Ác mạng kinh hoàng nơi hàng chục người ngộ độc rượu

Một làng ở huyện miền núi Nam Giang, Quảng Nam vừa trải qua ác mộng khi hàng chục người phải cấp cứu sau khi uống rượu do các cơ sở nấu tại đây nấu. Trong đó đã có 3 tử vong.
Người dân xã Cà Dy, huyện Nam Giang mua nhiều rượu gạo về sử dụng trong đám tiệc - Ảnh: LÊ TRUNG 
Trước đó ngày 12-3, một nhóm năm người dân gồm: A Lăng Minh (43 tuổi), Bờ Nướch Chưm (56 tuổi), Hôih Nhân (24 tuổi), B Nướch Geo (36 tuổi), A Viết Giang (36 tuổi), tất cả cùng trú thôn Pà Păng, xã Cà Dy, huyện Nam Giang đã ra quán tạp hóa ở địa phương này mua rượu gạo và rủ nhau uống.
Hậu quả sau chầu nhậu, cả năm người này bị hôn mê sâu, khó thở, tím tái nên được người thân được đi Trung tâm y tế huyện Nam Giang cấp cứu và được chuyển đi các bệnh viện lớn để cứu chữa. Tuy nhiên ông Minh, Chưm, Giang tử vong vào các ngày 14-3 và 15-3 tại bệnh viện do bệnh quá nặng. Riêng Cheo và Nhân đang được cấp cứu, hiện ông Nhân vẫn còn đang trong tình trạng nguy kịch.
Gặp ác mộng vì rượu
Ngôi nhà của ông Bờ Nướch Chưm, người tử vong do ngộ độc rượu nhuốm một màu tang thương, bởi người thân vừa đau buồn tiễn đưa người đàn ông xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong gia đình ông còn có hai thanh niên khác đang phải nhập viện vì có những triệu chứng của ngộ độc.
Chị Zơ Râm Khâm (30 tuổi, con dâu của ông Chưm)-kể lại vào ngày 12-3 cha chồng của chị đi uống rượu với nhiều người trong thôn cả ngày. Tối về đến sáng hôm sau, ông Chươm mệt người nằm trên giường cả ngày, đau bụng, không ăn uống gì cả.
"Lúc cha tôi đi vệ sinh thì bị ngã bất tỉnh luôn. Gia đình tá hỏa đưa đi bệnh viện thì đã muộn, cha tôi mất" - chị Khâm nghẹn ngào.
Chị Khâm kể thêm, đến sáng nay hai người cháu đã uống rượu cùng ông Chưm là Bờ Nước Chuột (29 tuổi) và Bờ Nước Chuối (32 tuổi) cũng có triệu chứng giống ông và nôn mửa nên đã nhanh chóng đến bệnh viện khám, điều trị.
Ông Hôi Nhiếp, trưởng thôn Pà Păng, cho biết ngoài những người tử vong, trong thôn có gần 30 người khác trước đó uống rượu cũng đã phải nhập viện cấp cứu và xét nghiệm, điều trị vì sợ bị ngộ độc giống như những nạn nhân trên.
"Đúng là một cơn ác mộng. Thôn này chưa bao giờ chết nhiều người đến như vậy. Bà con ở đây ai cũng hoang mang, khiếp sợ" - ông Nhiếp rùng mình.
Đại tá Lê Quang Vịnh, trưởng Công an huyện Nam Giang, cho biết bước đầu xác định những nạn nhân trên bị ngộ độc rượu là chính. Hiện công an đã niêm phong các mẫu rượu, men thu tại các quán tạp hóa và điểm nấu rượu ở thôn Pà Păng để đưa đi xét nghiệm.
Sâm, các loại rễ cây để ngâm rượu được người dân bán tràn lan dọc tuyến QL14B huyện Nam Giang - Ảnh: LÊ TRUNG 
Tràn lan cơ sở nấu rượu, bán đồ ngâm
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại huyện Nam Giang, hầu như các quán tạp hóa nào từ nhỏ đến lớn nơi đâu cũng bán rượu gạo. Nhiều chủ tạp hóa cho biết họ lấy rượu từ các lò ở địa phương này đem về bán, chủ yếu là tin tưởng nhau chứ cũng không biết rõ chất lượng rượu ra sao, có an toàn hay không. Nhiều lò rượu còn mua các loại sâm, rễ cây được cho là tốt cho sức khỏe về tự ý ngâm rượu để bán.
Dọc tuyến quốc lộ 14B qua địa phận huyện Nam Giang có hàng chục điểm người dân đựng chòi, bày bán đủ thứ loại rượu và các loại dùng để ngâm rượu như: sâm, rễ cây thuốc. Thứ gì cũng có, từ sâm dây, đương quy, ba kích, sâm cao, đẳng sâm… đến chuối rừng khô, tổ ong…
Bà T., một hộ bán sâm dọc tuyến QL14B, cho hay các loại sâm này là do người nhà của bà lên rừng đào đem về phơi khô, đóng gói bán.
Khi chúng tôi đề cập đến chất lượng cũng như độ an toàn cũng những loại đồ ngâm này, bà T. nói rằng cũng không rõ lắm.
"Chúng tôi bán chủ yếu là nghe những người có kinh nghiệm về việc đào sâm, rễ cây ở bản làng cho hay thôi chứ không biết nó bổ dưỡng, an toàn ra sao" - bà T. nói.
Ông Hôi Nhiếp, trưởng thôn Pà Păng, thừa nhận người dân ở đây có thói quen uống rượu nhiều, cứ rảnh là uống. Và từ xưa đến nay dân thấy có quán bán rượu thì mua uống chứ không nắm rõ được nguồn gốc, xuất xứ hay có an toàn hay không.
"Lâu nay chưa có hoặc rất ít cơ quan chức năng nào kiểm tra, thẩm định rượu các cơ sở, hộ gia đình chất lượng như thế nào, độ an toàn ra sao. Cho nên xảy ra vụ ngộ độc ở đây thì cũng có một phần về kiểm định chất lượng không được quan tâm nhiều" - ông Nhiếp nói.
Ông Doãn Bing, chủ tịch UBND xã Cà Dy, cho biết hiện ở tại địa phương này có khoảng 40 cơ sở, hộ gia đình nấu rượu gạo để bán. Tuy nhiên, chính quyền xã không có chức năng kiểm tra, kiểm soát chất lượng các lò rượu này mà đó là của cơ quan quản lý thị trường, ngành y tế.
Người dân ở huyện Nam Giang lên rừng đào các loại rễ cây về phơi để bán ngâm rượu. Ảnh: LÊ TRUNG 
Khó kiểm soát, xử lý
Ông A Viết Sơn, phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết huyện đã chỉ đạo cho các cơ quan liên ngành hằng năm trước, trong và sau tết và hằng quý đều kiểm tra, rà soát về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các quán xá, cơ sở nấu rượu, tiệm tạp hóa bán rượu.
Tuy nhiên nhiều hộ nấu rượu dùng sử dụng trong gia đình, làng xóm nên việc kiểm soát sẽ rất khó cho cơ quan chức năng. Và huyện vẫn chưa thống kê được số lượng các lò rượu vì việc này tự phát, bán rượu ở các tiệm tạp hóa huyện cũng chưa kiểm soát được.
Ông Sơn thừa nhận có việc người dân ở địa phương này buôn bán tràn lan các loại sâm, rễ cây mà họ cho là thuốc. Qua kiểm tra được biết lâu nay ở địa phương có phong tục sử dụng các loại sâm, rễ cây, họ cho rằng đảm bảo sức khỏe nên việc bán tự phát rất nhiều. Tuy vậy khoa học vẫn chưa có căn cứ nào khẳng định những loại đồ ngâm ấy tốt cho sức khỏe nên huyện sẽ tăng cường kiểm tra việc buôn bán tràn lan này.
Các nạn nhân bị ngộ độc rượu đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: THÁI BÁ DŨNG 
Ông Nguyễn Văn Hai - giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, thừa nhận để xảy ra vụ việc hàng chục người uống rượu phải nhập viện như vậy một phần là sự lỏng lẻo trong việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của y tế cấp huyện. Tuy ngành y tế có nhiều văn bản chỉ đạo, nhưng việc nấu rượu này mang tính thủ công, rộng khắp, nhất là các huyện miền núi nên việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn rượu của các hộ gia đình, quán tạp hóa ở đây là khó khăn.
Theo ông Đoàn Ngọc Sơn, phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Quản lý thị trường Quảng Nam, khu vực miền núi rất khó vì phong tục, tập quán của bà con dân tộc, chủ yếu tuyên truyền cho bà con thôi chứ mình làm quyết liệt không nổi, nhà nào cũng nấu rượu, chủ yếu họ sử dụng chứ không phải buôn bán.
"Chúng tôi vừa mới có văn bản triển khai cho tất cả các đơn vị trực thuộc sắp tới tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát rượu và các cơ sở sản xuất, nhất là khu vực miền núi để không xảy ra sự việc tương tự"- ông Sơn nói thêm.
Theo LÊ TRUNG/Tuổi trẻ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN