Thiếu nữ 17 tuổi chết thảm vì tự ý dùng thuốc trị nghẹt mũi

Tiểu Giang (ở Trung Quốc) là học sinh cấp 3. Mắc bệnh tim bẩm sinh song nữ sinh luôn nỗ lực đạt thành tích học tập cao, được thầy cô và bạn bè yêu quý.
 
Dạo gần đây, nhiệt độ giảm sâu khiến Tiểu Giang thường bị nghẹt mũi, đau đầu, được chẩn đoán viêm xoang. Qua tìm hiểu, nữ sinh biết thuốc kháng sinh roxithromycin có khả năng điều trị viêm xoang hiệu quả nên tự ý dùng thuốc trị nghẹt mũi tại nhà.
Ngày đầu dùng thuốc, Tiểu Giang thấy các triệu chứng được cải thiện rõ rệt. Vậy nhưng đến ngày thứ hai, Tiểu Giang thấy buồn nôn, nôn mửa, tim đập mạnh, khó chịu. Thấy con khác lạ, gia đình nhanh chóng đưa bệnh nhân đến viện cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân được tiến hành đo điện tâm đồ, kết quả cho thấy có dấu hiệu rối loạn nhịp tim kéo dài khoảng QT.
Thieu nu 17 tuoi chet tham vi tu y dung thuoc tri nghet mui
 Tự ý dùng thuốc kháng sinh, nữ sinh ra đi trong đau đớn. Ảnh minh họa.
Được biết, roxithromycin là kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm Macrolide, có phổ tác dụng rộng với các vi khuẩn Gram dương và một vài vi khuẩn Gram âm.
Kháng sinh này có một phản ứng phụ đáng lưu ý là gây kéo dài khoảng QT. Ở đó, kéo dài khoảng QT là một dạng rối loạn nhịp tim. Ở mức độ nhẹ, kéo dài khoảng QT ít ảnh hưởng đến cơ thể. Tỷ lệ phản ứng phụ này của roxithromycin không cao ở người khỏe mạnh. Ngược lại ở người bệnh tim, nó có khả năng gây ra phản ứng bất lợi là kéo dài khoảng QT, gây ngừng tim dẫn đến tử vong và Tiểu Giang thuộc trường hợp này.
Thông qua trường hợp bệnh của Tiểu Giang, bác sĩ cho biết mặc dù roxithromycin tương đối an toàn với hầu hết các đối tượng song cần thận trọng khi sử dụng, tránh lạm dụng.
Roxithromycin thích hợp về mặt lâm sàng để điều trị viêm họng, viêm amidan do Streptococcus pyogenes, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản cấp, viêm phổi do vi khuẩn, Mycoplasma pneumoniae hoặc Chlamydia pneumoniae gây nên. Thuốc dùng cho người viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung do Chlamydia trachomatis; các bệnh nhiễm trùng da và mô mềm.
Lưu ý, thức ăn có ảnh hưởng đến sự hấp thu của roxithromycin. Nên uống thuốc với nước 1 giờ trước hoặc 3-4 giờ sau bữa ăn nhằm cải thiện tỷ lệ hấp thu.
Sử dụng roxithromycin, cần nhận thức được tương tác của nó với các loại thuốc khác. Cụ thể, sử dụng đồng thời roxithromycin với theophylin và statin sẽ làm tăng nồng độ theophylin, statin trong máu, có thể gây ra các phản ứng có hại là ngộ độc theophylin, tiêu cơ vân statin. Vì vậy, nên tránh sử dụng kết hợp cùng lúc.
Roxithromycin thực sự là một loại kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng song cũng là con dao hai lưỡi nếu không biết dùng đúng cách. Mong rằng thảm kịch của Tiểu Giang sẽ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mọi người về tác hại tự ý sử dụng thuốc kháng sinh.
Tốt nhất, nên sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia có kinh nghiệm. Khi mua thuốc, cần liệt kê đầy đủ tiền sử các loại bệnh để được tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả.

Mời độc giả xem thêm video: Bê bối thuốc giảm cân tại Pháp (Nguồn video: THĐT)

Định Tâm (Theo SH)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN