Những khuôn mặt biến dạng vì thuốc trị mụn mua trên mạng

Rất nhiều trường hợp bị biến chứng nặng khiến khuôn mặt biến dạng do sử dụng các loại thuốc trị mụn trứng cá trôi nổi được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Đa phần đều trong độ tuổi 15 – 20 tuổi.
Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam (22 tuổi) nhập viện với tình trạng nhiều mụn mủ, mụn bọc kín toàn bộ khuôn mặt và các tổn thương sẩn mụn mủ rải rác tay, thân mình sau khi bôi thuốc trị mụn mua trên mạng. Tình trạng này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn kèm theo cảm giác nóng rát, khó chịu cho bệnh nhân.
Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Thảo Nhi cho hay qua thăm khám và hỏi bệnh, bác sĩ chẩn đoán đây là một trường hợp điển hình của trứng cá do thuốc.
Phat hoang nhung khuon mat bien dang vi thuoc tri mun mua tren mang
Khuôn mặt nam thanh niên khi tìm tới bác sĩ. Ảnh: BSCC. 
Khai thác tiền sử cho thấy bệnh nhân bị trứng cá xuất hiện từ tuổi dậy thì với các tổn thương mụn viêm vùng mặt. Bệnh nhân này từng khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, được chẩn đoán trứng cá và được điều trị khỏi hoàn toàn sau đợt điều trị. Sáu tháng gần đây, tổn thương mụn xuất hiện trở lại vùng mặt. Qua lời quảng cáo trên Facebook, bệnh nhân đặt mua và sử dụng bộ sản phẩm điều trị mụn gồm thuốc nam dạng viên hoàn uống và thuốc bôi rửa không rõ nguồn gốc.
Khi sử dụng được một tháng, tổn thương trứng cá của bệnh nhân biến mất nhanh chóng. Nhưng 2 tuần sau, mụn xuất hiện trở lại ồ ạt vùng mặt, đồng thời có thêm nhiều sẩn mụn mủ vùng thân mình, cánh tay 2 bên.
Theo bác sĩ Thảo Nhi, trứng cá do thuốc là tình trạng mụn xuất hiện sau khi sử dụng thuốc bôi tại chỗ hoặc dạng uống, tiêm truyền. Người bệnh có thể có tiền sử trứng cá hoặc không trước khi sử dụng thuốc. Ngoài mặt, mụn có thể gặp ở ngực, lưng, cánh tay.
Hồi tháng 9/2018, Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cũng tiếp nhận một trường hợp nam sinh 16 tuổi ở Hải Phòng với khuôn mặt chi chít mụn.
Nguyên nhân xuất phát từ việc bệnh nhân dùng một sản phẩm kem trị mụn trứng cá được rao bán trên mạng xã hội. Theo lời kể của nam sinh này, sau 2 tuần sử dụng, mặt mụn của mình gần như không còn. Tuy nhiên, sau khi ngừng bôi kem, vùng da mặt lại xuất hiện nhiều mụn hơn. Càng tăng số lần bôi kem, số mụn lại giảm và ngược lại.
Phat hoang nhung khuon mat bien dang vi thuoc tri mun mua tren mang-Hinh-2
Nam sinh với khuôn mặt chi chít mụn sau khi bôi một loại kem mua trên mạng xã hội. Ảnh: BSCC. 
Cảm thấy có điều bất ổn, nam sinh này quyết định dừng hẳn việc bôi kem. Lúc này, vùng da mặt bắt đầu xuất hiện nhiều mụn hơn và lần này là mụn mủ, gây ngứa ngáy, khó chịu. Thấy da mặt con trai bất thường, gia đình đưa bệnh nhân tới bệnh viện chữa trị.
Theo bác sĩ, khi nhập viện, da mặt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn và chi chít mụn mủ. Bệnh nhân được chẩn đoán bị biến chứng do kem trộn có chứa corticoid, đồng thời rơi vào tình trạng nghiện corticoid bôi.
Đặc điểm của các loại kem trị mụn được quảng cáo có tác dụng chữa mụn, trắng da, trị nám, ban đầu có tác dụng nhanh. Sau 2-3 tháng, thậm chí một năm sử dụng, người bệnh bị phụ thuộc thuốc, sắc tố da biến đổi, mặt chi chít mụn.
Ngoài ra, người dùng sẽ gặp các tác dụng phụ khác như rậm lông, teo da, dãn mạch, mỏng da, rạn da... Tình trạng này cứ tái đi tái lại cho đến khi người bệnh xuất hiện các biểu hiện ngoài da như ban đỏ, phù nề và mụn mủ.
Khi đã ở tình trạng nghiện thuốc, việc điều trị sẽ phải kéo dài từ 3-12 tháng, thậm chí lâu hơn. Trong khi đó, làn da không thể phục hồi như cũ.
Hồi tháng 7 năm ngoái, cô gái Đ.T.H (20 tuổi, Hải Phòng) đến BV Da liễu Trung Ương khám đầu tháng 7, trong tình trạng bị tổn thương nghiêm trọng toàn bộ vùng mặt do bị mụn trứng cá. Trước khi bị tình trạng này, cô nổi nhiều mụn, tổn thương sẩn đỏ vùng mặt nên đã đến khám tại một phòng khám tư ở Hải Phòng. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán trứng cá, bác sỹ ở đây chỉ định cho điều trị Isotretinoin 20mg/ngày; Ofloxacin 400 mg/ngày, bôi Fucidic acid trong 10 ngày.
Phat hoang nhung khuon mat bien dang vi thuoc tri mun mua tren mang-Hinh-3
Bệnh nhân bị tổn thương đóng vảy nghiêm trọng toàn bộ hai má, trán... do bị bùng phát trứng cá. Ảnh: BS cung cấp. 
Tuy nhiên, sau 10 ngày điều trị, mụn chưa thấy hết, trên hai má, vùng trán bệnh nhân xuất hiện nhiều hơn các tổn thương cục, nang mụn tiết dịch, chảy mủ và đóng vảy tiết vàng nâu nhiều.
Quá hoang mang, bệnh nhân quay trở lại phòng khám tư và được bác sỹ chỉ định uống thêm Isotretinoin 20mg/ngày; Cefuroxime 400 mg/ngày. Tuy nhiên, sau 4 ngày thuốc, tình trạng ngày càng trầm trọng hơn, vảy tiết đóng nhiều hơn kèm theo xuất hiện các sẩn đỏ ở lưng ngực. Bệnh nhân lo lắng, mặc cảm không dám đi ra ngoài đường, đã tìm đến BV Da liễu Trung ương khám.
Tương tự, trước đó trường hợp bệnh nhân nữ N.T.B (20 tuổi, ở Hà Nội), nhân viên tiếp tân ở một khách sạn. Do yêu cầu công việc thường xuyên tiếp xúc với khách nhưng trên mặt chị B lại rất nhiều mụn trứng cá khiến chị có tâm lý ngại ngùng, kém tự tin. Thay vì đi đến bác sĩ khám để trị mụn, chị B. đã tự ra hiệu thuốc mua thuốc về bôi và được nhân viên bán cho thuốc dibetalic.
Sau một thời gian bôi thấy da láng mịn bất ngờ, chị B. ngừng bôi nhưng chỉ một thời gian ngắn, trên mặt chị B. bùng phát nhiều mụn trứng cá, tình trạng nặng nề hơn lúc đầu. Lúc này bệnh nhân mới đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám và điều trị.
Theo bác sĩ, kem corticoid không được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và nếu bôi ngoài da phải được bác sĩ chỉ định. Sản phẩm có chứa corticoid thường giúp da trắng mịn nhanh nhưng dễ gây dãn mạch, nám da và khiến người dùng nghiện corticoid. Đặc biệt khi làn da bị phụ thuộc vào corticoid, lúc dừng lại đột ngột có thể da sẽ bị mẩn ngứa, các triệu chứng viêm da tăng lên. Đáng nói, phần lớn bệnh nhân vào viện muộn, dù trước có triệu chứng viêm da khá lâu nhưng vẫn tìm cách tự xử lý. Khi làn da biến chứng nặng bị bỏng rát, mọc mụn mủ, mới vào đi khám.
Hiện nay, các chuyên gia y tế cũng cho biết để phân biệt kem có corticoid trong sản phẩm bằng mắt thường rất khó nhưng có một đặc điểm dễ nhận diện nhưng nếu trường hợp người sử dụng loại kem bôi nếu thấy vùng da mụn bay rất nhanh, da trắng sau 1-2 tuần thì nguy cơ chứa corticoid rất lớn. Trong khi đó để điều trị mụn trứng cá cần phải có thời gian dài và được bác sĩ chuyên khoa da liễu tư vấn.
Trước nhu cầu làm đẹp ngày càng gia tăng của anh chị em, mọi người nên là những người thông thái tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa về da liễu có đầy đủ cơ sở vật chất máy móc hiện đại để tránh những biến chứng đáng tiếc cho làn da. Đặc biệt, với những người dân khi có bệnh lý nám má, mụn trứng cá thì nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để thăm khám, không tự ý dùng thuốc trên mạng, những bài thuốc truyền miệng… vừa dễ gây biến chứng nặng nề lại ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Thảo Nguyên (TH)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN