89 gói thầu mua sắm chống dịch ở Hà Nội bị đội giá chục tỷ đồng

Thanh tra Chính phủ xác định trong 89 gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư chống dịch tại Hà Nội, phần lớn đều được mua bán qua trung gian khiến giá bị cao gấp nhiều lần.
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine và thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội. Giai đoạn thanh tra từ 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2021. Theo TTCP, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát và có nguy cơ diễn biến phức tạp, Hà Nội đã triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó có việc mua sắm trang thiết bị.
89 goi thau mua sam chong dich o Ha Noi bi doi gia chuc ty dong
 Ảnh minh họa.
Đặc biệt, đội ngũ y bác sĩ của thủ đô đã nỗ lực ngày đêm "chống dịch như chống giặc" nên tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, hạn chế thấp nhất thiệt hại về con người. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình mua sắm chống dịch. Trong đó, đáng chú ý nhất là hàng chục gói thầu thiết bị chống dịch đã bị mua sắm lòng vòng qua trung gian dẫn đến giá bán bị tăng lên từ vài tỉ đến cả chục tỉ đồng.
Cụ thể, thanh tra phát hiện 20 loại thiết bị do các nhà thầu cung cấp cho 31 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội được mua bán qua nhiều công ty trung gian. Việc mua bán lòng vòng trên được thực hiện với hình thức công ty ký hợp đồng mua bán với nhau trong thời gian ngắn, qua mỗi lần như vậy, giá trang thiết bị đều có mức chênh lệch tăng cao. Do đó, giá của các đơn vị trúng thầu cung cấp thiết bị cho các bệnh viện đều cao hơn nhiều lần so với giá nhập khẩu.
Sau khi các đơn vị thực hiện hợp đồng mua sắm thiết bị, UBND thành phố đã yêu cầu nhà thầu phải giảm giá "để chung tay chống dịch". Nhiều nhà thầu đã ký phụ lục hợp đồng về việc giảm giá nhưng Thanh tra Chính phủ cho rằng giá đã giảm này "vẫn cao hơn gấp nhiều lần so với giá nhập khẩu". Cụ thể, tổng giá trị trúng thầu 20 loại thiết bị trên là hơn 134 tỷ. Tuy nhiên, theo thanh tra, giá trị nhập khẩu và phụ kiện mua thêm các loại thiết bị chống dịch này chỉ gần 62 tỷ đồng.
Số tiền chênh lệch giữa giá trúng thầu và nhập khẩu là gần 73 tỉ. Sau khi thanh lý hợp đồng và được các nhà thầu giảm giá thì số tiền chênh lệch vẫn đến 49,5 tỷ. Trong đó có đến 41 gói thầu tại 34 bệnh viện và CDC Hà Nội do hai nhà thầu đã "mua, bán qua nhiều công ty trung gian và có giá trị chênh lệch lớn" giữa giá trúng thầu và giá nhập khẩu. Hai nhà thầu này được xác định là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thật Tài Lộc cùng Công ty TNHH Đầu tư phát triển Tùng Bách. Số tiền chênh lệch sau khi đã được giảm giá là 22 tỷ.
Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trên thuộc CDC Hà Nội, các bệnh viện thuộc Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Cơ quan thanh tra kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hà Nội có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, xử lý đối với những tồn tại, vi phạm đã được kết luận.
UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, CDC Hà Nội, các bệnh viện có liên quan kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân và có hình thức xử lý nghiêm. Từ đó, Chủ tịch thành phố có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tập thể, cá nhân thực hiện không đúng các quy định pháp luật trong mua sắm thiết bị chống dịch.
Thông báo Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, cơ quan thanh tra đã chuyển thông tin để Bộ Công an giao cơ quan chức năng xác minh, làm rõ đối với một số gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm của nhiều đơn vị, bệnh viện tại Hà Nội. Tổng số lên đến 89 gói thầu bị thanh tra chuyển sang Bộ Công an để xác minh.
Đa phần thiết bị trong các gói thầu này đều bị chênh lệch giá theo "công thức": từ nhập khẩu, mua bán qua trung gian và trúng thầu. Các loại thiết bị chống dịch từ máy X-quang, máy thở, máy lọc máu… được bán với giá cao gấp từ 1,2 lần đến gần ba lần so với giá nhập khẩu. Cụ thể, có 7 gói thầu mua sắm máy X-quang di động kỹ thuật số do Công ty Tài Lộc trúng thầu bị chuyển sang Bộ Công an xác minh. Số tiền chênh lệch của các thiết bị này sau khi đã được nhà thầu giảm giá là hơn 12 tỉ.
Những bệnh viện là chủ đầu tư của 7 gói thầu trên gồm: Phổi Hà Nội, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang, Bắc Thăng Long, Đống Đa và Đa khoa Hà Đông. Tương tự, 13 gói thầu mua máy thở xâm nhập và không xâm nhập do Công ty Tùng Bách cung cấp cũng bị chuyển sang Bộ Công an xác minh vì có giá bán chênh lệch 3,2 tỷ. Các bệnh viện mua loại máy trên gồm: Mắt Hà Nội, Hữu nghị Việt Nam - Cuba, Ung bướu Hà Nội…
Một số gói thầu mua sắm vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm thì có mặt hàng trúng thầu với giá chênh lệch gấp đến hơn 5,5 lần giá trị nhập khẩu. Những gói thầu này do CDC Hà Nội làm chủ đầu tư, đơn vị cung cấp là Công ty 3TK. Số tiền chênh lệch của sáu gói thầu là hơn 20 tỷ. Hàng chục gói thầu khác cũng bị chuyển sang Bộ Công an xác minh. Tổng số tiền chênh lệch của các gói thầu bị chuyển sang cơ quan công an làm rõ là hơn 60 tỷ.
>>> Xem thêm video: Những hình ảnh đáng yêu của các y bác sỹ trẻ nơi tuyến đầu chống dịch

Nguồn: VTV.

Gia Đạt

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN