gian đô thị phát triển quá chật chội. Động lực phát triển giảm dần. Chính vì vậy tuyến đường này có vai trò rất quan trọng đối với TP.HCM và cả vùng.

Vành đai 3 không chỉ là tuyến giao thông chiến lược, mà còn là hành lang phát triển đô thị, công nghiệp, kết nối vùng. Có thể nói dự án sớm triển khai đưa vào sử dụng sẽ giải quyết những bất cập hiện tại mà còn tạo ra động lực mới thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.

. Vừa qua, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước có đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan, TP đã rà soát các nội dung này thế nào, thưa ông?

+ Trước kiến nghị của cơ quan kiểm toán, TP đã chủ động rà soát và có báo cáo Chính phủ và Quốc hội. Cụ thể, quy hoạch chi tiết của đường vành đai 3 cũng lên phương án thiết kế đường song hành bên cạnh đường cao tốc chính với quy mô hai làn xe. Dự án được đầu tư phân kỳ tùy theo nhu cầu vận tải, sự phát triển đô thị hai bên và sẽ được tính toán, hoạch định cụ thể trong giai đoạn lập dự án đầu tư.

Mặt khác, tuyến chính cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt, không giao nhau với các đường khác và chỉ có một số điểm ra vào nhất định.

Do đó, việc đầu tư xây dựng đường song hành là cần thiết để tổ chức giao thông kết nối với khu đô thị, khu dân cư dọc hai bên tuyến. Điều này sẽ góp phần phát huy tối đa hiệu quả của dự án, làm tăng tính kết nối giao thông với các khu đô thị, khu dân cư dọc hai bên tuyến. Đồng thời phục vụ phát triển khu công nghiệp, khai thác quỹ đất hai bên đường, đảm bảo các mục tiêu đầu tư, đồng thời phù hợp với quy hoạch đã duyệt.

Đảm bảo nguồn vốn cho dự án

. Nổi lên trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước là vấn đề giá đất xung quanh tuyến đường này. Ông lý giải ra sao?

+ Về đơn giá đất thương mại dự kiến đấu giá, UBND TP đã chỉ đạo Sở TN&MT cùng các địa phương khảo sát, tính toán sơ bộ đơn giá các khu đất dọc theo dự án tối thiểu dự kiến 15 triệu đồng/m2. Đơn giá này là tạm tính, chưa tính toán phân bổ chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội.

Chu tich TP HCM Phan Van Mai: Vanh dai 3 rat quan trong voi TP HCM va ca vung-Hinh-2

Đường vành đai 3 đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn đang được vận hành, khai thác.
Ảnh: ĐÀO TRANG

Sau khi dự án được Quốc hội thông qua, quá trình triển khai dự án cùng với đầu tư các tuyến đường kết nối với những khu đất dọc theo dự án thì giá trị các khu đất này sẽ tăng. Khi đó, TP sẽ xác định giá khởi điểm để tổ chức đấu giá theo đúng quy định.

Giá bồi thường đất dân cư trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là 26 triệu đồng/m2. Mức giá này được lập trên cơ sở khối lượng GPMB dự kiến và các đơn giá đất, tài sản trên đất, mức hỗ trợ áp dụng tại thời điểm năm 2022. Kinh phí này đã bao gồm cả kinh phí dự kiến để xây dựng hạ tầng khu tái định cư và đã bao gồm dự phòng phí cho công tác này là 10%.

. TP.HCM, các tỉnh phía Nam cũng như cả nước vừa bước qua đại dịch. Vậy khả năng cân đối vốn của các địa phương, đặc biệt là TP.HCM để triển khai dự án này có bị ảnh hưởng gì không, thưa ông?

+ HĐND các địa phương đã rà soát nguồn vốn trung hạn, tập trung nguồn vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, trong đó có dự án đường vành đai 3. Theo đó, giai đoạn 2023-2024, TP.HCM sẽ bố trí hơn 13.000 tỉ đồng để triển khai dự án.

TP có khả năng thu ngân sách nhà nước lớn, dự kiến huy động được nguồn thu khi phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19. Trong trường hợp cần thiết, TP sẽ báo cáo Chính phủ về việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để đảm bảo nguồn vốn triển khai dự án.

Đảm bảo quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng

. Dự án có khối lượng GPMB lớn, độ khó cao, nhiều ý kiến lo ngại sẽ chậm tiến độ, khiến chi phí phát sinh. Vậy giải pháp của TP nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB là gì, thưa ông?

+ Đây đúng là vấn đề khó nhất của dự án. Theo quy mô giải tỏa, TP.HCM là địa phương khó khăn nhất, sau đó là Đồng Nai, Bình Dương. Dù vậy, đến thời điểm này, TP.HCM và các tỉnh đã lập tổ khảo sát rất kỹ, thống kê, phân loại đất, hộ dân bị ảnh hưởng và áp giá bồi thường… Các địa phương đề xuất một số cơ chế như tách riêng GPMB thành dự án độc lập, chỉ định thầu các gói thầu về GPMB và làm song song các thủ tục để rút ngắn thời gian chuẩn bị GPMB.

Để GPMB nhanh phải đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân bị ảnh hưởng. Trong đó, vừa đảm bảo giá bồi thường thỏa đáng, tái định cư thuận lợi và tạo các điều kiện ổn định sinh kế, đào tạo nghề giúp cho bà con ổn định cuộc sống. Mặt khác, việc tổ chức bộ máy cho việc bồi thường, GPMB ở các địa phương cũng được củng cố dần.

Dự kiến sau khi Quốc hội thông qua, UBND TP chuẩn bị và mời Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị với các địa phương, các ngành liên quan để cùng bàn việc đẩy nhanh GPMB, dự kiến cuối năm 2023 hoàn thành GPMB. Các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

. Đây là dự án lớn liên quan đến nhiều địa phương và cần tới sự hỗ trợ từ trung ương. Thưa ông, vậy TP sẽ tận dụng sự phối hợp, liên kết cả chiều dọc và chiều ngang như thế nào?

+ Như tôi nói ở trên, khó nhất là khâu GPMB, thứ hai là vấn đề tổ chức thực hiện. Với khối lượng công việc lớn như thế, phối hợp với nhiều địa phương, bộ, ngành để tổ chức thực hiện, triển khai dự án cũng không hẳn là chuyện dễ dàng.

Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư thì TP ngay sau đó sẽ cùng các tỉnh và bộ, ngành tham mưu để Chính phủ ban hành một nghị quyết về tổ chức thực hiện, triển khai dự án. Cùng với đó, TP sẽ tham mưu lập ban chỉ đạo dự án, văn phòng dự án… cũng như xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạnh chi tiết và làm tốt việc điều phối hoạt động.

. Xin cám ơn ông.•

Vành đai 3: Tầm vóc đầu tiên mang tính liên kết vùng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho hay dự án đường vành đai 3 là dự án có tầm vóc đầu tiên mang tính liên kết vùng ở phía Nam.

Theo ông, hiện các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã gặp quá tải về hạ tầng giao thông. Điều này cản trở lưu thông hàng hóa, thu hẹp dư địa phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.

Do tính cần thiết nên dự án đã có chủ trương đầu tư từ 10 năm trước. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực từ xã hội hóa gặp khó khăn nên vừa qua Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công.

“Tôi cho rằng đây là công trình hết sức cần thiết, tháo được các điểm nghẽn trong giao thông, tạo dư địa và không gian phát triển mới cho cả vùng. Thậm chí nó sẽ lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của các khu vực khác như các tỉnh miền Tây, vùng Tây Nguyên” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nói.

Về nguồn vốn, ông Dành cho hay vừa qua, HĐND các tỉnh đã có nghị quyết cam kết bố trí vốn của địa phương trong dự án. Theo đó, Bình Dương và các tỉnh, thành liên quan cũng đã rà soát các công trình để tập trung vốn đầu tư cho dự án này.

Cạnh đó, việc sử dụng quỹ đất hai bên đường vành đai 3 để đấu giá cũng sẽ tạo thêm nguồn vốn để thực hiện dự án.

Chu tich TP HCM Phan Van Mai: Vanh dai 3 rat quan trong voi TP HCM va ca vung-Hinh-3

Sơ đồ dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Đồ họa: HỒ TRANG

T.PHÚ - Đ.THANH - T.NGUYỆT/PLO

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN