Hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường, vì sao nguy hiểm?

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê do hạ đường huyết. Trước đó, chị đã điều trị đái tháo đường típ 2 từ năm 2021 đến nay.

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM mới tiếp nhận bệnh nhân L.M.H (65 tuổi, ngụ tại Bình Tân) trong tình trạng hôn mê. Sau khi đánh giá sức khỏe tổng thể, các bác sĩ Khoa Nội tiết xác định nguyên nhân hôn mê của chị H. là do hạ đường huyết.

Theo thông tin từ người nhà, chị H. mắc bệnh đái tháo đường típ 2 và tiến hành điều trị từ đầu năm 2021 cho đến nay. Thời gian gần đây, chị H. thường xuyên có các biểu hiện như hồi hộp, khó thở, chân tay run, vã mồ hôi,...

Ha duong huyet o nguoi benh dai thao duong, vi sao nguy hiem?
 

ThS.BS. Trần Viết Thắng - Phó trưởng Khoa Nội tiết BV ĐHYD TPHCM, cho biết, đường huyết ở mức ổn định, người bệnh đái tháo đường vừa tránh được biến chứng vừa nâng cao hiệu quả điều trị và phục hồi.

Khi chỉ số phản ánh lượng đường trung bình trong máu (HbA1C) giảm được 1%, tỷ lệ nguy cơ tử vong do đái tháo đường giảm 21%; nguy cơ biến chứng mạch máu nhỏ giảm 37%; nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm 14%.

Ngoài ra, theo ThS.BS Thắng, theo dõi đường huyết giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Chế độ ăn uống, vận động, thuốc điều trị hoặc căng thẳng có mối quan hệ mật thiết với lượng đường huyết trong máu.

ThS BS. Trần Viết Thắng khuyến nghị muốn kiểm soát đường huyết tốt, người bệnh cần tuân thủ cũng như có sự phối hợp giữa chế độ ăn uống, vận động thể lực và sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là duy trì thói quen tự theo dõi đường huyết mỗi ngày.

Người bệnh đái tháo đường cần giữ đường huyết ở mức ổn định. Chỉ số HbA1C mục tiêu là 7.0% (có thể thay đổi tùy theo đặc điểm của người bệnh). Trong đó, đường huyết trước ăn dao động từ 4.0 - 7.0 mmol/l và dưới 10 mmol/l thời điểm 2 giờ sau ăn.

ThS BS. Trần Viết Thắng hướng dẫn thêm về cách đo đường huyết tại nhà. Theo ông, 4 thời điểm chính bao gồm: Đo đường huyết đói (trước khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều); Đo đường huyết sau ăn (cách 2 giờ sau khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều); Trước khi ngủ; Trước hoặc sau khi tập thể dục.

Các chuyên gia y tế cảnh báo thêm, hạ đường huyết là tình trạng cấp cứu khẩn cấp đối với bệnh nhân đái tháo đường. Nguyên nhân có thể do bệnh nhân tự ý tăng số lượng thuốc điều trị.

Hạ đường huyết dễ xảy ra ở nhóm bệnh nhân cao tuổi hoặc có rối loạn chức năng gan, thận. Biến chứng này còn có thể là hậu quả của việc hoạt động thể lực quá mức mà bỏ bữa hay không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng hoặc lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.

 

An Quý

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN