Sàn thương mại điện tử “dắt mũi" người tiêu dùng để thu lợi khủng thế nào?

Với sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Tiki... người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận những mặt hàng mình cần, tuy nhiên, cùng với nó là không ít những rủi ro dành cho "thượng đế".
Giảm giá 80% vẫn thu lời
Một điều dễ nhận thấy, là hiện nay các sàn thương mại điện tử lớn đều có phần “dễ dãi” trong việc cho cá nhân mở shop online bán hàng, cũng như trong khâu kiểm soát. Dạo qua các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, Tiki,... thì người tiêu dùng có thể hoa mắt, chóng mặt với hàng trăm ngàn loại sản phẩm với vô vàn kiểu dáng, màu sắc và giá cả khác nhau.
Có thể khẳng định rằng, giống như một phiên chợ, trên các sàn này có cả hàng tốt, lại có hàng chất lượng bình dân hoặc hàng chất lượng kém với giá vô cùng phong phú.
San thuong mai dien tu “dat mui
Ai cũng có thể bán hàng online cực kỳ đơn giản với vài bước đăng ký 
Điểm đặc biệt của các sàn thương mại điện tử hiện nay thường chia làm 2 thị phần. Một thị phần dành cho hàng chính hãng, hàng “xịn” 100% với sự kiểm duyệt khắt khe về chất lượng sản phẩm, giấy tờ đăng ký mua bán sản phẩm hay xác minh nguồn gốc xuất xứ.
Thị phần còn lại lại là một câu chuyện khác, nơi mà hầu như ai cũng có thể trở thành một tiểu thương chỉ với các bước đăng ký rất đơn giản, dễ dàng. Quá trình kiểm duyệt, xác minh nguồn hàng đối với thị phần này đa phần không được chú trọng, mức giá và chất lượng đều do “tiểu thương” quy định.
Chính vì lẽ đó, mà không ít các sàn thương mại điện tử xuất hiện các “deal ảo” do tiểu thương đưa ra, chẳng hề tuân theo quy định nào của các sàn hay thậm chí được các sàn “tiếp tay” thông qua việc chạy quảng cáo trên các ứng dụng điện thoại hay mạng xã hội.
Gọi là “deal ảo” vì những sản phẩm này được tiểu thương hét giá tận mây xanh xong lại ghi giảm đến 80% 90% làm cho người mua có cảm giác mua được món hời, nhưng sự thật thì họ đang mua sản phẩm đúng giá hoặc chênh lệch giá không cao.
Nguyên nhân cho việc xuất hiện những “deal ảo” này là do các tiểu thương cố tình đánh tráo 2 khái niệm "giá thị trường" và "giá niêm yết" với nhau, cùng với đó là sự quản lý lỏng lẻo của chính các sàn thương mại điện tử.
Một tiểu thương (giấu tên) của Shopee cho biết, giá thị trường dùng để chỉ phân khúc giá chung cho một loạt sản phẩm (ví dụ điện thoại di động) có cấu hình và hiệu năng tương đương nhau. Tuy nhiên, giá hãng M đưa ra là 5 triệu đồng, hãng D là 7 triệu, còn hãng A là 6 triệu. Như vậy, giá thị trường có biên độ dao động trong khoảng 5 - 7 triệu đồng.
Nhưng các sàn thương mại điện tử thường ghi mức giá 7 triệu vào khung giá chuẩn của mình, kế đến họ sẽ ghi mức khuyến mãi từ 30 - 50% nhưng thực chất sản phẩm đó có mức giá thấp hơn rất nhiều. Cách này chủ yếu là để tạo ra mức giảm giá cực lớn, gây tò mò và kích thích đối với những người mua hàng không có thời gian tìm hiểu sản phẩm tường tận.
Ví dụ, một chiếc smartphone Samsung Galaxy Note 9 trên Shopee ghi giá (giá thị trường) 28.490.000 đồng, “sale off” 24% còn 21.690.000 đồng. Tuy nhiên, giá niêm yết của sản phẩm này tại trang chủ của Samsung vào ngày 13/4/2019 là 22.990.000 đồng. Sự chênh lệch giá có thể đến từ cắt giảm chi phí trong vận chuyển, cất giữ, bảo hành... thế nhưng, điều đó vẫn khẳng định được rằng mức giảm 24% của Shopee thực chất chỉ là "deal ảo" đánh lừa người tiêu dùng.
Mua hàng phải tỉnh táo
Chiêu đẩy giá lên cao quá giá thực tế rồi ghi mức giảm giá rất hấp dẫn là chuyện rất phổ biến trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, người mua hàng vẫn thường xuyên "dính bẫy".
Thậm chí, nhiều sản phẩm khuyến mãi rồi giá vẫn còn cao hơn giá thị trường. Thêm vào đó, các chương trình giảm giá cực lớn chủ yếu để các nhà kinh doanh xả hàng tồn kho, hàng trái mùa, lỗi mốt... lại thường giảm giá quanh năm, tạo thành một ma trận bủa vây lấy người tiêu dùng.
Mặc dù việc niêm yết giá và đưa ra hình thức khuyến mãi như thế nào là quyết định của tiểu thương, thế nhưng những sàn thương mại điện tử không thể chối bỏ trách nhiệm khi chính họ là người chấp nhận để những thông tin này xuất hiện, không có sự kiểm tra, giám sát.
Bà M.C (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Bản thân tôi, một người nghiệm mua sắm cũng từng là nạn nhân của chiêu trò giảm giá trên những trang như Shopee, Lazada với Sendo. Những tưởng chiếc áo mình đang mặc đã được giảm giá đến phân nửa là mình hời, nhưng đến khi thấy cái áo đó tại một shop bên đường với giá còn rẻ hơn nữa thì mới biết là mình bị lừa!”.
Người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng và có lựa chọn thông minh để mua được hàng giá rẻ mà sử dụng phù hợp. Trong trường hợp không am hiểu về các sản phẩm khuyến mãi thì nên nhờ bạn bè hoặc những người hiểu biết về sản phẩm, không nên nóng vội khi thấy giảm giá có thời hạn là đặt hàng ngay vì hám lợi trước mắt.
Theo Minh Đỗ/Đô Thị Mới

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN