Cả nước hiện đang “nóng” lên vì lái xe uống rượu bia gây tai nạn

Sáng 23/5, tại Kỳ họp thứ 7, một số nội dung của dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia tiếp tục được đưa ra thảo luận như quy định về quản lý, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia; về các biện pháp quản lý rượu thủ công; về các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia. Trên cơ sở ý kiến thảo luận, Quốc hội sẽ quyết định về việc thông qua dự án Luật này với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm sức khỏe của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này gồm 7 chương, 36 điều; trong đó có một số vấn đề lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý, như: tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật; chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm.
Tại kỳ họp này, một số nội dung của dự thảo Luật tiếp tục được đưa ra thảo luận như quy định về quản lý, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia; về các biện pháp quản lý rượu thủ công; về các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia. Trên cơ sở ý kiến thảo luận, Quốc hội sẽ quyết định về việc thông qua dự án Luật này với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm sức khỏe của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Ca nuoc hien dang “nong” len vi lai xe uong ruou bia gay tai nan
 Đại biểu Nguyễn Minh Hiền.
Cả nước hiện đang “nóng” lên vì lái xe uống rượu bia gây tai nạn
Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho biết, cả nước hiện đang “nóng” lên vì lái xe uống rượu bia gây tai nạn, tổn hại sức khỏe, tính mạng của người dân. Vì thế Quốc hội lần này thông qua dự thảo Luật sẽ được người dân phấn khởi, đồng tình ủng hộ.
Đại biểu Phương nói rằng, việc nâng cao hiệu lực hiệu quả của luật, làm chuyển biến nhận thức của người dân là điều hết sức quan trọng. Tác hại rượu bia là nội dung cực kỳ quan trọng nhưng dự thảo Luật giải thích đơn giản.
“Do đó, cần làm rõ, nhấn sâu theo hướng rượu bia “gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế xã hội và là một trong những nguy cơ hàng đầu gây tàn tật, tử vong của người Việt Nam; đồng thời là nguyên nhân liên quan đến nạn rối loạn tâm thần, người lái xe gây tai nạn giao thông, gây tổn thương cả tinh thần và tính mạng của bản thân và người khác, làm cho bản thân dính vào vòng lao lý…”, đại biểu Phương nói.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương khi nói về biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu bia đã kiến nghị cần bổ sung quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia. “Giá rượu đắt chắc chắn người dân sẽ giảm uống, tác hại ít nhưng thu nhập doanh nghiệp, ngân sách nhà nước không giảm khi Luật ban hành”, đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu cho rằng, trường hợp người uống rượu bia gây tai nạn và hậu nghiêm trọng nhưng qua điều tra phát hiện nguyên nhân do bị ép uống hoặc chất lượng rượu bia gây ảnh hưởng thì tùy theo mức độ sai phạm để xử lý, xử phạt và truy cứu trách nhiệm.
Dùng rượu bia mà không kiểm soát, bất cứ ai cũng có thể trở thành tội phạm
Thảo luận tại Hội trường, đại Nguyễn Minh Hiền (Phú Yên) bày tỏ ý kiến thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Luật tại kỳ họp này.
“Tôi nghĩ mình không cần phải dẫn chứng cụ thể từng vụ việc thương tâm, từng câu chuyện nhức nhối từ TNGT, bạo lực gia đình hay xâm hại tình dục do tác hại rượu bia đã gây ra. Bởi lẽ, từ trẻ em ở độ tuổi bắt đầu có sự nhận thức cho đến người cao tuổi, đều hiểu rất rõ một điều đó là: chỉ có thể giảm tác hại của rượu bia thông qua việc giảm sử dụng nó”, bà Hiền nói và cho biết thêm, nếu đặt mình vào từng gia cảnh, từng thân phận con người đang đối mặt với những mất mát đau thương, kể cả những người vì rượu bia mà vướng vào vòng lao lý, chúng ta sẽ hiểu được nỗi đau hay bản án lương tâm mà họ đang phải trải qua mỗi ngày.
Điều này cũng góp phần làm sâu sắc nhận định: nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là trở thành tội phạm.
Đại biểu Hiền cho hay, với quy định về quảng cáo (rượu bia), nếu xác định kiểm soát quảng cáo để hạn chế tác động... thì cần chú trọng 2 vấn đề: hạn chế thấp nhất trẻ em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn. Thứ hai, kiểm soát nội dung quảng cáo, làm sao để các em không bị lầm tưởng rượu bia là tốt, khuyến khích sử dụng.
Đại biểu này chia sẻ: “Khi tôi khảo sát nhóm trẻ em từ 12 - 16 tuổi, về các loại thức uống các em dùng thì có 83% ý kiến liệt kê nhiều đồ uống có cồn. 87,6% ý kiến không nhận biết được đồ uống có cồn từ 4,5% trở lên. Khi hỏi về cảm giác sau khi uống, thì các em đều trả lời rằng “con uống có cảm giác lâng lâng”, con chóng mặt... nhưng gần 80% trẻ đều lựa chọn có thể tiếp tục sử dụng vì có giới thiệu, quảng cáo là nước hoa quả có gas, nước lên men...”
“Nếu không muốn nói quảng cáo đã tự do đánh tráo khái niệm thì điều này cũng trái với việc nghiêm cấm thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu bia, sức khỏe nêu trong Dự thảo”, bà Hiền nêu.
Mặt khác theo Đại biểu Hiền, lý do “đồ uống có cồn” đã không được đưa vào dự luật chỉ vì đây là “cụm từ chưa được sử dụng phổ biến trong xã hội” như báo cáo giải trình và cho rằng đó là căn cứ khá yếu về mặt pháp lý.
“Tôi rất ngạc nhiên về tính dự báo của dự Luật lần này, so với xu thế chung đã gần như đi ngược với “ khoa học quản lý chất gây nghiện đối với đời sống con người”, vô tình xem nhẹ sức khỏe người tiêu dùng nhưng có vẻ chủ ý bắt nhịp kịp thời với sự phát triển nhanh, mạnh của nền CN rượu bia”, đại biểu Hiền nói.
Đại biểu Hiền phân tích, trên thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn từ 4,2 đến 5%. Tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới đã nêu rõ, bia đang là đồ uống phổ biến ở Việt Nam và trong tình hình các nhà sản xuất quảng cáo, tiếp thị bia rộng rãi như hiện nay, thì bia là lựa chọn chính khi giới trẻ bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn.
“Vì vậy, tôi đề nghị quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5% và khung giờ quảng cáo cần phải điều chỉnh lại từ 18h-21h ở điều 12 thay cho những quy định theo chủ đích hiện tại của dự luật. Ai cũng biết 19-20h là thời gian chương trình thời sự và hầu như không có quảng cáo, đó chỉ là khung giờ vàng theo quan niệm người lớn nhưng nó không có ý nghĩa ưu tiên giảm lượng trẻ tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và đồ uống có cồn. Tôi cảm thấy rằng, dự thảo mới nhất này không phục vụ cho mục tiêu phòng chống tác hại của rượu bia. Với tâm thế bảo vệ cho các nhóm quyền của trẻ em, tôi tin vào trực giác của mình”, bà Hiền cho biết.
Đối với biện pháp hạn chế, kiểm soát trẻ em mua rượu bia, đại biểu Hiền cho biết, bất ngờ là lần dự thảo này không còn quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên internet vì nội dung này thực tế đang được quy định tại Nghị định số 105/2017 của CP, đây là một biện pháp nhằm hạn chế tính sẵn có của rượu bia cần được xem xét kế thừa.
“Không thể dễ dàng bỏ qua những đánh giá tác hại của rượu bia đối với trẻ em, thuộc nội hàm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Vì vậy, tôi đề nghị cần bổ sung cấm bán cả rượu, bia trên internet”, đại biểu Hiền nói.
“Luật phải có sự minh định rõ ràng, tính đến yếu tố khả thi khi áp dụng chứ không thể thiếu sự mạch lạc, ít nhất là với các điều khoản có tác động, ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em, vị thành niên. Chúng ta không thể “hồn nhiên” loại bỏ yếu tố quan trọng nhưng lại “hăm hở” đưa vào các điều “cấm” mà thực tế lại không diễn ra. Tôi không nghĩ dự thảo luật mới nhất lại sơ suất bỏ xót yếu tố kỹ thuật, “ chân nọ xọ chân kia” tựa như một dáng đi xiêu vẹo, không còn vững vàng về khung pháp lý được xem như “xương sống”, và “trục lái” của một bộ luật đã gần như mất đi sự tỉnh táo, cứng rắn so với dự thảo cũ”, đại biểu Hiền cho hay.
Kết thúc bài phát biểu, đại biểu Hiền nói rằng, chẳng có sự đánh đổi nào cay đắng hơn sự đánh đổi giá trị sức khỏe, mạng sống, tương lai của con người, trong đó có phụ nữ và trẻ em.
11 hành vi bị nghiêm cấm
1. Sử dụng cồn, men, nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; men, cồn thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nguyên liệu không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.
2. Quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên.
3. Khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi và khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu từ 15 độ cồn trở lên hoặc sử dụng rượu từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
4. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
5. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nhập lậu rượu, bia.
6. Bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi khi biết rõ người mua chưa đủ 18 tuổi, người đã có dấu hiệu say rượu, bia.
7. Cho người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
8. Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
9. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
10. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khoẻ.
11. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước và trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa ca làm việc, thời gian học tập, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

Hải Ninh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN