Vì sao HDBank muốn phát hành trái phiếu quốc tế?

HDBank sẽ xin ý kiến cổ đông về việc phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế huy động vốn.
HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, HoSE: HDB) vừa quyết định lấy ý kiến cổ đông băng văn bản về việc phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế và các vấn đề khác.
Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng là 23/11, HDBank dự kiến lấy ý kiến cổ đông từ ngày 5/12.
HDBank cũng vừa báo cáo kết quả mua lại trái phiếu được phát hành ngày 10/11/2020 và ngày đáo hạn vào 10/11/2027. Khối lượng trái phiếu mua lại là 500 tỷ đồng. Trái phiếu này có lãi suất cố định 8,5%/năm, là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm và thoả mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của HDBank theo quy định. 
Trên thị trường chứng khoán, không nằm ngoài ảnh hưởng chung, cổ phiếu HDB đã giảm tới 14% trong vòng 1 tháng qua và tới gần 35% tính cả năm, chốt phiên 14/11 tại mức 14.600 đồng/cp, tương ứng vốn hóa còn 36.723 tỷ đồng. 
Trước đó hồi tháng 9, HDBank đã phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 25%. Sau phát hành, vốn điều lệ của HDBank tăng từ 20.273 tỷ đồng lên 25.303 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được dành khoảng 3.000 tỷ để bổ sung nguồn vốn cho vay trung dài hạn, phần còn lại sẽ bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác.
Bên cạnh đó, HDBank cũng dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Cổ phiếu phát hành bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng ba năm kể từ ngày phát hành. Thời gian thực hiện phương án này là ba năm từ năm 2021 đến hết năm 2023 và được phát hành thành nhiều đợt.
Vi sao HDBank muon phat hanh trai phieu quoc te?
 HDB lãi 9 tháng tăng gần 30%.
Về tình hình kinh doanh, 9 tháng 2022, hoạt động chính của HDBank đem về hơn 13.079 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 29% so với cùng kỳ. 
Sau khi dành ra 2.123 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 61%), HDBank vẫn lãi trước thuế 8.016 tỷ đồng, tăng 32% so cùng kỳ và đạt 82% kế hoạch năm.
Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của HDBank tăng 7% lên gần 399.153 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 17% (còn 9.869 tỷ đồng), tiền gửi tại các TCTD khác giảm 14% (47.779 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 21% (246.497 tỷ đồng)… Tiền gửi khách hàng tăng 13% so với đầu năm, lên mức 207.780 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tính đến 30/9/2022 gần 3.791 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1,65% đầu năm xuống còn 1,54%.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN