VNZ là cổ phiếu đầu tiên vượt mốc 1 triệu đồng, vốn hoá chạm mức 1,25 tỷ USD

Vốn hóa thị trường của VNG đã đạt mức 29.500 tỷ đồng, tương đương hơn 1,25 tỷ USD, gấp gần 4,3 lần thời điểm chào sàn.
 
Ngay từ khi mở cửa phiên 13/2, thị giá VNZ của CTCP VNG lại có thêm một phiên tăng kịch trần tăng 134.000 đồng (+15%) chỉ với 100 cổ phiếu khớp lệnh lên mức giá kỷ lục 1.027.400 đồng/cp với chuỗi 9 phiên liên tiếp. 
Như vậy, VNZ đã trở thành cái tên đầu tiên trong lịch sử chứng khoán Việt Nam chạm đến mức thị giá trên 1 triệu đồng/cp. Vốn hóa thị trường của VNG đã đạt mức 29.500 tỷ đồng, tương đương hơn 1,25 tỷ USD, gấp gần 4,3 lần thời điểm chào sàn.
Tuy nhiên con số này mới bằng một nửa mức định giá là 2 tỷ USD khi VNG thông báo bán ra 355.820 cổ phiếu quỹ với giá 1.861.800 đồng/cp cho Seletar Investments vào cuối tháng 3/2019.
Trước đó, liên tiếp 8 phiên tiếp theo từ 1/2-10/2, VNZ đều tăng trần, với đúng 100 cổ phiếu được bán ra mỗi phiên, bằng một lệnh đặt tối thiểu trên sàn chứng khoán. Qua đó, cổ phiếu VNZ từ 240.000 đồng đã tăng lên 893.400 đồng/cổ phiếu.
VNG cho biết, giá cổ phiếu VNZ tăng hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu cung - cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu VNZ trong thời gian qua.
VNG khẳng định hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.
VNZ la co phieu dau tien vuot moc 1 trieu dong, von hoa cham muc 1,25 ty USD
 VNZ phá kỷ lục của chứng khoán Việt Nam.
Với việc sở hữu 3,53 triệu cổ phiếu VNZ, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Lê Hồng Minh - nhà đồng sáng lập đồng thời là CEO VNG đã xấp xỉ ngưỡng 3.600 tỷ đồng, tăng thêm hơn 2.700 tỷ từ đầu tháng 2.
Trước đó, hơn 35,8 triệu cổ phiếu VNZ chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 5/1 với mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 240.000 đồng/cp.
Dù dư mua với mức giá trần hàng chục nghìn đơn vị trong mỗi phiên nhưng không có cổ phiếu nào được khớp lệnh trong suốt 14 phiên giao dịch (5/1 - 31/1).
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý, thị giá cổ phiếu VNZ tăng mạnh trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý 4/2022 và lũy kế cả năm 2022 của VNG lại kém hiệu quả.
Lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 của VNG lỗ nặng hơn so với cùng kỳ năm trước khi âm 547 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 267 tỷ đồng; lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận âm 1.300 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lỗ 70 tỷ đồng.
Tham vọng niêm yết trên đất Mỹ
Vừa qua, hãng tin Nikkei Asia nêu tên VNG trong danh sách công bố 10 công ty châu Á đáng chờ đợi nhất có thể ra mắt sàn chứng khoán quốc tế trong năm 2023. Trong đó, Nikkei Asia phân tích, động thái đăng ký giao dịch cổ phiếu của VNG trên sàn Upcom (thị trường của những công ty đại chúng chưa niêm yết) vừa qua là phép thử để kiểm tra thị trường trước khi niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán. Ngoài ra, Nikkei Asia cho hay, VNG cũng được cho là đang để mắt tới việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ.
Trước đó, năm 2017, CEO Lê Hồng Minh của VNG và ông Bob McCooey, Phó Chủ tịch Nasdaq, ký thỏa thuận sơ bộ để thúc đẩy quá trình IPO. Nasdaq là sàn chứng khoán lớn thứ hai trên thế giới.
Ở thời điểm đó, ông Minh khẳng định VNG có thể đáp ứng các yêu cầu để đủ điều kiện niêm yết cổ phiếu trên Nasdaq.
Mới đây, tháng 12/2022, trả lời hãng tin Bloomberg, ông Minh cho hay "muốn trở thành một công ty công nghệ toàn cầu", vì vậy, "phải chơi trong cùng một sân chơi và tiếp cận với những nhà đầu tư tốt nhất, khắt khe nhất trên thế giới”.
Hà Thảo

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN