Sản phẩm Tận Tâm An tiếp tục bị cảnh báo vi phạm về quảng cáo

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, vừa ra thông báo về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tận Tâm An đang được quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. 
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian vừa qua, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, cơ quan này phát hiện trên các website/facebook: https://www.giamcantantaman24h.xyz, https://www.thuocxanh.vn, https://www.thanhxuanphunu.com, https://www.tantamanchinhhang.store, https://www.songkhoe247.asia, www.facebook.com/giamcangiambeotantaman đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tận Tâm An vi phạm: gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
San pham Tan Tam An tiep tuc bi canh bao vi pham ve quang cao
Hình ảnh quảng cáo sản phẩm Tận Tâm An 
Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty TNHH SM Solution Việt Nam, địa chỉ: Phòng 802, Tầng 8, tòa nhà VIC BUILDING, số 18 Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Quá trình hậu kiểm, Công ty TNHH SM Solution Việt Nam không thừa nhận các website nêu trên của Công ty TNHH SM Solution Việt Nam, Công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tận Tân An trên các website nêu trên.
Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong thời gian Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tận Tâm An quảng cáo vi phạm trên website/kênh nêu trên.
Theo tìm hiểu của Kiến Thức, đây không phải lần đầu tiên nhãn hàng này bị cảnh báo vi phạm. Mới đây, hồi cuối tháng 9/2020, Cục An toàn thực phẩm cũng ra cảnh báo về thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tận Tâm An trên một số website có nội dung quảng cáo như thuốc chữa bệnh, sử dụng hình ảnh bác sỹ, lừa dối người tiêu dùng. Các website bị cảnh báo gồm: tantamanchinhhang.store/boytekhuyendung, thanhxuanphunu.com/tan-tam-huyen, thuocxanh.vn/thuoc-giam-can-tan-tam-an-gia-bao-nhieu-tien-n393.html, giamcantantaman24h.xyz/giam-can-tan-tam-an, songkhoe247.asia.
Trước thực trạng sai phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết không ít trường hợp khi cơ quan quản lý Nhà nước thanh, kiểm tra phát hiện doanh nghiệp vi phạm quảng cáo trên website, mặc dù cơ quan chức năng có bằng chứng, nhưng doanh nghiệp chỉ nhận sản phẩm là của mình nhưng website thì không phải, nên doanh nghiệp không chịu trách nhiệm. Với những trường hợp này, Cục An toàn thực phẩm buộc phải chuyển sang Bộ Thông tin và Truyền thông (đơn vị cấp giấy phép thành lập trang website) để xử lý theo quy định.
Để “dẹp loạn” quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xử phạt với khung cao nhất, thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm; thanh, kiểm tra với tần suất lớn nhằm phát hiện sai phạm (nếu có) để ngăn chặn nguy cơ sản phẩm kém chất lượng tới tay người tiêu dùng. “Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát việc quảng cáo thực phẩm chức năng nhằm đưa ra các cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Và trong khi thị trường thực phẩm chức năng vẫn “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng cần sáng suốt khi lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để bảo vệ chính mình”, ông Phong nói.

Mời quý độc giả theo dõi video: Xử lý nghiêm quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm quy định pháp luật

Tra cứu các văn bản pháp luật, có thể thấy các nhãn hàng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quảng cáo đều có thể căn cứ theo qui định pháp luật để xử lý. Cụ thể, theo Khoản 3, Điều 3 của Thông tư 08/2013/TT – BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Thông tư này quy định rõ các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm đó là “Quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh”. Theo Khoản 4, Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quảng cáo cũng nêu rõ: Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Điểm d Khoản 2 Điều 7 Thông tư 09/2015/TT-BYT ngày 25 tháng 05 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế quy định: Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm. Đối với hành vi Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng theo quy định Khoản 4, Điều 70 Nghị định 158/2013, được sửa đổi tại Nghị định 28/2017.
An Lê

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN