Quá trình chạy đua sản xuất vắc xin COVID-19 của Việt Nam

Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị, "chạy đua với thời gian" trong nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc xin COVID-19. Sáng nay (17/12), Học viện Quân y đã tiêm thử nghiệm mũi vắc xin Nano Covax đầu tiên cho 3 người tình nguyện.
Trong thời gian qua ngành y tế Việt Nam đã khởi động toàn bộ hệ thống nghiên cứu để nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19, trong đó có 4 nhà sản xuất đã tham gia triển khai, với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế cũng như các nhà khoa học trong nước.
Sáng 17/12, Học viện Quân y bắt đầu tiêm thử nghiệm mũi vắc xin ngừa COVID-19 của Việt Nam với tên gọi Nano Covax trên người tình nguyện ở giai đoạn 1. Đây là giai đoạn 1 của chương trình thử nghiệm lâm sàng vắcxin Nano Covax.
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết, trong giai đoạn 1 thử nghiệm, khoảng 200 người đăng ký tiêm thử Nano Covax sau 7 ngày tuyển tình nguyện viên. Đơn vị thực hiện thử nghiệm khám để chọn khoảng 60 người ở độ tuổi 18-50 cho thử nghiệm giai đoạn một.
Giai đoạn này những người tham gia tiêm vắc xin sẽ được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm, bao gồm nhóm 1a với 20 người dùng mức liều 25 mcg sẽ được thu tuyển đầu tiên, tiếp theo là nhóm 1b gồm 20 người dùng mức liều 50 mcg và sau đó là nhóm 1c gồm 20 người dùng mức liều 75 mcg.
Tan tuong qua trinh “chay dua” san xuat vac xin COVID-19 cua Viet Nam
Người Việt Nam đầu tiên tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 sáng ngày 17/12. Ảnh: SKĐS. 
Tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vắc xin COVID-19, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày. Để đảm bảo tính an toàn cho người tham gia nghiên cứu, giai đoạn thu tuyển 60 đối tượng tham gia đánh giá an toàn theo thiết kế dò liều tăng dần.
Sáng nay, ngày 17/12, Việt Nam bắt đầu tiêm mũi đầu tiên đối với 3 người thuộc nhóm liều 25 mcg gồm 2 nam và 1 nữ. Trên cơ sở kết quả theo dõi đánh giá sau 72 giờ sau tiêm vắc xin trên 3 người đầu tiên này mới quyết định mức liều và số người tham gia tiếp theo.
Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên. Đến tháng 3/2021 sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 và tháng 8/2021 thử nghiệm giai đoạn 3 trên 3.000 - 4.000 người hoặc mở rộng đến 10.000 người.
Tan tuong qua trinh “chay dua” san xuat vac xin COVID-19 cua Viet Nam-Hinh-2
2 sản phẩm vắc xin của Nanogen gồm dạng tiêm và dạng xịt. Ảnh: SKĐS. 
Theo GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y- nơi thực hiện thử nghiệm vắc xin COVID-19, đơn vị này và Nanogen đã chuẩn bị rất kỹ cho khâu thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, sự an toàn của các tình nguyện viên sẽ là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Theo đó, Công ty Nanogen và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm đã ký hợp đồng bảo hiểm cho chương trình thử nghiệm vắc xin Nano Covax trước khi chính thức tiêm ngừa trên người tình nguyện.
Theo đại diện nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm, chương trình này có tên gọi "bảo hiểm trách nhiệm cho chiến dịch thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nanocovax", với giá trị bảo hiểm tối đa 100 triệu đồng/vụ, trong trường hợp xảy ra tai biến vắc xin và các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe người tình nguyện.

Mời độc giả theo dõi video "TP.HCM: Kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong các bệnh viện". Nguồn: THDT.

Vắc xin Nano Covax được phát triển trên công nghệ tái tổ hợp protein. Công nghệ này lấy trình tự một đoạn protein gai trên SARS-CoV-2, tích hợp nó vào một dòng tế bào động vật được nuôi cấy. Tế bào phân chia, lớn lên, sản xuất ra protein của SARS-CoV-2. Protein này sau đó được xử lý và pha chế với các tá dược khác để tạo thành vắc-xin. Trước khi thử nghiệm trên người, vắc-xin đã được thử nghiệm trên nhiều loại động vật và đều cho kết quả đáp ứng miễn dịch tốt, ít tác dụng phụ.
Hiện vắc xin ngừa COVID-19 của Việt Nam dự kiến có giá 120.000 đồng/liều; mỗi người sẽ tiêm 2 liều với tổng chi phí là 240.000 đồng.
Đây là vắc xin đầu tiên của Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Ngoài Công ty Nanogen, Việt Nam còn 3 nhà sản xuất vắc xin khác. Dự kiến, tháng 2/2021, vắc xin COVID-19 của Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và tháng 3/2021, vắc xin của Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cũng sẽ được đưa vào thử nghiệm trên người.
Thảo Nguyên

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN