Phạt nặng “ma men” tham gia giao thông: Tình hình tai nạn giảm sâu

Trong 2 tháng thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết, CSGT cả nước đã xử lý hơn 80.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt 400 tỷ đồng.

 

Phat nang “ma men” tham gia giao thong: Tinh hinh tai nan giam sau

Hình minh họa

Chỉ tính riêng 7 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ ngày 20/1 đến ngày 26/1/2023), tình hình tai nạn giao thông giảm sâu trên cả 3 tiêu chí (giảm 31,84% số vụ, 36,43% số người chết, 47,64% số người bị thương) so với 7 ngày Tết năm 2019 (là năm trước khi xảy ra dịch Covid-19).

Đặc biệt, trong 7 ngày Tết năm nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã làm việc xuyên Tết, tập trung phát hiện, xử lý 7.726 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong khi điều khiển phương tiện giao thông (tăng 598% so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022). Việc tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng CSGT trong dịp Tết năm nay được dư luận đồng tình, đánh giá rất cao. Không ít người đã trình bày nhiều lý do để xin bỏ qua nhưng tất cả đều bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc sử dụng rượu bia rồi tham gia giao thông là hết sức nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó có nhiều vụ tai nạn giao thông hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của chính người vi phạm và những người khác.

Theo luật sư Hùng, trước đây, việc sử dụng rượu bia rồi tham gia giao thông đã trở thành thói quen của nhiều người dân, việc xử lý vi phạm cũng chưa nghiêm, dẫn đến việc vi phạm diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là các dịp lễ tết, là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông hết sức thương tâm, trở thành vấn nạn nhức nhối của xã hội.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020). Theo quy định của Nghị định này, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà có nồng độ cồn đo được trong khí thở hoặc máu thì sẽ bị coi là vi phạm mà không có mức khởi điểm nhất định. Đồng thời, các hình thức và mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng đã được tăng cao đáng kể, so với mức thu nhập của người dân hiện nay thì mức xử phạt này là khá cao và có sức răn đe rất lớn. Và do đó, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã phát huy hiệu quả rất lớn, đã dần dần thay đổi nhận thức và thói quen của nhiều người dân, “đã uống rượu bia thì không lái xe” đã trở thành nét văn hóa mới, được xã hội đồng tình và ủng hộ. 

Luật sư Hùng dẫn chứng, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ định: Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (Điều 5); đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm thì mức phạt tiền là từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (Điều 6); đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (Điều 7); đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 600.000 đồng (Điều 8).

Ngoài ra người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn cao nhất đến 24 tháng.

Tuy nhiên, cứ đến các dịp lễ tết thì số lượng người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông lại có xu hướng tăng cao. Điều đó xuất phát từ yếu tố văn hóa (thói quen sử dụng rượu bia trong các dịp lễ tết, liên hoan tất niên hoặc tân niên, hội hè.v.v…), tâm lý “cả nể”, “ham vui” của nhiều người, cũng như thái độ chủ quan cho rằng lực lượng chức năng sẽ không làm việc hoặc không xử lý vi phạm vào các dịp lễ, tết.

Để hạn chế tình trạng trên thì trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 vừa qua, luật sư Hùng cho rằng, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát, xử lý xuyên tết đối với các hành vi phạm về nồng độ cồn.

"Với tinh thần chỉ đạo và sự thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không nghe điện thoại can thiệp, xin hộ” của lực lượng Cảnh sát giao thông thì số người vi phạm nồng độ cồn bị xử lý trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán đã tăng cao đột biến. Đây là những giải pháp hết sức cần thiết và cần phải tiến hành thường xuyên và liên tục, để góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, cũng như hạn chế các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân"-luật sư Hùng nói.   

Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp xử lý vi phạm, theo vị luật sư này, chúng ta cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm hình thành nhận thức và văn hóa “nói không với rượu bia khi tham gia giao thông” một cách bền vững, lâu dài trong xã hội./.

Theo Nguyễn Hiền/VOV.VN

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN