Vì sao cổ phiếu ngành phân bón đang hút dòng tiền?

Giá phân bón tăng mạnh trong thời gian gần đây hỗ trợ tích cực cho đà tăng của nhóm cổ phiếu phân bón đã đóng băng khá lâu.
Từ đầu năm 2021, giá phân bón thế giới tăng kéo giá trong nước tăng theo. Trung tuần tháng 6, xu hướng này tiếp tục với hầu hết các dòng phân bón phục vụ vụ hè thu.
Thị trường phân bón trong nước cũng liên thông giao thương 2 chiều với thị trường lân cận như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc,… nên xu hướng tăng giá chung của thế giới thẩm thấu vào thị trường nội địa rất nhanh.
Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021 giá phân bón, đặc biệt là giá DAP, urea tăng khá cao. Số liệu của World Bank cho biết, giá DAP ngay tháng 4/2021 tăng 54% so với tháng 9/2020.
Nguyên nhân của việc tăng giá trên được giải thích là do giá tăng nguyên liệu, ví dụ ammonia tháng 4/2021 tăng tới 60% so với tháng 9/2020, giá vận chuyển tăng, do dịch Covid-19 khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa.
Vi sao co phieu nganh phan bon dang hut dong tien?
 Cổ phiếu phân bón trên đà bứt phá mạnh,
Lý do chính khiến 6 tháng đầu năm 2021 giá phân bón tại Việt Nam tăng cao xuất phát từ việc giá nguyên liệu sản xuất phân bón trên thế giới tăng mạnh, thậm chí có mặt hàng đã tăng bằng lần như axit sunphuaric H2SO4, nguyên liệu chính sản xuất DAP và các loại phân bón có chứa lưu huỳnh, đạm...
Thống kê cho thấy giá nguyên liệu sản xuất và giá phân bón thế giới tháng 6/2021 so với tháng 12/2020 như sau: ure tăng 62%, DAP tăng trên 54%, Kali tăng 45%, Acid H2SO4 và Ammonia tăng hàng trăm %.
DDV, LAS, DCM,... đi ngược thị trường
Bối cảnh này đã giúp nhiều cổ phiếu phân bón bứt phá trong 1 tháng qua bất chấp các phiên điều chỉnh của thị trường sau đà tăng nóng. Một số doanh nghiệp ngành phân bón trên sàn chứng khoán gồm có Đạm Cà Mau (DCM), Đạm Phú Mỹ (DPM), DAP Vinachem (DDV), Phân bón Bình Điền (BFC), Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) và Phân bón Miền Nam (SFG).
Trong đó, tăng mạnh nhất phải kể đến cổ phiếu DDV tăng 45% từ giá 10.800 đồng/cp lên 15.800 đồng/cp trong vòng 1 tháng. Cổ phiếu LAS cũng tăng 30% lên 14.400 đồng/cp. Nhiều cổ phiếu khác có mức tăng giá trên 20% trong 1 tháng như DCM, BFC, DGC, DPM, PCE.
Bên cạnh thị giá cổ phiếu tăng mạnh thì nhiều doanh nghiệp phân bón cũng đã ước tính sơ bộ kết quả kinh doanh trong 5 tháng qua rất khả quan.
Theo đó, Đạm Phú Mỹ cho biết lũy kế 5 tháng, sản lượng sản xuất các sản phẩm đều hoàn thành hoặc vượt mức kế hoạch, trong đó sản lượng NPK Phú Mỹ sản xuất vượt kế hoạch 17% và tăng 69% so với cùng kỳ 2020. Về mặt tiêu thụ, hầu hết các sản phẩm đều vượt kế hoạch và tăng so với năm 2020, riêng sản phẩm NPK Phú Mỹ vượt 5% kế hoạch và tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Trong 5 tháng đầu năm, Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết đã cung ứng khoảng 326.857 tấn phân bón các loại ra thị trường, trong đó phân bón NPK-S đạt khoảng 212.749 tấn; Supe lân đạt khoảng 114.109 tấn.
Dự kiến trong tháng 6, công ty sẽ tiếp tục đưa khoảng 56.000 tấn phân bón Lâm Thao ra thị trường. Như vậy, nửa đầu năm, số lượng phân bón công ty bán ra thị trường khoảng 419.000 tấn, tương đương 55% thực hiện cả năm 2020.
Đạm Hà Bắc cũng ghi nhận kết quả khả quan khi 5 tháng cung cấp cho thị trường trong nước 210.000 tấn urê quy đổi, thực hiện 48% so với kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch năm và tăng 20% so với 5 tháng 2020.
Vi sao co phieu nganh phan bon dang hut dong tien?-Hinh-2
 Cổ phiếu nhóm phân bón giao dịch tích cực trong phiên chiều 21/6.
Công ty chứng khoán khuyến nghị sang ngành phân bón
Với kỳ vọng bứt phá, nhiều công ty chứng khoán đã khuyến nghị nhà đầu tư mua cổ phiếu ngành phân bón.
Chứng khoán MB (MBS) cho rằng DPM có thể đạt sản lượng kinh doanh phân bón và hóa chất các loại với 1,27 triệu tấn, tăng 3% so với 2020, Doanh thu đạt 9.473 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 977 tỷ, lần lượt bằng 122% và 115% so với 2020. Định giá cổ phiếu ở mức 23.300 đồng/cp và khuyến nghị mua.
Còn Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định, giá khí nguyên liệu, giá phân bón sẽ tăng cao trong năm 2021. Theo đó, giá dầu dự báo tăng ở mức trung bình 60 USD/thùng khiến giá khí nguyên liệu tăng cao.
Đồng thời, nguồn cung phân bón đang hạn chế do thiếu hụt từ lượng nhập khẩu, nhất là từ thị trường Trung Quốc và việc nông sản được giá cũng là yếu tố hỗ trợ gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón.
Trong bối cảnh đó, DCM ghi nhận kết quả kinh doanh khá thuận lợi từ quý đầu năm. PSI khuyến nghị mua DCM với giá mục tiêu 22.900 đồng/cp theo phương pháp chiết khấu dòng tiền.
Chứng khoán FPT (FPTS) cũng đánh giá, với triển vọng ngành khả quan trong năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp phân bón nội địa đều được hưởng lợi.
Chúng tôi đưa ra khuyến nghị “khả quan” đối với ngành phân bón Việt Nam năm 2021. Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành, có năng lực cạnh tranh và tình hình tài chính tốt (DPM), hoặc doanh nghiệp có triển vọng xuất khẩu sản phẩm ra các nước khu vực Châu Á (DCM và BFC).
Chính sách thuế GTGT nếu được đề xuất và Quốc hội thông qua trong năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp nội địa đều được hưởng lợi (trong đó LAS được hưởng lợi lớn nhất)”, FPTS chia sẻ.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN