An toàn thực phẩm chợ đầu mối: Vận động song song với chế tài!

Khó đưa các tiểu thương đi vào khuôn khổ, “trật tự” về an toàn trong kinh doanh thực phẩm, công tác giám sát, kiểm nghiệm thực phẩm rau củ quả còn nhiều bất cập
Trật tự về an toàn trong kinh doanh thực phẩm, công tác giám sát, kiểm nghiệm thực phẩm rau củ quả còn nhiều bất cập, việc thanh kiểm tra còn để tình trạng trà trộn hàng không nguồn gốc xuất xứ …; những vấn đề “muôn thuở” nhưng không dễ giải quyết được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp giữa đoàn công tác giám sát ATTP Tết nguyên đán 2023 của Ban Quản lý ATTP TPHCM với chợ nông sản Thủ Đức vừa qua.
An toan thuc pham cho dau moi: Van dong song song voi che tai!
Bà Phạm Khánh Phong Lan trao đổi với cán bộ Ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức về kiểm tra hoá đơn, xuất xứ, nguồn gốc hàng hoá
Hàng hoá tập kết sơ chế, dán nhãn xong mới được đưa vào chợ
Báo cáo về tình hình thực hiện công tác ATTP 2022, ông Nguyễn Tấn Quang Vinh, giám đốc bộ phận Kinh doanh - Dịch vụ công ty CP quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức TPHCM (chợ đầu mối Thủ Đức-PV) cho biết, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức hiện nay hoạt động chủ yếu vào ban đêm gồm 3 nhà lồng chợ với 1.424 ô vựa, trong đó có 606 ô vựa kinh doanh ngành hàng rau, 696 ô vựa kinh doanh ngành hàng trái cây, 92 ô vựa kinh doanh ngành hoa tươi và 30 kiosque kinh doanh các ngành khác,… số thương nhân hiện đang kinh doanh tại chợ có 943 người.
Bình quân mỗi ngày có 2.523 tấn rau, trái cây và hoa tươi nhập về chợ đầu mối Thủ Đức. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm 2021 chợ chỉ hoạt động 200 ngày, tuy nhiên từ đầu năm 2022 đến nay chợ đã hồi phục và hoạt động nhộn nhịp trở lại. Ngay sau đó, việc đẩy mạnh truyền thông về ATTP đã được thực hiện, góp phần nâng cao ý thức của người kinh doanh, chế biến thực phẩm về quy định về ATTP. Qua đó, nhiều điểm kinh doanh về cơ bản làm khá tốt, tuy nhiên đề cập đến công tác vận động thực hiện sơ chế hàng hoá tại nguồn, theo ông Quang Vinh, còn gặp nhiều khó khăn. Việc sơ chế hàng hóa trước khi nhập chợ kể từ ngày 01/01/2019 đối với các mặt hàng có lượng rác thải lớn (như: cải sú, cải sậy, cải thảo, cà rốt, củ cải trắng). Công ty tăng cường công tác kiểm tra không cho sơ chế hàng hóa trong nhà lồng chợ. Đến nay đa số thương nhân đã thực hiện, hạn chế lượng rác thải xả bỏ tại chợ, lượng rác bình quân hàng tháng giảm trên 40% so với trước khi thực hiện.
An toan thuc pham cho dau moi: Van dong song song voi che tai!-Hinh-2

Cán bộ QLTT kiểm tra tem dán trên nhãn sản phẩm trái cây nhập về chợ đầu mối Thủ Đức. 

Trong thời gian đầu nhà xe và thương lái còn chưa chấp hành do phát sinh chi phí sơ chế (nhân công, kho bãi), thời gian gom hàng, sơ chế không kịp để vận chuyển cho khách, hàng hóa sơ chế bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển… Tuy nhiên, vừa kết hợp công tác vận động với sự kiên quyết xử lý vi phạm trong việc thực hiện chủ trương trên, thương lái đã tiến hành sơ chế hàng hóa trước khi nhập chợ góp phần làm giảm lượng rác thải đáng kể tại chợ, trước đây từ 3 điểm tập kết rác xung quanh chợ, nay giảm còn 01 điểm. Chi phí xử lý rác thải giảm, số lượng xe vận chuyển rác giảm, thời gian thu gom rác được rút ngắn.
Nhưng, rắc rối nhất là khâu xét nghiệm mẫu. Gặp khó khăn nhất là khi mẫu kiểm nghiệm có phát hiện tồn dư thuốc BVTV, song khi quay lại kiểm tra lô hàng sai phạm thì chủ đã bán hết rồi. Trong qui trình xét nghiệm mẫu rau củ quả, thì sau 2 tiếng test nhanh mới có kết quả, test định tính còn mất tới vài ngày, khi quay ngược lại lô hàng vi phạm cũng đã bán hết rồi.
“Tốt nhất khi hàng hoá về chợ là đã phải được sơ chế, đóng tem dán nhãn đàng hoàng. Việc này không thể vận động không mà đủ, cần thiết phải thực hiện chế tài, xử phạt mới có hiệu quả”. Ông Vinh kết luận.
Sàng lọc thực phẩm nghiêm ngặt từ chợ đầu mối tới chợ truyền thống
Tại thời điểm giám sát của đoàn kiểm tra rạng sáng ngày 29/12, bà Trần Thị Hồng, chủ vựa trái cây E6 Hồng Huế - chợ đầu mối Thủ Đức chỉ vào những trái lựu khủng có giá tới 35000 đồng/1 kg cho biết, đây là lựu Tứ Xuyên (Trung Quốc), chỉ người trong nghề mới phân biệt được. Trong khi trên thị trường, người bán giới thiệu là lựu Thái Lan nhưng thực tế không có sản phẩm đó, cũng không có lựu Việt Nam. Có lựu Israel, lựu Ấn Độ nhưng không nhập về được, trên thị trường hiện nay 100% lựu đều có xuất xứ từ Trung Quốc” - bà Hồng khẳng định.
An toan thuc pham cho dau moi: Van dong song song voi che tai!-Hinh-3

Lựu Trung Quốc xuất hiện tràn lan tại chợ đầu mối Thủ Đức nhưng khi bán lẻ ra thị trường được quảng cáo là lựu Thái Lan 

Trao đổi với PV, ông Quang Vinh cho biết, theo quy định, các xe hàng nhập chợ bắt buộc phải thực hiện đăng ký xuống hàng, kê khai lượng hàng nhập chợ và thông tin nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đối với hàng ngoại nhập, chủ hàng phải xuất trình Hợp đồng vận chuyển, giấy chứng nhận kiểm dịch và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tờ khai hải quan … nếu có đủ hồ sơ lô hàng thì mới được đăng ký xuống hàng nhập Chợ. Còn đối với hàng nội địa, chủ hàng, chủ xe cung cấp thư hàng có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa khi đăng ký xuống hàng nhập chợ.
Nhưng thực tế, vẫn còn số ít thương nhân ý thức kém nên thực hiện chưa đầy đủ việc ghi chép sổ nguồn gốc hàng hóa, niêm yết giá bán, khám sức khỏe hằng năm và tập huấn kiến thức ATTP định kỳ.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban ATTP TPHCM, qui trình kiểm tra ATTP hiện nay áp dụng nghiêm ngặt từ chợ đầu mối tới chợ truyền thống. Đối với chợ truyền thống thì kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá mua từ đâu. Nếu mua từ các chợ đầu mối sẽ phải có hoá đơn chứng từ, còn mua vỉa hè thì không thể có hoá đơn, cơ quan quản lý có thể phạt chéo tại đây. Cần tăng cường tuyên truyền tại chợ về việc kiểm tra và phạt chéo này, làm lan toả đến cả những người mua. Để cùng giám sát.
An toan thuc pham cho dau moi: Van dong song song voi che tai!-Hinh-4
Cán bộ thanh tra ATTP kiểm tra hồ sơ nguồn gốc hàng hoá tại một sạp trái cây thuộc chợ đầu mối Thủ Đức 
Về bao gói nhãn mác, theo bà Lan, việc này mang tầm quan trọng vì bao gói rau củ quả không được kiểm soát kỹ dễ dẫn tới việc trà trộn hàng tốt và hàng xấu nhất.
“Chúng ta phải có sự sàng lọc nhiều bước. Để giám sát có việc trà trộn hay không thì người mua có thể không biết nhưng người bán biết hết. BQL chợ khi phát hiện bất thường về hàng hoá thì cần kịp thời báo cho Đội thanh tra ATTP phối hợp xử lý. Ở chợ đầu mối Thủ Đức nguồn hàng nhập khẩu gia tăng nhiều, khi xuống chợ truyền thống sẽ phải được kiểm tra xuất xứ nguồn gốc từ đâu, nếu phát hiện có sự giả mạo xuất xứ sẽ bị xử phạt nghiêm khắc”.
Việc bất cập trong việc lấy mẫu kiểm nghiệm và xử lý sau khi có kết quả, bà Lan cho biết, đây là vấn đề còn đang khó vì chưa có giải pháp, chưa có quy định về pháp luật về thời gian bảo quản, xử lý với hàng thực phẩm nghi nhiễm chất cấm. “Đối với thực phẩm tươi sống khi lấy mẫu kiểm nghiệm chờ có kết quả, nếu cứ để cho người ta tiêu thụ thì kết quả kiểm nghiệm không còn giá trị vì thực phẩm đã “vào dạ dày” người dân mất rồi, nếu lưu giữ hàng lại thì chắc chắn hàng hư hỏng, không kịp bán thì thiệt hại. Kết quả mẫu kiểm nghiệm mà không phát hiện chất cấm thì phải bồi thường cho chủ hàng, khó cho cơ quan quản lý. Do vậy, phải dùng nhiều biện pháp để bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn từ các khâu sàng lọc. Nếu làm test nhanh phát hiện mẫu rau củ quả dương tính thì chuyển thanh tra, lấy mẫu kiểm nghiệm, vẫn có kết quả dương tính, tất yếu lô hàng sau phải chịu trách nhiệm xử lý. Đồng thời lô hàng trước cũng phải truy xuất nguồn gốc”, bà Lan nhấn mạnh.
Do đặc thù rau củ quả, thực phẩm tươi sống, vấn đề trà trộn hàng vẫn có thể xảy ra vì khó phân biệt. Cũng đã có một số gian hàng đề xuất thực hiện cách bao gói thực phẩm có đầy đủ thông tin tránh trà trộn. Nhưng thực sự người mua nhầm chứ người bán không bao giờ nhầm, do đó tiểu thương chợ đầu mối bán cho chợ truyền thống thì không thể bao biện nói: “tôi không biết, tôi mua hàng nhưng không nhớ mua ở đâu…”. Ban QL ATTP sẽ tăng cường kiểm tra phần gốc từ các chợ đầu mối, phần ngọn là các chợ truyền thống, việc kiểm tra có sự sàng lọc sẽ đảm bảo ATTP hơn”. Bà Lan phân tích.
Cũng theo Trưởng ban ATTP TPHCM, hiện chúng ta đang tiến đến học tập mô hình kiểm tra kiểm soát nguồn hàng như siêu thị. Trong việc chi phí kiểm nghiệm thực phẩm, các tiểu thương cũng nên có trách nhiệm cùng với BQL chợ dành một nguồn kinh phí tự kiểm nghiệm nguồn thực phẩm mình bán có an toàn không, có chứa chất độc hại không? Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để bà con mua hàng đúng nơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tại nơi kinh doanh hợp pháp.
Huyền Nga - Quỳnh Hương

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN