Vụ công nhân Indonesia nghi nhiễm Covid-19: Bệnh viện FV nhận mẫu xét nghiệm sai quy trình?

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh xác nhận công nhân người Indonesia dương tính với Covid-19, nhưng sau đó, kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur TP bệnh nhân này lại âm tính với virus SARS-CoV-2.
Đâu là nguyên nhân của sự khác biệt nói trên? Quy trình nhận mẫu của Bệnh viện FV có đúng theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 hay không?
FV xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu?
Vu cong nhan Indonesia nghi nhiem Covid-19: Benh vien FV nhan mau xet nghiem sai quy trinh?
 Công văn ngày 1/7 của Bệnh viện FV.
Tối 1/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) báo cáo nhanh một trường hợp có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi tiến hành xét nghiệm tại một phòng khám ở phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh.
Bệnh nhân là nam, sinh năm 1989, mang quốc tịch Indonesia, công nhân tại một công ty xuất nhập khẩu của tỉnh Bình Dương.
Ngày 11/3, nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất, đến sáng 30/6, bệnh nhân cùng đồng nghiệp đến phòng khám ở quận 2 để xét nghiệm SARS-CoV-2, nhằm hoàn tất thủ tục xác nhận không nhiễm Covid-19 để về nước.
Đến tối 30/6, bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương sau khi có kết quả nhiễm Covid-19.
Tuy nhiên, cũng trong ngày 1/7, Công ty TNHH Y Tế Viễn Đông Việt Nam (Bệnh viện FV, số 6 Nguyễn Lương Bằng, Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh) ra công văn số 415-2020/FVH-MKT về việc “khẩn cấp đính chính thông tin liên quan đến bài báo “Bệnh viện FV phát hiện một người nước ngoài dương tính với Covid-19”, …
Bệnh viện FV cho biết, bệnh nhân đã đến khám tại một phòng khám ở quận 2 nhưng do phòng khám không đủ điều kiện xét nghiệm Covid-19 nên phòng khám đã lấy mẫu và chuyển mẫu sang Bệnh viện FV (đơn vị được Bộ Y tế cấp phép xét nghiệm Covid-19) để làm xét nghiệm vào sáng ngày 30/6.
Đến 18h cùng ngày (30/6), sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính nhẹ, Bệnh viện FV đã trả kết quả cho phòng khám gửi mẫu, đồng thời thông tin cho HCDC và Sở Y tế TP.
“Các biện pháp phòng bệnh cũng được Sở Y tế triển khai ngay lập tức, mẫu bệnh phẩm cũng đã được chuyển ngay tới Phòng xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới để kiểm tra chéo theo đúng quy trình của Bộ Y tế. Như vậy, Bệnh viện FV hoàn toàn không trực tiếp tiếp nhận bệnh nhân này mà chỉ tiếp nhận mẫu xét nghiệm…”, văn bản FV nêu rõ.
Vậy, quy trình lấy mẫu và nhận mẫu xét nghiệm Covid-19 của Bệnh viện FV có đúng theo quy định của Bộ Y tế hay không?
Vu cong nhan Indonesia nghi nhiem Covid-19: Benh vien FV nhan mau xet nghiem sai quy trinh?-Hinh-2
 Phòng khám ở quận 2 là cơ sở không được Bộ Y tế cấp phép xét nghiệm Covid-19.
Chiều ngày 3/7, trao đổi với PV qua đường dây Hotline (0869577133; 02839234629), hai nhân viên của HCDC thống nhất cho biết, hiện nay không cho phép xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu.
“Giả sử nếu đi Ý, thì phải đến Lãnh sự quán của Ý tại Việt Nam để xin làm hồ sơ. Sau đó, Lãnh sự quán sẽ có công văn đến Sở Ngoại vụ. Tiếp tục, Sở Ngoại vụ làm công văn chuyển lên Sở Y tế. Cuối cùng, Sở Y tế làm công văn gửi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Từ đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật gọi người có yêu cầu lên để hướng dẫn làm xét nghiệm Covid-19. Ở TP Hồ Chí Minh, để được đi nước ngoài, tất cả phải làm đúng quy trình như vậy”, nhân viên HCDC nhấn mạnh.
PV đặt câu hỏi: Nếu đến phòng khám tư lấy mẫu, sau đó gửi mẫu đến bệnh viện được cấp phép xét nghiệm Covid-19 để làm xét nghiệm có được hay không?
Thì nhân viên của HCDC trả lời, không được, không thể lấy mẫu qua bất cứ phòng khám tư nào, người yêu cầu được làm xét nghiệm Covid-19 phải đến trực tiếp bệnh viện để lấy mẫu xét nghiệm.
Vậy, phòng khám ở phường Thảo Điền (quận 2) là nơi không được Bộ Y tế cấp phép xét nghiệm Covid-19, vậy đơn vị nào đã hướng dẫn công nhân người Indonesia đến phòng khám này làm xét nghiệm? Việc này Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Dương có nắm được hay không?
Chưa kể, khi có người đến yêu cầu xét nghiệm, tại sao phòng khám không báo cáo lên HCDC mà lại tự ý lấy mẫu rồi gửi cho Bệnh viện FV? Quy trình này có được phép?
Bệnh viện FV nhận mẫu do phòng khám gửi đến, rồi tiến hành xét nghiệm Covid-19 trên mẫu này có phải là đang làm sai quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế?
Chưa kể, sau khi có kết quả dương tính nhẹ với Covid-19, Bệnh viện FV đã trả kết quả cho phòng khám gửi mẫu, đồng thời thông tin cho HCDC và Sở Y tế TP.
Trả kết quả cho phòng khám có xuất phát từ việc FV thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của phòng khám? Với xét nghiệm này FV có thu phí hay không?
Tại sao Bệnh viện FV không báo HCDC và Sở Y tế TP ngay khi vừa nhận mẫu để xin chỉ đạo (vì mẫu được nhận từ đơn vị không có chức năng), mà phải đợi đến khi có kết quả “dương tính nhẹ” rồi mới báo cáo HCDC và Sở Y tế TP?...
Công văn 1811/CV-BCĐ quy định nội dung gì?
Vu cong nhan Indonesia nghi nhiem Covid-19: Benh vien FV nhan mau xet nghiem sai quy trinh?-Hinh-3
Công văn số 1811/CV-BCĐ mà Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 gửi đến Bộ Ngoại giao và UBND các tỉnh, TP. 
Như đã thông tin ở trên, công nhân người Indonesia đến phòng khám ở phường Thảo Điền (quận 2) là để xét nghiệm SARS-CoV-2 nhằm hoàn tất thủ tục xác nhận không nhiễm Covid-19 để về nước.
Theo tìm hiểu của PV, để hỗ trợ người nước ngoài tại Việt Nam được về nước trong thời điểm Việt Nam và thế giới đang “căng mình” phòng chống dịch Covid-19. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã sớm có công văn với những quy định rõ ràng.
Cụ thể, ngày 1/4/2020, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 ra văn bản số 1811/CV-BCĐ gửi đến Bộ Ngoại giao và UBND các tỉnh, TP.
Theo đó, công văn nêu rõ, để tạo điều kiện cho người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam và người Việt Nam có yêu cầu cấp Giấy xác nhận không dương tính với Covid-19 nhằm mục đích xuất cảnh, Ban chỉ đạo Quốc gia đề nghị Bộ Ngoại giao và UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, đối với người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và người Việt Nam cần xuất cảnh vì lý do đặc biệt và có yêu cầu được cấp Giấy xác nhận không dương tính với Covid-19 thì phải có đề nghị chính thức của cơ quan đại diện ngoại giao của nước đến hoặc của tổ chức Liên Hiệp quốc tại Việt Nam hoặc tại nước đến.
Thứ hai, đề nghị cấp Giấy xác nhận của cơ quan ngoại giao, tổ chức Liên Hiệp quốc cho các đối tượng nêu trên phải gửi đến Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, TP để được xem xét, hướng dẫn thực hiện xét nghiệm.
Thứ ba, các cơ sở xét nghiệm thực hiện xét nghiệm và cấp Giấy xác nhận không dương tính với vi rút SARS-CoV-2 cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu, nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì lập tức thực hiện các biện pháp giám sát, cách ly, báo cáo theo quy định. Trong giai đoạn hiện nay không thực hiện thu phí đối với hoạt động này.
Vu cong nhan Indonesia nghi nhiem Covid-19: Benh vien FV nhan mau xet nghiem sai quy trinh?-Hinh-4
Bệnh viện FV tại địa chỉ số 6 Nguyễn Lương Bằng (Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh) từng dính nhiều lùm xùm vì xét nghiệm Covid-19 thu phí. 
Để làm rõ nội dung thứ ba liên quan đến vấn đề xét nghiệm Covid-19 trong Công văn 1811/CV-BCĐ, PV đã liên lạc vào số đường dây nóng (19003228) của Bộ Y tế.
Nhân viên của Bộ Y tế cho biết, hiện tại các cơ sở y tế tại Việt Nam không được xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, với các trường hợp người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, hoặc người Việt Nam cần xuất cảnh vì lý do đặc biệt, và có yêu cầu cần được cấp giấy xác nhận không dương tính Covid-19 thì phải có đề nghị chính thức từ cơ quan ngoại giao của nước đến gửi đến Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, TP để được hướng dẫn và xem xét thực hiện.
“Khi đã có đủ các giấy tờ nói trên, người muốn xét nghiệm Covid-19 sẽ đem toàn bộ hồ sơ đến Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, TP, để được xem xét và hướng dẫn thực hiện”, nhân viện của Bộ Y tế nói.
Đến đây, cần phải làm rõ, công nhân Indonesia đến phòng khám quận 2 làm xét nghiệm là tự giác hay có sự hướng dẫn? Nếu có hướng dẫn thì đơn vị nào hướng dẫn?
Dựa vào cơ sở nào để phòng khám lấy mẫu rồi gửi cho Bệnh viện FV xét nghiệm Covid-19, dựa vào cơ sở nào mà Bệnh viện FV nhận mẫu của phòng khám và làm xét nghiệm?
Bệnh viện FV nhận mẫu và thực hiện xét nghiệm theo "chỉ đạo" của phòng khám quận 2, mà không phải là chỉ đạo từ HCDC?
Chính những bất cập ngay từ đầu, cùng với kết quả “dương tính nhẹ” đã kéo theo nhiều huệ luỵ đáng tiếc. Cụ thể, 145 người đã phải cách lý, lấy mẫu xét nghiệm, dư luận TP và cả nước hoang mang, lo sợ khi có thông tin công nhân Indonesia nhiễm Covid-19.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vụ việc lần này, tránh những trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra!
Riêng Bệnh viện FV, như Tieudung.vn đã thông tin trước đó, cơ sở này là một trong 6 đơn vị có chức năng thực hiện xét nghiệm chẩn đoán Covid-19, và là bệnh viện ngoài công lập đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện và công bố kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, ngay sau khi được Bộ Y tế cấp phép, FV đã tư vấn nhận khách xét nghiệm Covid-19 dịch vụ có thu phí 3 triệu đồng/người, bất chấp điều nay đi ngược lại với chỉ đạo không xét nghiệm Covid-19 đại trà mà Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 luôn quán triệt.
Liên quan đến những bất cập nói trên tại Bệnh viện FV, ngày 16/4, trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP - Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Thanh tra Sở Y tế đã đến thanh tra, kiểm tra tại FV. Đồng thời, đã có công văn báo cáo ngay cho Thanh tra Bộ Y tế, và đang đợi ý kiến chỉ đạo từ phía Bộ Y tế để xử lý vụ việc. Tuy nhiên, kết quả xử lý như thế nào, đến nay vẫn chưa thấy Sở Y tế thông tin.
Theo Tiểu Thuý/Tiêu Dùng

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN