Xem xét nhiều dự luật rất quan trọng liên quan đến doanh nghiệp, phục hồi kinh tế

Quốc hội sẽ xem xét nhiều dự luật rất quan trọng liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, doanh nhân và phục hồi kinh tế xã hội.
Ngày 7/10/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp gỡ gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam.  
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Hội nghị Trung ương lần thứ tư vừa bế mạc (7/10) đã xem xét, quyết định hai nhóm nhiệm vụ hết sức quan trọng gồm: Kế hoạch kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2022, kế hoạch tài chính, ngân sách 3 năm, thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế. Quốc hội cũng đang rất tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức Kỳ họp thứ 2 dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét nhiều dự luật rất quan trọng liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, doanh nhân và phục hồi kinh tế xã hội; xem xét, quyết định các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, lao động, việc làm của người dân.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công báo cáo, xem xét trong tương quan với các nước phát triển, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nước ta hiện còn khá nhỏ bé và hạn chế. Đặc biệt, trong gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới cộng đồng doanh nghiệp.
Tình hình đặc biệt này đòi hỏi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ phải có cách làm đặc biệt và những quyết sách đặc biệt để giải nguy cho những doanh nghiệp đang khó khăn. Đồng thời, “trong nguy có cơ”, những quốc gia sớm kiểm soát được dịch bệnh, có hệ thống chính sách mới phù hợp với “điều kiện bình thường mới” thì doanh nghiệp sẽ chớp được cơ hội chiếm lĩnh các vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”…
Xem xet nhieu du luat rat quan trong lien quan den doanh nghiep, phuc hoi kinh te
 
Tại cuộc cuộc làm việc, đại diện giới doanh nhân đã kiến nghị cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19. Tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp. Cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động về y tế tại chỗ, tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.
Cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch; duy trì sản xuất an toàn trên quan điểm "vừa sản xuất, vừa chống dịch". Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần quyết liệt thực hiện trong giai đoạn hiện nay…
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, hệ thống pháp luật đã được cải thiện nhiều, tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, thể hiện thực chất hơn quyền tự do kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, minh bạch về điều kiện đầu tư kinh doanh. Nhờ đó, hệ thống pháp luật về sở hữu, về quyền tự do kinh doanh ngày càng được hoàn thiện, là cơ sở để phát triển đồng bộ và vận hành thông suốt, lành mạnh các thị trường, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Mong muốn VCCI và cộng đồng doanh nghiệp hiến kế cho Quốc hội về chiến lược tổng thể phục hồi và phát triển nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII vừa bế mạc, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất sẽ xem xét điều chỉnh chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý và thời điểm phù hợp, phối hợp chặt chẽ hai chính sách này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, kích thích kinh tế phục hồi, phát triển và ngay trong tuần tới các Ủy ban của Quốc hội cùng với các Bộ, ngành liên quan sẽ tiến hành rà soát, xem xét cụ thể việc sử dụng các công cụ chính sách này.
Trao đổi cụ thể với đề xuất của các doanh nhân về việc nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó Covid-19, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, “điều quan trọng để bảo đảm an toàn nợ công là tỷ lệ chi trả nợ, tức là tổng chi trả nợ hàng năm không được vượt quá 25% tổng số thu ngân sách nhà nước. Trần nợ công chỉ là một phần. Phải tính toán cả về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Thống nhất phải có gói chính sách này trên tinh thần chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải đóng góp nhiều hơn cho việc tái thiết, phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân”.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị VCCI nghiên cứu về xu hướng kinh doanh thời hậu Covid – 19, tận dụng cơ hội, xác định những ngành, lĩnh vực nào có thể bứt phá được sau đại dịch…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội và Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, doanh nhân để làm căn cứ thực tiễn trong các chính sách của Quốc hội trong thời gian tới, đồng thời cũng là mục tiêu của Quốc hội hướng tới “Nghị quyết và Chính sách phải mang hơi thở của cuộc sống và đổi mới vì lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp”.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN