Bỏ sổ hộ khẩu từ đầu năm 2023, người dân thực hiện các thủ tục hành chính thế nào?

Từ sau ngày 31/12, sổ hộ khẩu giấy và sổ tạm trú chính thức hết hiệu lực. 

Bo so ho khau tu dau nam 2023, nguoi dan thuc hien cac thu tuc hanh chinh the nao?

Thẻ căn cước công dân gắn chip là một trong những phương thức dùng thay thế hộ khẩu giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính, dân sự. Ảnh: Việt Dũng

Bộ Công an cho biết, hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã vận hành thống nhất, người dân có thể khai thác thông tin cư trú trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.

Từ 1/1/2023, cơ quan chức năng sẽ không yêu cầu người dân trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc yêu cầu trong hồ sơ phải chứng thực các giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân, thông tin nơi cư trú đã có trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sau khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị thu hồi hoặc hết hiệu lực, người dân có thể sử dụng những phương thức sau khi thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch dân sự:

Thứ nhất, người dân sử dụng căn cước công dân gắn chip. Khi công dân xuất trình căn cước công dân thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về căn cước công dân.

Thứ 2, công dân, cơ quan, tổ chức dùng thiết bị đọc mã QR hoặc chip điện tử trên căn cước công dân gắn chip. Thiết bị được tích hợp với máy tính hoặc thiết bị di động để đọc các thông tin gồm: Số căn cước công dân; số chứng minh nhân dân 9 số; họ và tên; ngày sinh; giới tính; nơi thường trú; ngày cấp căn cước công dân, vân tay...

Thứ 3, người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú tại trang web dân cư quốc gia theo địa chỉ dichvucong.dancuquocgia.gov.vn.

Thứ 4, cá nhân sử dụng ứng dụng VNeID cài đặt trên điện thoại di động. Ứng dụng này hiển thị các thông tin trên thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Để sử dụng VNeID thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú có hiệu quả cao, công dân cần đến cơ quan công an đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2.

Sau khi được kích hoạt ứng dụng này, công dân đăng nhập để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mà trước đây cần đến sổ hộ khẩu.

Thứ 5, công dân sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú được ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15.5.2021 của Bộ Công an.

Để có giấy này, người dân đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước để đề nghị cấp, hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến khi cần thiết.

Thứ 6, công dân sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Công an đã chỉ đạo cấp thông báo số định danh và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 100% người chưa được cấp căn cước công dân trên toàn quốc.

Việt Dũng/Lao Động

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN