Vụ ông Trịnh Văn Quyết bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC: Xử lý thế nào?

Vào năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết đã từng thông báo mua vào 37 triệu cổ phiếu FLC nhưng sau đó lại bán ra 57 triệu cổ phiếu này.
Liên quan đến việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC, gây ảnh hưởng đến thị trường và thiệt hại đến nhà đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Hải, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (Vafi), đề nghị cơ quan quản lý cần phong toả ngay tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết, không để ông này thu lợi bất chính (nếu có). Nếu xem xét có dấu hiệu trục lợi thì phải xử lý nghiêm, thậm chí là hình sự theo luật định.

Theo ông Hải, vào năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết đã từng "đánh úp" nhà đầu tư khi thông báo mua vào 37 triệu cổ phiếu FLC nhưng sau đó lại bán ra 57 triệu cổ phiếu FLC khiến các nhà đầu tư nắm cổ phiếu FLC thiệt hại rất nặng. Thế nhưng sau đó, ông Quyết chỉ bị Ủy ban Chứng khoán xử phạt hành chính... chỉ 65 triệu đồng.

Do đó, ông Hải cho biết Vafi sẽ đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính đề nghị xử phạt nặng hơn đối với ông Trịnh Văn Quyết. Vì hành động của ông Quyết khiến hàng trăm nhà đầu tư thua lỗ, gây bất bình và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Hành vi này đe doạ sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán. 

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), cũng đồng tình với việc phải phong toả tài khoản của các đối tượng mà giao dịch phải công bố thông tin nhưng theo ông đó là câu chuyện dài vì cần có thời gian sửa luật… Ông Tuấn đánh giá hành vi của ông Trịnh Văn Quyết là thiếu chuyên nghiệp, xem thường pháp luật, xem thường nhà đầu tư và không xưng tầm của lãnh đạo doanh nghiệp có tiếng là luật sư. Chính điều này làm hại chính các doanh nghiệp mà ông đang quản lý điều hành.

Theo ghi nhận trên thị trường suốt từ chiều 10-1 đến nay, các nhà đầu tư đang rất trông chờ vào việc cơ quan quản lý xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết như thế nào và có đủ răng đe hay không, bởi nếu xử phạt quá nhẹ thì việc này hoàn toàn có thể lặp lại trong thời gian tới và nhà đầu tư nhỏ là những người thiệt hại đầu tiên.

Theo Luật chứng khoán 2019 cùng với Nghị định 156/2020/NĐ-CP đã có những sửa đổi mới trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, thì với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, mức phạt cao nhất với tổ chức chỉ 3 tỉ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỉ đồng đối với cá nhân.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Và người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà đối với tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán; không giải quyết kịp thời yêu cầu của tổ chức, cá nhân theo quy định; không thực thi các công vụ khác do pháp luật quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

Theo Phạm Đình/Người lao động

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN