Biến thể Delta gia tăng, cần nghiên cứu vắc xin COVID-19 mới?

Trước sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 do biến thể Delta ở nhiều nước, các chuyên gia Anh dự báo cuộc chiến chống dịch có thể kéo dài thêm 1 năm sau lâu hơn. Vì vậy, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu vắc xin mới hiệu quả hơn.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h45 ngày 22/8 (theo giờ Việt Nam), thế giới có tổng cộng 212.145.791 ca mắc COVID-19 và 4.436.615 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 189.774.294 ca. Đa số các ca mắc COVID-19 mới do biến thể Delta. Nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Australia... có số ca mắc mới liên tục tăng trong những tuần gần đây.
Biến thể Delta có khả năng kháng vắc xin
Trước diễn biến nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, nhóm Cố vấn Khoa học của Chính phủ về Các trường hợp Khẩn cấp (SAGE) đưa ra dự báo về thời điểm làn sóng dịch bệnh này được khống chế.
Theo các chuyên gia, việc xuất hiện biến thể nguy hiểm như Delta có thể khiến cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của chúng ta lùi lại 1 năm hoặc lâu hơn. Họ nhận định sự xuất hiện của biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh như hiện nay là một trong những mối đe dọa nguy hiểm có thể làm trầm trọng cuộc khủng hoảng y tế một lần nữa.
Các chuyên gia của SAGE cho hay biến chủng mới xuất hiện có khả năng kháng vắc xin là một “nguy cơ rất có thể xảy ra”. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu vắc xin mới có hiệu quả hơn, xây dựng thêm cơ sở sản xuất vắc xin, và tăng cường thực hiện nghiên cứu phòng thí nghiệm để dự đoán sự tiến hóa của biến chủng.
Chia sẻ về vấn đề này, giáo sư Graham Medley - thành viên của SAGE và là lãnh đạo nhóm tạo mô hình COVID-19 của chính phủ Anh, cho biết lợi thế là chúng ta có thể tương đối nhanh chóng tạo ra vắc xin chống lại biến chủng mới. Thế nhưng, điều bất lợi là chúng ta sẽ phải quay trở lại tình trạng một năm trước, tùy thuộc mức độ miễn dịch hiện tại trước biến thể mới.
Theo giáo sư Medley, biến chủng mới sẽ ít có khả năng hoàn toàn qua mặt phản ứng miễn dịch sinh ra ở người đã tiêm vắc xin hoặc từng khỏi bệnh.
“Chúng ta cũng có khả năng cải tiến vắc xin hiện tại để đối phó các chủng mới. Nhưng làm vậy sẽ mất nhiều tháng và chúng ta có thể sẽ phải tái áp dụng các biện pháp siết chặt giới nếu có rủi ro y tế công cộng lớn”, ông Medley cho hay.
Bien the Delta gia tang, can nghien cuu vac xin COVID-19 moi?
Ảnh: TTXVN.
Cuộc đua cải tiến vắc xin tăng mức độ bảo vệ trước Delta 
Trước sự xuất hiện của biến thể Delta, các nước và các hãng dược phẩm bước vào một cuộc đua mới. Tại Nga, Viện Dịch tễ học và vi sinh vật học Gamaleya đã nghiên cứu cải tiến vắc xin Sputnik V để tăng mức độ bảo vệ trước biến thể Delta.
Vào ngày 21/8, Zydus - nhà sản xuất vắc xin COVID-19 đầu tiên dựa trên công nghệ ADN cho biết loại vắc xin này cần phải tiêm 3 mũi và cho hiệu quả chống lại biến thể Delta khoảng 66%. Vắc xin có tên ZyCoV-D và đã được Cơ quan Quản lý dược phẩm Ấn Độ (DCGI) cấp phép sử dụng khẩn cấp.
ZyCoV-D là loại vắc xin dựa trên ADN đầu tiên trên thế giới và có thể được tiêm mà không cần kim tiêm. Theo DCGI, do sử dụng công nghệ dựa trên plasmid ADN nên ZyCoV-D có thể được điều chỉnh để đối phó với các đột biến mới của virus SARS-CoV-2. Khi tiêm vào cơ thể người, loại vắc xin này sẽ tạo ra các protein gai như của SARS-CoV-2 để kích thích cơ thể sinh miễn dịch. Người tiêm vắc xin ZyCoV-D cần được tiêm 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 28 ngày. Đối tượng có thể tiêm là người trưởng thành và trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Hiện nhiều nước như Đức, Pháp, Mỹ, Israel... đã lên kế hoạch tổ chức tiêm liều vắc xin bổ sung (mũi thứ 3) từ tháng 9/2021 để bảo vệ người dân trước làn sóng lây nhiễm bệnh COVID-19 mới do biến thể Delta gây ra.
Trong đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định chính phủ sẽ triển khai tiêm mũi thứ ba cho người lớn tuổi, người dễ mắc bệnh từ tháng 9/2021.
Đức cũng sẽ tiêm mũi nhắc lại cho những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, người già và người sống trong các viện dưỡng lão vào khoảng thời gian giống Pháp.
Ngày 13/8, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đã phê duyệt tiêm mũi vắc xin ngừa COVID-19 bổ sung (tức mũi vắc xin thứ ba) cho người bị tổn thương hệ miễn dịch. Mỹ sẽ dùng vắc xin của Pfizer và Moderna để tiêm mũi thứ ba cho nhóm đối tượng này.
Viễ tiêm mũi vắc xin thứ ba cũng được một số hãng dược ủng hộ. Điển hình là nghiên cứu của Pfizer công bố ngày 28/7 cho thấy liều vắc xin COVID-19 Pfizer/BioNTech thứ ba giúp tăng đáng kể khả năng chống lại biến thể Delta.
Lượng kháng thể chống lại biến thể Delta ở người từ 18-55 tuổi được tiêm liều vắc xin tăng cường cao hơn 5 lần so với sau khi tiêm liều thứ hai. Ở những người từ 65 - 85 tuổi, kháng thể chống lại biến thể Delta sau khi tiêm liều thứ 3 cao hơn 11 lần so với sau khi tiêm liều thứ hai.
Chính vì vậy, Pfizer khuyến cáo người dân tiêm mũi thứ ba là cần thiết do kháng thể giảm dần theo thời gian, nhất là sau 6 tháng.
Trước đó, ngày 5/8, Công ty Moderna đề xuất người đã tiêm đủ 2 liều bằng vắc xin COVID-19 của họ nên tiêm mũi thứ 3 để đảm bảo chống được các biến thể mới của virus, nhất là biến thể Delta đang hoành hành như hiện nay.
Ở một chiều hướng khác, chuyên gia Jordi Ochando - nhà miễn dịch học tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai lại cho rằng, việc tiêm mũi tăng cường thứ 3 cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch và người cao tuổi ở các nước phát triển là điều hợp lý, tuy nhiên, nếu áp dụng biện pháp này với những người trẻ tuổi và có sức khỏe tốt ở những nước giàu là điều "khó chấp nhận", bởi hiện nay, chỉ mới có 2% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ trong khi đại dịch đang càn quét rất mạnh ở châu lục này.
Đối với quan điểm nên nghiên cứu và sản xuất một loại vắc xin dành riêng cho biến thể Delta, giới khoa học cho rằng đây là biện pháp chỉ giải quyết được vấn đề tạm thời. Tiến sĩ Krutika Kuppalli, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Nam Carolina phân tích: "Đã có những cuộc nghiên cứu về việc cập nhật vaccine mRNA đối với một gai protein đặc trưng của biến thể Alpha. Giờ đây, biến thể Alpha đã suy giảm nhưng biến thể Delta với khả năng lây lan nhanh chóng đã xuất hiện. Vào thời điểm một loại vaccine mới có thể sẵn sàng ra mắt thì chúng ta lại đối mặt với biến thể mới”.
Chuyên gia Eric Topol, Giám đốc Viện Nghiên cứu Scripps ở La Jolla cho rằng: "Biến thể Delta đã dạy chúng ta bài học rằng, vaccine ngừa Covid-19 trong tương lai sẽ không chỉ ngăn chặn mỗi biến thể Delta mà còn tất cả các chủng virus SARS-CoV. Một loại vaccine phổ biến có thể dựa trên những điểm tương đồng giữa các virus như SARS-1, xuất hiện vào năm 2003, tương tự 95% về mặt di truyền với SARS-CoV-2”.
Trong khi đó, Jordi Ochando, nhà miễn dịch học tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai hiến giải pháp, có thể khai thác những lợi thế nổi bật của những loại vắc xin đã được phê duyệt hiện nay và kết hợp với nhau nhằm tăng khả năng miễn dịch trước virus "tử thần" này. 
Bien the Delta gia tang, can nghien cuu vac xin COVID-19 moi?-Hinh-2

Mời độc giả xem video: Bộ Y tế lập thêm 3 trung tâm hồi sức Covid-19 tại TP.HCM | Tin tức 24h. Nguồn: ANTV.

Tâm Anh (TH)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN