Chợ tự phát “nở rộ”, nhà quản lý lúng túng?

Vấn nạn chợ tự phát xung quanh khu vực chợ đầu mối Hóc Môn đã kéo dài hơn 20 năm nay, khiến không chỉ tiểu thương kinh doanh trong chợ mà đến cả Ban quản lý chợ phải gõ cửa, kêu cứu nhiều cơ quan chức năng, nhưng mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ.
“Nếu tình trạng này mà tiếp tục, tiểu thương trong chợ sẽ bỏ sạp mà đi”, đại diện BQL chợ nông sản Hóc Môn TPHCM đã trần tình như vậy trong buổi giám sát ATTP Tết Nguyên đán 2023 mới đây của TP HCM.
Gõ cửa kêu cứu suốt 20 năm vì nạn chợ tự phát
Bà Lê Hồng Đào - phó giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (chợ đầu mối Hóc Môn-PV) bức xúc cho rằng, chợ đầu mối Hóc Môn cùng với chợ Bến Thành là một trong hai chợ thí điểm đảm bảo ATTP đầu tiên của Thành phố. Từ năm 2016 đến nay đã thêm tổng cộng là 24 chợ tham gia. Kiến nghị đã 20 năm nay của BQL chợ với các ban ngành đến làm việc với Ban, vẫn là vấn nạn các chợ tự phát xung quanh chợ đầu mối ngày càng lớn.
Cho tu phat “no ro”, nha quan ly lung tung?

Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn hoạt động về đêm 

Hoạt động chợ tự phát trên đã gây lên làn sóng phản ứng dữ dội từ phía các tiểu thương có sạp kinh doanh hợp pháp trong khu vực nhà lồng chợ. Bà con tiểu thương trong chợ bức xúc cho rằng, vào chợ phải tuân thủ đủ các yêu cầu về giấy phép, đóng phí cho đơn vị quản lý, đóng tiền thu phí rác thải, tiền điện, nước, kiểm nghiệm chất lượng hàng hoá, thực phẩm …
Trong thời điểm sau dịch COVID-19 việc kinh doanh chậm chạp, chợ ế, tiểu thương đã phải gồng mình chịu đựng để duy trì cuộc sống và quầy kinh doanh, nay thêm vấn nạn chợ tự phát ngày càng gia tăng khiến việc kinh doanh của tiểu thương trong chợ bị giảm sút nghiêm trọng.
Chợ tự phát không bị ràng buộc bởi bất cứ pháp lý nào lại được kinh doanh tự do. Quy định ATTP không bị quản hay nhắc nhở, xử lý, răn đe. Ví dụ, thịt heo tại sạp bên ngoài chợ thì để xuống đất, nhưng trong chợ nếu phát hiện thịt để xuống đất là lãnh giấy phạt liền; kèm theo đó là phải tham gia lớp tập huấn ATTP, luôn giữ vệ sinh khu quầy sạp, giấy nhập nguồn hàng phải đầy đủ, có dán tem trích xuất nguồn gốc, nơi chăm nuôi, nơi cung ứng hàng,… do đó giá thành buộc phải cao hơn, hình thành lên một môi trường cạnh tranh không công bằng.
Cho tu phat “no ro”, nha quan ly lung tung?-Hinh-2

Cán bộ thú y kiểm tra bằng cảm quan thân thịt heo trước khi được đưa vào chợ Hóc Môn 

“Sức chịu đựng đã quá mức. Nếu không giải quyết dứt điểm chợ tự phát thì tiểu thương trong chợ sẽ bỏ sạp bởi sự cạnh tranh không lành mạnh”. Bà Đào nêu rõ.
Đặc biệt, kinh doanh chợ tự phát lan rộng ra hơn sau đợt dịch COVID-19. Xung quanh chợ có 5 con đường: đường Nguyễn Thị Sóc, QL 22  đường số 3, số 4 và 12 thì có đến tổng cộng 190 điểm chợ kinh doanh tự phát, không có giấy phép. Điều đáng nói việc chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường gây kẹt xe, và khiến cho chợ hợp pháp không còn giá trị. Thậm chí chợ tự phát này còn hình thành như một con lươn giữa cản trở lối ra vào chợ của tiểu thương trong chợ, nhiều thương nhân đã bỏ chợ vì thấy bất tiện khi chuyên chở hàng hoá ra vào chợ.
Cho tu phat “no ro”, nha quan ly lung tung?-Hinh-3
Bà con trong sạp chợ đầu mối phải tuân thủ mọi quy định pháp luật về kinh doanh, an toàn thực phẩm, môi trường
“Điên đầu” vì rác chợ tự phát
Cũng tại buổi làm việc với Ban Quản lý ATTP TPHCM rạng sáng 29/12, đại diện chợ đầu mối Hóc Môn nhấn mạnh: “Chúng tôi phải bỏ kinh phí ra hốt rác của những người bán hàng trái phép, nếu để tồn tại thì đường xung quanh chợ ngập ngụa. Trước đây chỉ hốt 3 lần/tuần, giờ thì mỗi ngày hốt rác một lần; một ngày có trên dưới gần 10 tấn rác của điểm kinh doanh trái phép. Đặc biệt là tuyến đường số 4 kinh doanh đủ loại hàng hoá thịt cá, kết thúc một ngày đêm kinh doanh, chất thải thực phẩm được các hộ kinh doanh trái phép ngang nhiên đổ chất đống tại chỗ, có khi kéo dài qua bên chợ bốc mùi hôi thối”.
Được biết, dù BQL chợ đã rất cố gắng trong công tác tổ chức hoạt động, xây dựng thương hiệu là một trong những chợ đầu mối của TP HCM. BQL chợ chú trọng 3 vần đề cơ bản là công tác tuyên truyền vận động hướng dẫn tiểu thương về ATTP, công tác kiểm tra giám sát và công tác xử lý sai phạm nếu tiểu thương vi phạm quy định. Nhưng phía các tiểu thương kinh doanh bên ngoài chợ thì BQL đành “chịu thua” vì không thuộc quyền quản lý của mình.
Cho tu phat “no ro”, nha quan ly lung tung?-Hinh-4

Rác thải trên các con đường tập kết hàng hoá tại khu vực chợ tự phát xung quanh chợ nông sản Hóc Môn, là nỗi bức xúc của bà con tiểu thương có sạp trong chợ. 

Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn đã thành lập phòng ATTP, cử một phó giám đốc đảm trách riêng việc này, công tác quản lý ATTP tại chợ luôn được Ban giám đốc quan tâm và chỉ đạo thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên phối hợp cùng Đội quản lý ATTP số 9 tuyên truyền vận động, kiểm tra, giám sát hàng hóa ra vào chợ rất chặt chẽ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm ATTP.
Đây là việc làm thường xuyên trong năm, tăng cường vào những ngày cao điểm và tháng hành động ATTP. Nhằm từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa kinh doanh tại chợ, năng lực quản lý, tạo sự chuyển biến tích cực cho nhà quản lý, nhà sản xuất, thương nhân và người tiêu dùng trong nhận thức cho đến hành động trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP.
Ban Quản lý chợ, phòng ATTP tổ chức thường xuyên việc tuyên truyền, treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ bướm, đọc loa, ... hướng dẫn thương nhân kinh doanh thực phẩm an toàn; tổ chức tập huấn kiến thức về ATTP và các quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho tiểu thương. Hướng dẫn thương nhân tự lấy mẫu thực phẩm gửi cơ sở kiểm nghiệm được Bộ Y tế cho phép để xét nghiệm nhằm giám sát tình hình ATTP tại chợ. Ngoài ra, còn tổ chức khám sức khỏe cho tiểu thương 2 đợt/ năm, với tổng số lượng trên 1.000 tiểu thương. Tại đây, 100% vựa, sạp đã ký bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn thay cho Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trước đây.
BQL ATTP TP muốn nhận trọng trách dẹp chợ tự phát
Trước nỗi bức xúc trên của BQL chợ đầu mối Hóc Môn cũng như của bà con tiểu thương trong chợ, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban ATTP TPHCM cho rằng, để giải quyết vấn nạn chợ tự phát rất cần sự quyết tâm hơn của các cấp, ban ngành địa phương phối hợp với Ban ATTP. Điều này cần phải có bàn bạc thêm về việc phân công, phân nhiệm. Rất có thể, tại địa phương chưa coi vấn đề ATTP là nhiệm vụ số 1.
Cho tu phat “no ro”, nha quan ly lung tung?-Hinh-5
 Bà Phạm Khánh Phong Lan và đoàn công tác hỏi thăm bà con tiểu thương sạp pha lóc thịt heo tại chợ nông sản Hóc Môn.
Theo bà Lan, BQL ATTP TP cũng rất coi trọng công tác phối hợp với cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền để người dân không mua thực phẩm ở những nơi bất hợp pháp, “đây còn là ý thức của cộng đồng”. Bà Lan đưa ra ví dụ, ở các nước một khi đã mở ra một cái chợ hay siêu thị ở địa bàn nào đó thì người ta chỉ mua đúng nơi đó, chứ không mua ở chợ tự phát, bởi người dân hiểu rõ, khi mua thực phẩm không đúng chỗ là tự “đánh cược” sức khoẻ và sự an toàn của chính bản thân và gia đình.
Chợ tự phát còn liên quan đến chuyện trật tự đô thị, gây kẹt xe, ảnh hưởng giao thông. Những người sản xuất cũng không còn động lực để sản xuất thực phẩm an toàn.
Thực tế xung quanh khu vực chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TPHCM) cũng tồn tại khoảng gần 40 chợ tự phát đã là vấn đề rất nan giải, khó giải quyết, thế mà tại chợ nông sản Hóc Môn có tới 190 điểm tự phát. Bà Lan cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận, nếu chính quyền địa phương sát sao, nghiêm minh gay gắt từ đầu khi xuất hiện một vài điểm kinh doanh tự phát thì không thể có việc chợ tự phát “nở nồi” ra như vậy.
“Chúng tôi đề nghị UBND TP giao BQL ATTP TPHCM làm đầu mối trong việc này, tuy chúng tôi không đủ lực lượng để đi hết nhưng chúng tôi có thể phối hợp, căn cứ vào trách nhiệm của từng quận, huyện, sẽ yêu cầu báo cáo một tháng kiểm tra bao nhiêu lần, tình hình có cải thiện hay không. Tức là Ban sẽ là một đầu mối giám sát, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tôi tin là sẽ thành công”. Bà Lan nói.
Chợ Đầu mối nông sản Hóc Môn đã đi vào hoạt động từ năm 2003 đến nay đã 19 năm. Ngành hàng kinh doanh chính là thịt heo, rau, củ, quả và trái cây, tương đương với trên 120 mặt hàng các loại. Lượng hàng hóa nhập chợ bình quân của năm 2022 đạt khoảng 2.320 tấn/ngày-đêm. Trong đó, thịt heo khoảng 335 tấn/ngày-đêm ( khoảng 4.470 con), trái cây khoảng 360 tấn/ngày-đêm, rau củ khoảng 1.625 tấn/ngày-đêm. Hàng hóa nhập chợ có nguồn gốc xuất xứ trong nước chiếm khoảng 95%, Trung Quốc khoảng 4%, các nước khác khoảng 1%.
 
Huyền Nga - Quỳnh Hương

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN