"Chọi người" vẫn giữ, sao cứ đòi bỏ lễ hội chọi trâu?

Sự cố trâu chọi húc chết chủ ở Đồ Sơn khiến dư luận lại một lần nữa “nóng” câu hỏi từng gây nhiều tranh cãi: giữ hay bỏ lễ hội chọi trâu?
Ngày 1/7 vừa qua, vòng loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017 xảy ra một sự cố đáng tiếc khi trâu chọi số 18 của ông Đinh Xuân Hướng (Phường Vạn Hương) bất ngờ tấn công chủ khiến ông Hướng thiệt mạng. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng giao Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn tạm dừng việc tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 và kiểm tra chất kích thích tăng lực còn tồn dư trong trâu số 18 cũng như các trâu khác tham gia vòng đấu loại.
Sau khi sự việc xảy ra, dư luận lại một lần nữa “nóng” câu hỏi từng gây nhiều tranh cãi: giữ hay bỏ lễ hội chọi trâu và các lễ hội có yếu tố bạo lực, có nghi lễ hiến sinh?
"Choi nguoi" van giu, sao cu doi bo le hoi choi trau?
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Ảnh minh họa (Zing). 
Trâu chọi húc chết chủ: Vì đâu nên nỗi?
Năm nay, sau rất nhiều ý kiến chỉ trích các lễ hội có nghi lễ hiến sinh, chỉ có lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được cho phép tổ chức. Tuy nhiên, gần đây có dư luận cho rằng, lễ hội đang biến tướng và xuất hiện hiện tượng trục lợi như cá độ hay xẻ thịt trâu bán với “giá trên trời”. Chưa kể, những con trâu chọi được huấn luyện hung dữ hơn, các chủ trâu dùng nhiều mánh khóe để giành chiến thắng như vót nhọn sừng trâu, dùng chất kích thích cho trâu...
Ngay tại vòng đấu ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hôm 1/7, trâu chọi số 18 đã có nhiều dấu hiệu bất thường nhưng vẫn được đưa vào đấu. Trong đoạn video ghi lại sự cố, trâu số 18 đã quay ra rượt đuổi chủ trâu đối thủ, sau đó mới quay lại tấn công chủ. Nhiều ý kiến cho rằng, lễ hội có nhiều hình ảnh gây ám ảnh bạo lực, công tác bảo vệ sơ sài, không đảm bảo an toàn cho cả chủ trâu và khán giả. Những ý kiến ủng hộ việc dẹp bỏ lễ hội này là vì đã có sự cố gây nguy hiểm cho tính mạng con người.
“Tôi xem đoạn video chọi trâu Đồ Sơn và cảnh quay tai nạn trâu chọi húc chủ mà thực sự hoảng sợ. Đã đến lúc nên xem xét dừng tổ chức lễ hội này vì đã có người mất mạng. Chủ trâu không hề có biện pháp bảo vệ an toàn nào, họ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân để xử lý tình huống bất ngờ. Chưa kể, nếu nhìn kỹ thì thấy, hàng rào bảo vệ sới chọi quá sơ sài. Không ai biết chắc những rào chắn này có đủ an toàn trước những trâu chọi đang hăng máu hay không.” – anh Nguyễn Thái An (32 tuổi, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) bày tỏ quan điểm.
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu văn hóa cho rằng: “Chọi trâu ở sân vận động hiện trở nên nguy hiểm khi Ban tổ chức không thể kiểm soát được không gian chọi trâu, khi xảy ra sự cố sẽ khó phản ứng kịp”. Ông kiến nghị cần thu hẹp lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn như truyền thống trước đây và không tổ chức bán vé.
Mời độc giả xem video "Kiểm tra chất kích thích với trâu chọi húc chết chủ tại Đồ Sơn" - Nguồn: VTC14
Ứng xử thế nào với lễ hội truyền thống?
Trước khi nhận danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, từ năm 2000, lễ chọi trâu Đồ Sơn đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là một trong 15 lễ hội lớn của cả nước. Sau 28 năm khôi phục, lễ hội chọi trâu đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách du lịch bốn phương đến Đồ Sơn - Hải Phòng, từ ý nghĩa đến tính thương mại đều đạt được.
Để có những ngày hội chọi trâu náo nức, người dân Đồ Sơn phải chuẩn bị rất công phu trong khoảng 8 tháng trời. Người nuôi trâu chọi đi khắp vùng miền để tìm trâu chọi ưng ý. Việc nuôi, chăm sóc trâu cũng cần hết sức cẩn thận, cầu kỳ. Những con trâu có sừng cong, dài, đẹp và đủ chiều cao mới được dự đấu. Mắt trâu phải đen, tròng đỏ, mặt trâu giống mặt ngựa là trâu chọi hay... Mỗi mùa lễ hội, người đến xem chọi trâu chật cứng các sới đấu.
Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên xóa bỏ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, điều cần nhìn nhận là cách làm, cách tổ chức, làm cho tốt lên thay vì cấm đoán hay xóa bỏ.
Trả lời phỏng vấn của Kiến Thức, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (Giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) đã bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc xóa bỏ lễ hội chọi trâu. Ông cho rằng: "Lễ hội là luôn luôn vận động và biến đổi trong tiến trình phát triển. Thời điểm nào cũng chứa đựng cả điều tốt và điều chưa tốt, cả cái tiếp thu và cái hiện tồn, cả cái có giá trị và cái tiêu cực".
“Nhiều người cho rằng lễ hội chọi trâu đang có sự biến tướng tôi thì lại nghĩ hoạt động văn hóa luôn luôn thay đổi theo thời gian. Tất nhiên, khi thay đổi sẽ có cả tích cực lẫn tiêu cực. Nhiều người lại muốn dừng tổ chức lễ hội vì cho rằng chọi trâu là dã man, ám ảnh bạo lực thì “chọi người” như quyền anh, các loại võ đối kháng thì dã man hơn hàng trăm lần. Vậy tại sao nó vẫn tồn tại?” – ông Nguyễn Hùng Vĩ phân tích.
Chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ đồng ý với việc năm nay tạm dừng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, nhưng không đồng tình với việc xóa bỏ lễ hội. Ông cho rằng: “Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Làm sao lại đòi xóa bỏ nó. Năm nay tạm dừng vì tai nạn thương tâm xảy ra là đúng. Ai lòng nào mà vui hội nữa khi một mạng sống của người trình diễn bị tước mất. Tạm dừng là đúng nhưng xóa bỏ là sai. Đấu bò tót ở Tây Ban Nha trải qua 317 năm đã có 533 đấu sĩ thiệt mạng. Nhưng người ta vẫn cố gắng làm cho nó an toàn hơn, văn minh hơn. Là Di sản văn hóa, chúng ta cũng cố gắng làm cho nó tốt hơn chứ không xóa bỏ hẳn”.
Theo chuyên gia văn hóa: "Thay vì xóa bỏ một Di sản vì tổ chức chưa tốt, vì tai nạn không may xảy ra thì hãy chọn làm cho nó tốt lên. Bỏ đi đã khó nhưng xây dựng nó tốt đẹp càng khó hơn. Khó hơn thì cố gắng thôi. Không ai muốn sống tốt đẹp mà không cần cố gắng cả. Ném vung một hòn đá thì dễ nhưng nhặt hòn đá đó cho sạch đường thì đòi hỏi ý thức tự giác và sự cố gắng tử tế. Những người tổ chức cần rút kinh nghiệm cho năm sau. Tiền là quý nhưng tính mạng con người, bản sắc văn hóa còn quý gấp nhiều lần.”.
Linh Hoàng

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN