Báo động tỉ lệ học sinh mắc bệnh học đường gia tăng tại TP HCM

Gần 30% học sinh mắc bệnh béo phì, tăng cân, tỉ lệ học sinh bị tật khúc xạ và sâu răng cũng rất cao.

 

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM- HCDC thông tin tại cuộc họp báo chiều 29/12 tại TP HCM cho biết, trong số gần 1 triệu học sinh phổ thông vừa được khám sức khoẻ đã cho những con số rất đáng báo động: Gần 30% học sinh mắc bệnh béo phì, tăng cân, tỉ lệ học sinh bị tật khúc xạ và sâu răng cũng rất cao.
Đợt khám sức khoẻ được thực hiện cho 939.442/1,4 triệu học sinh, chiếm 68% trên tổng số.
Bao dong ti le hoc sinh mac benh hoc duong gia tang tai TP HCM
Trẻ thừa cân, béo phì dễ mắc các bệnh như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp... 
Năm 2021-2022 thì cả học kì I là do giãn cách xã hội nên học sinh không đến trường, do đó cũng không có điều kiện để khám sức khoẻ. Tỷ lệ học sinh đi học lại sau dịch cũng không đầy đủ nên không thể triển khai khám cho 100% học sinh. Vừa qua HCDC tiến hành khám sức khoẻ cho học sinh trên địa bàn và phát hiện, ngoài tỷ lệ thừa cân, béo phì cao nhất (28,96%) thì còn 2 bệnh khác cũng chiếm tỷ lệ khá cao gồm tật khúc xạ (25,86%) và sâu răng (20,31%). Số còn lại chiếm tỷ lệ ít bao gồm suy dinh dưỡng, cong vẹo cột sống, tăng huyết áp…
HCDC nhận định, đây là những con số khá cao và đáng báo động. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở độ tuổi học đường trên toàn quốc chỉ chiếm 19% trong các bệnh học đường.
Nguyên nhân trẻ thừa cân, béo phì chủ yếu do mất cân bằng giữa tỷ lệ dinh dưỡng nạp vào và tiêu hao năng lượng của cơ thể. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể dục, thể thao cũng là một nguyên nhân.
Trẻ thừa cân, béo phì dễ mắc các bệnh như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… Ngoài ra, trẻ sẽ dễ bị bạn bè chọc ghẹo dẫn đến tự ti, mặc cảm, dễ ảnh hưởng đến hiệu quả học tập. Tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì cao sẽ gây ra gánh nặng bệnh tật lớn cho xã hội.
Theo ông Tâm, mục tiêu đặt ra là cần giảm gánh nặng bệnh tật thừa cân, béo phì ở. Theo đó cần kết hợp từ nhiều phía, quan trọng nhất là gia đình và nhà trường.
HCDC cũng có một số hoạt động hỗ trợ kiểm soát tình trạng này, như: cung cấp bộ thực đơn cho các trường học trên địa bàn thành phố, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và cân đối theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Hằng năm, HCDC cũng tổ chức tập huấn cho nhân viên phụ trách công tác y tế trường học và nhân viên phụ trách bếp ăn bán trú về sàng lọc, phát hiện và theo dõi trẻ thừa cân béo phì để có giải pháp can thiệp điều trị kịp thời.
Hướng dẫn tổ chức bữa ăn học đường, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi.
Hồi tháng 8, HCDC cũng ban hành công văn gửi các trung tâm y tế, phòng giáo dục đào tạo các quận, huyện, TP Thủ Đức về hướng dẫn thực hiện các biện pháp để giảm tỷ lệ học sinh mắc bệnh học đường.
Sau kết quả lần này, HCDC cũng sẽ ban hành công văn gửi đến các trung tâm y tế, phòng giáo dục về các biện pháp cụ thể hơn nhằm giảm được tỷ lệ này.
H.Nga

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN