Sự thật về thực phẩm chức năng của Navita điều trị bệnh ung thư

Thực phẩm chức năng của công ty Navita được đưa ra thị trường với lời quảng cáo chứa các hợp chất flavonoid, sử dụng trong điều trị ung thư.
Hiện nay, rất nhiều sản phẩm được quảng cáo với những công dụng thần kỳ trong phòng ngừa, hỗ trợ và điều trị ung thư. Thậm chí, theo lời quảng cáo, sản phẩm phù hợp với bệnh nhân giai đoạn cuối và giúp hỗ trợ điều trị rất nhiều loại ung thư như phổi, gan, vú, đại tràng, dạ dày, tuyến tuyền liệt, thận, máu, vòm họng, tuyến giáp, tuyến tụy, xương, cổ tử cung.
Trong đó, tiêu biểu là thực phẩm chức năng (TPCN) - Dietary Supplement - của công ty Navita, đưa ra thị trường với lời quảng cáo chứa các hợp chất flavonoid, sử dụng trong điều trị, hỗ trợ ung thư.
Zing.vn xin đăng tải bài viết của thạc sĩ Trịnh Vạn Ngữ, Viện Khoa học Y sinh Soon Chun Hyang (SoonChunHyang Institute of Medi-Bio Science), Đại học Soon Chun Hyang, Hàn Quốc, thành viên Ban Khoa học Ruy Băng Tím, về tác dụng thực sự của loại TPCN này cũng như chất flavonoid trong điều trị ung thư.
Thực phẩm chức năng chứa flavonoid chữa ung thư?
Sản phẩm từ công ty Navita được quảng cáo với nội dung: “Hỗ trợ điều trị ung thư, kể cả giai đoạn cuối. Ức chế tế bào ung thư theo 3 cách: ức chế nhân bào, ức chế hình thành mạch máu và kích hoạt cơ chế tự sát của tế bào ung thư. Tốt cho ung thư phổi, gan, vú, đại tràng, dạ dày, tuyến tuyền liệt, thận, máu, vòm họng, tuyến giáp, tuyến tụy, xương, cổ tử cung. Ngoài ra, chúng giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị như sụt cân, nôn mửa, rụng tóc…”.
Tiêu biểu, sản phẩm Flavita Lifemax của của công ty Navita có giá lên tới 20 triệu đồng, chứa flavonoids từ 200 loại hoa, quả, hạt, thảo dược, cây gia vị. Một loại TPCN khác là Flavita 88 Cyto, có tác dụng phòng chống ung thư, chứa flavonoids của 88 loại trái cây, hoa, hạt, thảo mộc, gia vị, giá 2,5 triệu đồng.
Su that ve thuc pham chuc nang cua Navita dieu tri benh ung thu
Một số sản phẩm của công ty Navita đưa ra thị trường được giới thiệu có chứa các hợp chất flavonoid sử dụng trong điều trị, hỗ trợ ung thư. Ảnh: Navita.life. 
Theo quy định của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), các loại thành phần bổ sung được xếp vào thực phẩm và TPCN chỉ có thể giới thiệu tốt cho sức khỏe hay giảm nguy cơ bệnh nào đó khi sử dụng.
Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo không nên mua TPCN quảng cáo có thể chữa bất kỳ bệnh nào, hiệu quả như "thần dược" và không có tác dụng phụ. Nếu sản phẩm tuyên bố chữa được bệnh hay khỏi ung thư, ngăn ngừa tế bào ác tính phát triển, có nghĩa chúng đang được bán bất hợp pháp dưới dạng thuốc.
Việc dán nhãn TPCN để "lách luật", tránh sự phê chuẩn của các đơn vị quản lý thuốc như FDA. Khi muốn sử dụng bất kỳ sản phẩm TPCN nào trong quá trình điều trị ung thư, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ có chuyên môn.
Theo Thông tư Quy định về quản lý thực phẩm chức năng của Bộ Y tế - 43/2014/TT-BYT ban hành năm 2014, Dietary Supplement thuộc nhóm “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”. Điều 4 trong thông tư này nêu rõ: "TPCN nếu công bố công dụng đối với sức khỏe con người cần phải có báo cáo thử nghiệm hiệu quả công dụng, có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh. Sản phẩm phải thử nghiệm hiệu quả về công dụng đối với sức khỏe con người".
Đối với hai sản phẩm được quảng cáo là có khả năng ức chế tế bào ung thư kể trên, bằng chứng khoa học được nhà sản xuất đưa ra qua bài báo khoa học: “Synthesis and SAR Study of Anticancer Protoflavone Derivatives: Investigation of Cytotoxicity and Interaction with ABCB1 and ABCG2 Multidrug Efflux Transporters, Dankó B, et al. ChemMedChem. 2017”. Trong nghiên cứu này, một số hợp chất flavone “tinh khiết” được tổng hợp và thử nghiệm trên dòng tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm (in vitro).
Bên cạnh đó, các sản phẩm này sử dụng theo đường uống, quá trình hấp thụ như thế nào và có đến được tế bào ung thư trong cơ thể hay không còn chưa được chứng minh. Trong nghiên cứu, chúng hoàn toàn chưa thử nghiệm trên mô hình động vật và có thử nghiệm lâm sàng.
Hơn nữa, công trình nghiên cứu này hoàn toàn độc lập và không liên quan đến sản phẩm được đưa ra.
Do đó, dựa trên kết quả nghiên cứu này để khẳng định sản phẩm có khả năng chữa hoặc hỗ trợ điều trị ung thư hoàn toàn vô căn cứ.
Bên cạnh các sản phẩm chứa flavonoid có khả năng chữa ung thư, công ty này còn có một sản phẩm chữa ung thư khác là Navita Arfemax - hỗ trợ điều trị và phòng chống ung thư.
Theo thông tin công ty đưa ra, Navita Arfemax có chứa artemisinin. Vậy artemisinin là gì và đã được sử dụng để chữa ung thư hay chưa? Artemisinin là loại hợp chất có nguồn gốc từ cây artemisia annua (Thanh hao hoa vàng) châu Á.
Hiện tại, artemisinin cho thấy có hiệu quả ức chế một số dòng tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm. Một số nghiên cứu lâm sàng sử dụng artesunate, là hợp chất bán tổng hợp từ artemisinin. Nghiên cứu lâm sàng pha I trên đối tượng ung thư vú di căn (NCT00764036) và pha II trên đối tượng ung thư đại trực tràng (NCT03093129, NCT02633098).
Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa có kết quả xác định. Ngoài ra, chưa có thuốc hay hợp chất nào có nguồn gốc artemisinin dùng để chữa ung thư. Hiện tại, thuốc Coartem là liệu pháp kết hợp artemether-lumefantrine dựa trên artemisinin và IV artesunate có nguồn gốc từ artemisinin chỉ sử dụng trong chữa bệnh sốt rét.
Do đó, việc sử dụng các sản phẩm TPCN như thuốc chống ung thư là hoàn toàn không có cơ sở.
Vì vậy, người tiêu dùng, đặc biệt những bệnh nhân ung thư, nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn về việc sử dụng TPCN nào trong và sau quá trình điều trị để tránh tiền mất tật mang và hậu quả đáng tiếc.
Flavonoid là gì?
Flavonoid là nhóm các hợp chất thứ cấp từ thực vật có trong nhiều loại trái cây, rau và một số loại hạt. Hiện nay, hơn 6.000 hợp chất flavonoid đã được xác định. Đây là những hợp chất chống oxy hóa tiềm năng nên flavonoid được chú ý nhiều trong nghiên cứu nhằm ứng dụng trong phòng ngừa bệnh tật.
Dựa vào cấu trúc hóa học, flavonoid được phân loại thành 6 nhóm: flavones, isoflavones, flavonol, flavanones, anthocyanidins và flavan-3-ols.
Su that ve thuc pham chuc nang cua Navita dieu tri benh ung thu-Hinh-2
Flavonoid là nhóm các hợp chất thứ cấp từ thực vật có trong nhiều loại trái cây, rau và một số loại hạt. Ảnh: Iccusaonline. 
Các hoạt tính sinh học của flavonoid
Chống oxy hóa: Đây là một hoạt tính chính của đa số flavonoid. Khả năng chống oxy hóa tùy thuộc vào sự sắp xếp các nhóm chức trong công thức cấu tạo nên các flavonoid.
Cơ chế hoạt động chống oxy hóa có thể bao gồm: Ức chế sự hình thành các chất chứa oxy hoạt động (Reactive Oxygen Species- ROS) hoặc kích hoạt các enzyme chống oxy hóa hay giảm stress oxy hóa trên tế bào gây ra bởi nitric oxit hay giảm các gốc α-tocopheryl, ức chế các oxydase và tăng đặc tính chống oxy hóa của các chất chống oxy hóa phân tử thấp.
Kháng khuẩn: Các nghiên cứu khác nhau cho thấy chất chiết xuất từ thực vật giàu flavonoid có hoạt tính kháng khuẩn. Apigenin, galangin, flavone và flavonol glycoside, isoflavone, flavanones và chalcones đã được chứng minh là có hoạt tính kháng khuẩn mạnh mẽ.
Kháng viêm: Viêm là một phản ứng sinh học phức tạp của cơ thể đối với các kích thích có hại như nhiễm mầm bệnh, tế bào bị hư hỏng, tổn thương mô và kích ứng hóa học. Nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy flavonoid có khả năng kháng viêm.
Quá trình này được thực hiện bằng cách thu hút các tế bào đáp ứng viêm, giải phóng ROS, RNS (Reactive Nitrogen Species - hợp chất mang nitơ hoạt động) và các cytokine tiền viêm để loại bỏ mầm bệnh ngoại lai, sửa chữa các mô bị thương.
Flavonoid trong phòng ngừa và điều trị ung thư
Nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy các loại flavonoid có khả năng ức chế một số loại tế bào ung thư như vú, phổi, tuyến tiền liệt, đại trực tràng, máu. Một số nghiên cứu trên chuột cũng cho thấy một vài hợp chất flavonoid có thể ức chế khối u. Tuy nhiên, đây là những kết quả trong nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, các tế bào được nuôi cấy, và mô hình chuột, không phải trên cơ thể người.
Hiện tại, nghiên cứu lâm sàng ung thư về các flavonoid và các phân lớp của nó cho việc điều trị căn bệnh này còn rất hạn chế. Nhiều nghiên cứu chưa có kết quả chính thức:
- Nghiên cứu lâm sàng pha II sử dụng flavone acetic acid không có hiệu quả trên các bệnh nhân ung thư đại trực tràng, vú, da, đầu và cổ.
Su that ve thuc pham chuc nang cua Navita dieu tri benh ung thu-Hinh-3
Nghiên cứu lâm sàng ung thư về các flavonoid và phân lớp cho việc điều trị căn bệnh này còn rất hạn chế. Ảnh: Backstage. 
Flavopiridol (còn gọi alvocidib) là flavonoid tổng hợp thuộc phân lớp flavone, chất ức chế CDK, đang được thử nghiệm lâm sàng pha I, II. Chúng được sử dụng đơn lẻ hay kết hợp với thuốc hóa trị như paclitaxel, docetaxel cho một số loại ung thư như bạch cầu cấp tính, da melanoma, tuyến tiền liệt, thận... và vẫn chưa có kết quả chính thức.
- Nghiên cứu lâm sàng pha I, II sử dụng genistein đang được tiến hành giai đoạn đầu để chữa ung thư đại trực tràng, tụy, bàng quang. Trong các nghiên cứu này, genistein có thể sử dụng đơn lẻ hay kết hợp với các thuốc khác như gemcitabine, erlotinib, FOLFOX hay FOLFOX-Avastin. Một số nghiên cứu lâm sàng pha I và II sử dụng genistein đã hoàn thành nhưng không có hiệu quả rõ rệt và không tiếp tục thực hiện hay chưa có công bố kết quả chính thức, một số được đưa ra nhưng bị thu hồi.
Quercetin đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng bước đầu trên đối tượng ung thư đại trực tràng và tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, kết quả chưa được công bố. Quercetin được sử dụng một cách an toàn với số lượng 500 mg, 2 lần/ngày trong 12 tuần. Nếu sử dụng lâu dài hoặc liều cao hơn, độ an toàn chưa được xác định. Khi uống, quercetin có thể gây đau đầu và ngứa ở tay, chân. Liều cao có thể gây tổn thương thận.
Bên cạnh đó, trên cơ sở dữ liệu thuốc Drugbank chưa có hợp chất flavonoid nào được sử dụng làm thuốc chữa ung thư được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.
Kết quả nghiên cứu dịch tễ trên số lượng lớn cho thấy hiệu quả ngăn ngừa ung thư của flavonoid tổng hay những phân lớp flavonoid chưa thực sự rõ ràng. Tuy chúng có những kết quả cho thấy có khả năng giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, nhiều nghiên cứu lại thấy việc tiêu thụ các flavonoid không có tác dụng. Các nhà nghiên cứu chỉ ra hiệu quả của các flavonoid khá khác biệt và biến động tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như loại flavonoid tiêu thụ, nguồn gốc thu nhận, vị trí địa lý và chế độ ăn uống.
Flavonoid chứa nhiều hợp chất tiềm năng có tác dụng lên tế bào ung thư nhưng đa số được chứng minh trong phòng thí nghiệm. Từ đó, ta có thể khẳng định tác dụng của các flavonoid trong ngăn ngừa và điều trị ung thư trên người vẫn cần quá trình nghiên cứu và xác định rõ ràng hơn. Đặc biệt, hiện tại chưa có sự cho phép sử dụng các chất flavonoid cho điều trị căn bệnh quái ác này.
Tuy nhiên, các loại rau củ quả chứa nhiều flavonoid là các chất chống oxy hóa, bạn nên sử dụng chúng trong bữa ăn, nhằm đảm bảo việc cung cấp các vitamin và chất xơ cho cơ thể.
Theo Thạc sĩ Trịnh Vạn Ngữ/Zing

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN