Vimedimex chiếm 2/3 vốn công ty làm đường đổi "đất vàng" HN: Điều gì xảy ra?

Công ty Vĩnh Hưng đang gây chú ý khi được Hà Nội giao làm hơn 1,6 km đường để đổi lấy 60 ha "đất vàng". Trong số các cổ đông của Vĩnh Hưng, Vimedimex "lấn át" với  67,27% vốn, được dư luận đặt nhiều câu hỏi.
Theo Tiền Phong, thời điểm hiện tại Công ty Vĩnh Hưng có 5 cổ đông sáng lập gồm 2 cổ đông là tổ chức và 3 cổ đông là cá nhân. 2 cổ đông là tổ chức gồm Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex góp 67,27% vốn điều lệ và Công ty đầu tư Xây dựng Phát triển nhà số 7 Hà Nội (Handico 7) thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) góp 2% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, theo Báo Đầu tư Bất động sản, việc góp vốn của Vimedimex vào  Công ty Vĩnh Hưng được cho là có nhiều điểm đáng đặt câu hỏi. Cụ thể, thứ nhất, Vimedimex đã không thực hiện công bố thông tin khi góp vốn đầu tư vào Công ty Vĩnh Hưng theo quy định tại Khoản h, tiết 1, Điều 9 Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc công bố thông tin của Công ty đại chúng.
Theo quy định, công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ kể từ khi quyết định tham gia góp vốn thành lập, mua để tăng sở hữu trong một công ty dẫn đến công ty đó trở thành công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết...
Trong khi đó, tại các báo cáo tài chính và các tài liệu công bố thông tin phải thực hiện theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như của HOSE để công khai tới các nhà đầu tư, cổ đông, các cơ quan quản lý nhà nước của Công ty Vimedimex từ năm 2014 cho đến hết năm 2016 không thể hiện bất cứ một nội dung báo cáo nào về việc công ty này thực hiện góp vốn vào Công ty Vĩnh Hưng.
Vimedimex hiện sở hữu hơn 67% vốn điều lệ tại Vĩnh Hưng. Ảnh: Báo Đầu tư Bất động sản. 
Điểm nghi vấn thứ 2, theo thông tin về đăng ký kinh doanh được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cung cấp, vốn điều lệ của Công ty Vĩnh Hưng là 4.500 tỷ đồng, Công ty Vimedimex góp 67,27 % vốn điều lệ, tương đương với 3.027 tỷ đồng. Tuy nhiên, có nhiều dấu hỏi về năng lực thực sự của Công ty Vimedimex so với số vốn góp vào Vĩnh Hưng.
Bởi từ năm 2014 đến nay, vốn điều lệ của Vimedimex chỉ dao động trong khoảng 81 - 154 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ ở mức 186 - 268 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính đã kiểm toán của Vimedimex các năm 2014, 2015 và 2016); tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Công ty giai đoạn từ 2014 đến nay chỉ đạt 38 - 43 tỷ đồng/năm - con số quá khiêm tốn so với hàng ngàn tỷ đồng Vimedimex "rót" vào Vĩnh Hưng.
Ngoài 2 điểm nghi vấn trên, dư luận còn băn khoăn đến giả thiết: Điều gì sẽ xảy ra nếu cổ đông lớn nhất là Vimedimex được "đại diện" Vĩnh Hưng để trực tiếp triển khai dự án 1,6 km đường, đổi lấy "đất vàng" Hà Nội? Nếu giả thiết này được thực hiện thì "hồ sơ" năng lực của Công ty vốn hoạt động trong lĩnh vực ngành Dược ra sao? Vimedimex sẽ triển khai dự án thông qua thương hiệu bất động sản nào?
Theo Người Đưa Tin, Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex Group) tiền thân là Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex – Vimedimex Pharma. Sau nhiều năm hoạt động y dược phẩm, công ty này tham gia vào nhiều lĩnh vực mới để trở thành một tập đoàn đa ngành gồm: Dược phẩm, Y tế, Tài chính... Riêng lĩnh vực bất động sản, từ năm 2014, Tập đoàn dược phẩm Vimedimex đã đặt viên gạch đầu tiên xây nên ngành kinh doanh bất động sản của mình với thương hiệu Vimefulland.
Các dự án bất động sản của Vimefulland khá đa dạng điển hình có dự án Belleville Hà Nội tại quận Cầu Giấy với diện tích 1,57ha; Dự án Emerald Center Park tại quận Nam Từ Liêm với diện tích 1,9ha; Dự án The Eden Rose tại huyện Thanh Trì với diện tích 8ha; Dự án Bel Air Hà Nội tại quận Nam Từ Liêm với diện tích 2,5ha; Dự án Palatium Mari Resort tại Đà Nẵng với diện tích 177,2ha; Dự án Annecy Garden quận Hoàng Mai với diện tích 25ha; Dự án The Grand Sevilla tại quận Hai Bà Trưng với diện tích 54,5ha; Dự án Torre Agbar Parkview tại quận Hoàng Mai với diện tích 1,68ha....
Tuy nhiên, có không ít dự án của thương hiệu này từng bị báo chí nhắc đến bởi một số nhược điểm. Ví dụ như dự án The Emerald Mỹ Đình (thuộc thôn Đình Thôn, Mỹ Đình – Mễ Trì, Phường Mỹ Đình 1, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tuy được giới thiệu có view đẹp xong trên thực tế lại có hướng nhìn trực diện Khu nghĩa trang.
Tương tự như The Emerald, dự án The Eden Rose (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) tuy được quảng cáo với những lời có cánh xong lại bị mương thối bủa vây gây ô nhiễm môi trường.
Còn theo thông tin trên Reatimes, dự án Belleville Hà Nội (lô đất B4, KĐT Nam Trung Yên, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị nghi vấn biến đổi mục đích sử dụng quỹ đất, bán chênh chục tỷ nhằm trốn thuế...
Quay trở lại việc Công ty Vĩnh Hưng được giao làm 1,6 km đường Hà Nội, khả năng Vimedimex trực tiếp triển khai dự án qua thương hiệu bất động sản Vimefulland cho đến giờ vẫn chỉ là giả thiết và đang được dư luận thực sự quan tâm, dõi theo.
Hồng Liên (Tổng hợp)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN