VN-Index tháng 4 giảm đến 130 điểm: Cổ phiếu không còn quá mắc, mức hấp dẫn tăng lên

VN-Index chốt tháng 4 ở mức 1.366,8 điểm, thị trường chứng khoán tháng 4 chứng kiến gần 4 tuần giảm liên tục, VN-Index đã giảm 130 điểm, tương đương mức giảm đến 9% - kịch bản mà gần như chẳng nhà đầu tư nào có thể nghĩ tới.
Đỉnh điểm là phiên 25/4 với mức giảm gần 80 điểm với hàng trăm mã giảm sàn, gây hoang mang tột độ với nhiều nhà đầu tư. VN-Index còn có thời gian xuyên thủng ngưỡng 1.265 điểm trong phiên 26/4.
Theo thống kê, đóng góp vào đà lao dốc của chỉ số VN-Index là VHM với mức giảm hơn 13 điểm, đứng sau là đại diện của các nhóm ngân hàng như BID, TCB, CTG. Trong khi đó các đại diện như BCM, NVL, DGC là các cổ phiếu “gánh” điểm số.
Tại chỉ số HNX-Index, các mã cổ phiếu như THD, IDC, CEO, PVS, L14 lấy mất gần 30 điểm. Mức hỗ trợ đến từ các mã như NVB, KSF, POT,…
VN-Index thang 4 giam den 130 diem: Co phieu khong con qua mac, muc hap dan tang len
 
VN-Index thang 4 giam den 130 diem: Co phieu khong con qua mac, muc hap dan tang len-Hinh-2
 Những cổ phiếu kéo/đạp thị trường trong tháng 4.
Thị trường giảm điểm trùng với động thái tăng cường kiểm soát giao dịch của cơ quan chức năng đối với các cá nhân có dấu hiệu thao túng thị trường chứng khoán, đồng thời xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, hoạt động tăng cường thanh tra, giám sát, xử phạt được cho là có tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư, dù góp phần giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn trong dài hạn.
Có 2 yếu tố có thể giải thích bất hợp lý trên, trước hết là hoạt động đầu cơ, lái giá cổ phiếu giai đoạn này sẽ không dám manh động, trong khi đa phần nhà đầu tư cá nhân ưa thích lướt sóng, mua cổ phiếu đầu cơ, giao dịch theo phân tích kỹ thuật đang bị “kẹp hàng”, khiến lực cầu giảm, kéo theo giá và thanh khoản sụt giảm.
Thứ hai là hiệu ứng lệnh gọi bổ sung ký quỹ (call margin), bán giải chấp (force sell) dần lan rộng, trong đó có cổ phiếu tốt dùng làm tài sản ký quỹ cũng bị bán để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ, khiến thị trường giảm nhanh và mạnh, đặc biệt sau 10h và 14h. Điều này gây ám ảnh các nhà đầu tư trong 1 - 2 tuần qua, khi lực cầu bắt đáy vừa “ấm lên” đã bị “dội nước lạnh”.
Thanh khoản mất hút, nhà đầu tư dần chán thị trường?
Thanh khoản trong nước vô cùng cạn kiệt, tình trạng thanh khoản “mất hút” được chứng kiến rõ nhất trong 3 phiên gần đây, khi thị trường xuất hiện nhịp hồi phục sau chuỗi trượt dốc 218 điểm từ vùng đỉnh lịch sử của VN-Index.
Lý giải về thanh khoản thấp, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng khi thị trường hồi phục thanh khoản thấp là điều dễ hiểu.
Thứ nhất, do thị trường đã trải qua giai đoạn tăng mạnh, tâm lý nhà đầu tư thận trọng, hoài nghi. Bên bán chán không muốn bán, bên mua thì không muốn mua giá cao. Cung giá thấp không còn lớn, cạn cung, cầu thận trọng dẫn đến thanh khoản thấp.
Thứ hai, thị trường đang cận một kỳ nghỉ lễ dài, nhiều nhà đầu tư thận trọng không cố giao dịch để tránh rủi ro thông tin. Trước tết Nguyên đán thanh khoản cũng thấp.
Chúng ta đang ở trong giai đoạn thị trường còn hoài nghi nếu thanh khoản cao lại là tiêu cực người bán sẽ lại tiếp tục bán. Sau kỳ nghỉ lễ sẽ kiểm nghiệm vùng đáy, tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn, dòng tiền sẽ trở lại.
Trong bối cảnh không khí ảm đạm bao trùm thị trường, giao dịch khối ngoại trở thành điểm sáng đáng chú ý khi Số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) cho biết, từ đầu tháng 4 tới nay, khối ngoại đã trở lại mua ròng hơn 3.300 tỷ đồng trên HoSE, trái ngược với việc bán ròng gần 75.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 – 2021 cũng như bán ròng 7.000 tỷ đồng trong quý 1/2022.
Đà mua ròng của khối ngoại những ngày qua có đóng góp không nhỏ từ các nhà đầu tư đến từ Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) khi họ thực hiện giao dịch thông qua các quỹ ETF như DCVFM VN30 ETF, DCVFM VNDiamond ETF hay Fubon FTSE Vietnam ETF.
Mức định giá đang thấp, thị trường sẽ dần hồi phục trở lại
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI đánh giá, khi lãi suất tăng, giá vốn không còn rẻ (cả thế giới đang kiểm soát cung tiền ra thị trường), đây là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán giảm điểm.
Thống kê tại Mỹ cho thấy, trong 2 tháng đầu tăng lãi suất, thị trường chứng khoán luôn điều chỉnh giảm, nhưng sau 12 tháng thì đa số thị trường tăng điểm cao hơn so với trước khi tăng lãi suất.
Theo ông Hưng, P/E năm 2022 của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện khoảng 13,5 lần, là mức định giá khá thấp. Thị trường đang mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho nhà đầu tư so với lúc thị trường tăng nóng.
Tất nhiên, khi thị trường giảm bất kể vì lý do gì thì các nhà đầu tư đang giữ danh mục cổ phiếu đều thấy mất tiền và có cảm giác bi quan, nhưng “sau cơn mưa, trời lại sáng”, việc làm lành mạnh hoá thị trường như mạnh tay với các hành vi vi phạm luôn là yếu tố tích cực nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cả nền kinh tế.
Đội ngũ phân tích của Chứng khoán Yuanta nhận định, rủi ro thị trường vẫn ở mức cao và thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật ngắn hạn. Chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm mạnh vào vùng bi quan quá mức cho thấy thị trường có khả năng xác lập vùng đáy ngắn hạn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và hạn chế bán tháo tại các nhịp giảm hoặc ưu tiên đưa tỉ lệ margin (vay ký quỹ) về mức thấp để tránh bị tình trạng giải chấp.
VN-Index thang 4 giam den 130 diem: Co phieu khong con qua mac, muc hap dan tang len-Hinh-3
 Chuyên gia nhận định như thế nào về thị trường?
Chuyên gia Nguyễn Thế Minh cho biết, hiện tại P/E (thị giá trên thu nhập của một cổ phiếu) của chỉ số VN-Index đang ở mức 14,7 lần, tương đương mức thấp nhất kể từ năm 2020 đến nay.
Điều này cho thấy giá của nhiều cổ phiếu đã không còn quá đắt như trước, mức hấp dẫn tăng lên, cũng là lý do vì sao khối ngoại tăng mua ròng, phù hợp với nhà đầu tư dài hạn.
Trong trường hợp VN-Index lấy lại được mốc 1.400 điểm sau nhiều phiên tăng trở lại, kèm theo thanh khoản tăng dần, thì xu hướng ngắn hạn được xác lập, lúc này những nhà đầu tư đã kịp thời cắt lỗ hoặc bán chốt lời từ trước, hoặc những người có tiền mặt rủng rỉnh có thể mua dần, vì lúc này điểm mua an toàn hơn, tâm lý nhà đầu tư cũng ổn định hơn.
"Mặc dù không có cú khủng hoảng nào như chiến tranh, dịch bệnh... nhưng thị trường giảm mạnh như khủng hoảng xảy ra. Nhà đầu tư cần đưa ra quyết định một cách bình tĩnh để hạn chế rủi ro không đáng có", ông Minh cho hay.
Ngoài ra, mặc dù không ai muốn bán khi lỗ, nhưng nhà đầu tư cũng phải học cách bán ra đúng thời điểm để tối thiểu phần lỗ và tăng phần lãi của tổng danh mục.
Về chiến lược đầu tư, chuyên gia phân tích của Chứng khoán MB (MBS) cho biết, diễn biến giảm điểm mạnh gần đây trở nên khốc liệt vì thị trường đã giảm 3 tuần liên tiếp. Vì khối ngoại vẫn duy trì mạch mua ròng trong 4/5 tuần vừa qua, nên các nhịp giảm vẫn là cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn như các tổ chức. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư ngắn hạn không nên trung bình giá, hạn chế sử dụng margin.
Chuyên gia của MBS cũng khuyến nghị, thông thường sau các phiên giảm sâu thị trường sẽ có nhịp hồi kỹ thuật, nhà đầu tư có thể tận dụng để cơ cấu danh mục hoặc giảm tỉ trọng.
"Sau mỗi đợt giảm, thị trường sẽ thanh lọc, một số nhà đầu tư và cả môi giới sẽ rời thị trường. Nhưng cơ hội vẫn còn nhiều người khác khi thị trường bình ổn trở lại", giám đốc của một công ty chứng khoán lớn chia sẻ.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN