Bánh trung thu được rao bán rầm rộ trên chợ mạng mùa COVID-19

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay thị trường bánh trung thu truyền thống không còn được sôi động như mọi năm. Thay vào đó, trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, bánh trung thu được rao bán rầm rộ. 
 
Mọi năm, cứ đến khoảng thời gian này, đường phố lại trở nên nhộn nhịp, huyên náo và màu sắc hơn bởi sự xuất hiện của những quầy hàng bánh trung thu...Tuy nhiên, năm nay vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, không khí mua sắm những ngày cận kề Tết Trung thu 2021 không còn nhộn nhịp như trước.
Đa dạng chủ loại và giá
Sức mua giảm, kênh phân phối gặp khó, trong khi chi phí sản xuất được đẩy lên cao khiến một số thương hiệu như ABC Bakery, Kido quyết định dừng kinh doanh bánh trung thu trong năm nay.
Trong khi đó, bánh trung thu Kinh Đô đều đã có mặt tại các kênh thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee cũng như các ứng dụng giao hàng Grab, Gojek và Baemin...
Banh trung thu duoc rao ban ram ro tren cho mang mua COVID-19
 Bánh trung thu được rao bán rầm rộ trên các trang mạng. Ảnh: Nhandan
Không chỉ Kinh Đô, các công ty sản xuất bánh kẹo truyền thống lâu năm quen thuộc với người tiêu dùng như Hải Hà, Hữu Nghị, Thu Hương...năm nay cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online thông qua các trang mua sắm trực tuyến như: Tiki, Shopee, Lazada, Sendo… với đa dạng chủng loại, giá cả.
Giá bánh của các hãng truyền thống trung bình dao động từ 30.000 - 80.000 đồng/chiếc, các dòng bánh cao cấp dao động từ 100.000 - 250.000 đồng/ chiếc. Đối với hộp, dao động từ 150.000 đến trên 1 triệu đồng/hộp.
Trên sàn thương mại điện tử, bánh trung thu truyền thống lâu đời của Hà Nội - Bảo Phương có giá bán từ 20.000 đồng đến 90.000 đồng/chiếc.
Bánh dẻo, bánh nướng gia truyền Đông Phương (Hải Phòng) cũng được rao bán với giá từ 59.000 - 150.000 đồng/chiếc.
Banh trung thu duoc rao ban ram ro tren cho mang mua COVID-19-Hinh-2
 Chợ online đa dạng các loại bánh với nhiều mức giá khác nhau. Ảnh: Facebook
Một số hãng bánh của các khách sạn lớn như Sheraton hoặc các thương hiệu khác như Hội An, Cống Quỳnh... cũng tăng bán qua facebook, website, hotline...hoặc trên các kênh thương mại điện tử khác như Shopee, Tiki...
Ngoài ra, các loại bánh trung thu handmade cũng được rao bán rầm rộ với giá vài chục nghìn/chiếc.
Bên cạnh bánh Trung thu trong nước, một lượng bánh trung thu được giới thiệu nhập khẩu từ Đài Loan, Hồng Kông...cũng được rao bán với giá nhiều mức giá khác nhau.
Thận trọng nguồn gốc
Thị trường bánh trung thu online đa dạng các loại bánh song theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), người tiêu dùng cần cẩn trọng khi chọn mua bánh, đặc biệt là cần lưu ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam liên tục được lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố kiểm tra, thu giữ.
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã kiểm tra, thu giữ nhiều lô bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người tiêu dùng nên lựa chọn những loại bánh có xuất xứ rõ ràng, quy trình sản xuất hợp vệ sinh, có ghi nơi sản xuất rõ ràng trên bao bì, kèm theo hướng dẫn sử dụng cũng như cách bảo quản; kiểm tra kỹ trên bao bì ngày, tháng sản xuất cũng như hạn sử dụng bánh Trung thu.
Người tiêu dùng nên chọn bánh trung thu ở các địa điểm bán uy tín, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm... Không nên mua sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh “tiền mất tật mang”, mua phải hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hoàng Minh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN