Bệnh nhân COVID-19 gia tăng, Việt Nam có đủ máy thở, ECMO?

Trước tình hình gia tăng bệnh nhân COVID-19 từng ngày và nhiều ca bệnh diễn biến nặng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hệ thống y tế nước ta vẫn đủ máy thở, ECMO chống đỡ và điều trị thêm những ca bệnh mới.
Trưa 30/7, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đơn vị tiếp nhận 8 bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng ở Đà Nẵng chuyển ra trong sáng nay. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, các ca bệnh nặng chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh nền hoặc bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đà Nẵng.
Việc một số bệnh nhân nặng được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế nhằm giúp giảm bớt gánh nặng cho Đà Nẵng. Trước đó, tại buổi hội chẩn quốc gia ngày 29/7, các chuyên gia nhận định có 6 bệnh nhân được ghi nhận trong tình trạng nặng là 416, 418, 436, 438, 437 và 433. Trong đó, có hai ca bệnh phải can thiệp ECMO là 416 và 437.
Benh nhan COVID-19 gia tang, Viet Nam co du may tho, ECMO?
Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận hai bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ Đà Nẵng, ngày 29/7/2020. Ảnh: TTXVN. 
Trước tình hình gia tăng bệnh nhân dương tính từng ngày cùng việc đón công dân Việt Nam từ nước ngoài mắc COVID-19 về điều trị khiến sức ép lên ngành y tế trở nên căng thẳng hơn.
Trao đổi về vấn đề này trên báo Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hệ thống y tế hiện vẫn đủ năng lực chống đỡ, vẫn còn khả năng thu dung và điều trị thêm những ca bệnh mới.
Theo Thứ trưởng Sơn, giai đoạn trước, Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản tiếp nhận và điều trị cho hơn 3.000 bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, tuỳ vào tình hình dịch bệnh cũng như số lượng bệnh nhân mà kế hoạch đón công dân về nước có thể thay đổi. Việc này do quyết Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Thủ tướng chính phủ quyết định.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, hiện ngành có khoảng 7.000 máy thở ở các bệnh viện. Hệ thống ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) vẫn đủ để điều trị bệnh nhân COVID-19 trong giai đoạn hiện tại. Ngành y tế đã có kế hoạch mua thêm ECMO, đặt ở các bệnh viện lớn để điều trị bệnh nhân nặng. Số lượng giường bệnh đảm bảo cho việc cách ly và điều trị cho các bệnh nhân.
Việt Nam có 90.000 bác sĩ, 125.000 điều dưỡng. Hầu hết các bác sĩ được đào tạo đa khoa, có thể huy động cho phòng dịch khi cần.

Mời độc giả theo dõi Video "Thêm 11 ca mắc COVID-19 có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng". Nguồn: VTV24.

Cũng trong ngày 30/7, Bộ Y tế quyết định tăng cường chi viện nhân lực phòng chống dịch tới Đà Nẵng để giúp địa phương ứng phó tốt hơn với dịch COVID-19. Thành phần chi viện bao gồm các chuyên gia từ Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Cục phòng, chống HIV/AIDS, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.
Các đơn vị này sẽ phối hợp với 3 tổ công tác đặc biệt về giám sát dịch, xét nghiệm và điều trị mà Bộ Y tế cử đến Đà Nẵng từ ngày 25/7. Toàn bộ lực lượng này sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo của PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn huy động hàng trăm sinh viên của Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng và Đại học Y Dược Huế tham gia thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch tại Đà Nẵng.
Bộ Y tế cũng điều tới Đà Nẵng 10 máy thở và hỗ trợ thêm khẩu trang N95 cho các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng và Bệnh viện Trung ương Huế.
Thảo Nguyên (TH)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN