Trước thềm chốt quyền nhận cổ phiếu, thị giá VPB đang giảm có nên mua?

7/10 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB).
Theo đó, VPB sẽ phát hành khoảng 1,53 tỷ cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 62,15% và phát hành thêm 440,8 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông tỷ lệ 17,84%, tương ứng tổng lượng phát hành hơn 1,97 tỷ cổ phiếu.
Hiện vốn điều lệ của VPBank ở mức gần 25.300 tỷ đồng. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng lên hơn 45.057 tỷ đồng.
Truoc them chot quyen nhan co phieu, thi gia VPB dang giam co nen mua?
 
Trước thềm chốt quyền nhận cổ tức và cổ phiếu thưởng, cổ phiếu VPB đã ghi nhận phiên thứ 7 liên tiếp giảm, tương ứng giảm hơn 12% trong vòng 3 tháng qua khi đang giao dịch quanh mốc 62.000 đồng/cp trong phiên sáng 6/10.
Tuy giá giảm nhưng khối lượng giao dịch vẫn rất sôi động khi bình quân gần 10 triệu đơn vị mỗi phiên.
Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2021, VPBank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngân hàng riêng lẻ đóng góp 88% vào lợi nhuận hợp nhất.
Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp cùng với những thông tin từ thị trường thế giới như cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande hay những dấu hiệu của FED cho thấy tổ chức này có thể sẽ tiến hành thắt chặt thanh khoản (“tapering”) từ cuối năm nay đã tác động đến thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước.
Chỉ số VN-Index dao động tìm xu hướng xung quanh mức 1350 điểm và thanh khoản thị trường cũng có sự sụt giảm nhẹ với mức trung bình vào khoảng hơn 19 nghìn tỷ đông/phiên trong tuần gần nhất so với khoảng 23 nghìn tỷ đồng/phiên trong tuần trước đó. Trong đó, những diễn biến liên quan đến ngành ngân hàng nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả bởi vai trò dẫn dắt chỉ số đã làm dấy lên những ý kiến trái chiều về diễn biến của ngành trong các tháng cuối năm 2021 cũng như 2022.
Một số ý kiến cho rằng việc cổ phiếu ngành ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021 đã khiến cho định giá của ngành này không còn hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh KQKD quý 3/2021 được kỳ vọng sẽ kém khả quan do ảnh hưởng của đại dịch.
Trong khi đó, một luồng ý kiến khác lại cho rằng việc hầu hết các ngân hàng có sự chuẩn bị tốt trong năm 2020 nhờ KQKD tích cực, củng cố thêm bảng CĐKT sẽ giúp các ngân hàng có thể đối phó với tình hình khó khăn trong Q3, ngoài ra việc nhu cầu tín dụng được kỳ vọng sẽ bùng nổ trở lại trong Q4/2021 đến từ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất phục hồi sẽ giúp cải thiện KQKD cho cả năm 2021.
Những khó khăn mà đại dịch Covid-19 đem đến là điều đã được dự đoán từ trước và việc các ngân hàng chịu ảnh hưởng là khó tránh khỏi do là đầu tàu của nền kinh tế, tuy nhiên theo nhận định của chuyên gia chứng khoán MBS triển vọng của ngành vẫn rất tích cực.
Trong trung và dài hạn ngành ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục dẫn dắt TTCK cũng như nền kinh tế, ngoài ra những yếu tố vĩ mô thuận lợi như nền kinh tế tăng trưởng cao đi cùng với khối NHTMCP đóng vai trò ngày càng lớn trong hệ thống sẽ giúp hoạt động của ngành đạt hiệu quả cao hơn.
Ngành Ngân hàng đã có nhịp điều chỉnh từ đầu tháng 7/2021 đến nay, tuy rằng không còn quá hấp dẫn so với mức định giá năm 2020 nhưng cũng tạo ra các cơ hội đầu tư với tiềm năng tăng giá cao.
Việc thị trường đang lo ngại KQKD Q3/2021 của ngành ngân hàng bị ảnh hưởng dẫn đến việc quyết định bán ra cổ phiếu, qua đó đưa mức định giá của một số ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh và tiềm năng tăng trưởng cao về mức dưới giá trị thực. Do vậy, có thể xem thời điểm này là thời điểm tốt để xem xét lựa chọn các ngân hàng có câu chuyện riêng để tích lũy trong trung - dài hạn; trong đó, VPB nổi lên như là một trong những lựa chọn hàng đầu dựa trên những thông tin tích cực đã được công bố cùng với mức định giá được đánh giá là rất hấp dẫn so với ngành và thị trường chung.
Từ góc nhìn định giá, có nhiều phương pháp được sử dụng bởi các nhà phân tích trong việc xác định giá trị của cổ phiếu, dựa trên những mục đích nhìn nhận khác nhau và ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp hay mục tiêu phân tích của mỗi chuyên gia phân tích mà từ đó ta sẽ dùng một phương pháp phù hợp. Tuy nhiên trong khuôn khổ của bài viết này chúng tôi sẽ tập trung vào chỉ tiêu về định giá tương đối được sử dụng rộng rãi vì tính dễ hiểu và tính toán khá đơn giản là P/E và P/B.
Với chỉ số P/E, đây là chỉ tiêu so sánh thị giá của một cổ phiếu (P: price per share) và lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu (E: Earnings per share). Ý tưởng là tìm các khoản đầu tư cho điểm hòa vốn sớm nhất có thể thông qua mức giá phải trả không quá cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp.
Với cùng mức kỳ vọng của NĐT về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, những doanh nghiệp có mức P/E cao hơn được xem là “overvalued” hay “giao dịch trên giá trị thực”, ngược lại những cổ phiếu có P/E thấp hơn được xem là “undervalued” hay “giao dịch dưới giá trị thực”.
Nhược điểm của chỉ số này ở chỗ, khi kỳ vọng lợi nhuận tương lai không rõ ràng thì NĐT thường phải dựa vào tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong quá khứ để nhận định, tuy nhiên bản chất việc này hàm chứa rủi ro thao túng, không chính xác với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thực của doanh nghiệp.
Thêm nữa, chỉ số PE như tên gọi của nó là lấy giá tại một thời điểm chia cho thu nhập 4 quý gần nhất (EPS) suy cho cùng cũng chỉ phản ánh được tương quan giữa giá và thu nhập tại thời điểm đó mà không cho thấy khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp thế nào, yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng tới chỉ số PE sau này. Do vậy, có thể thấy chỉ dựa vào P/E chúng ta sẽ không đưa ra được kết luận đầy đủ và khách quan nhất.
Vì vậy, các nhà phân tích thường dùng thêm chỉ số so sánh P/B, đây là một chỉ số thông dụng với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt trong ngành tài chính - ngân hàng. Khác với P/E, P/B dùng thị giá cổ phiếu so sánh với giá trị sổ sách của ngân hàng trên mỗi cổ phiếu (B: Book value per share) tại thời điểm hiện tại.
Ý tưởng của tỷ lệ P/B (giá/ giá trị sổ sách) là mua được những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả dưới giá trị tài sản ròng hay còn được biết đến với tên giá trị sổ sách hoặc vốn chủ sở hữu. Vì giá trị sổ sách phản ảnh những thành quả mà các doanh nghiệp đạt được tích lũy qua thời gian dài nên chỉ số này có thể khắc phục được nhược điểm của P/E đến từ việc lựa chọn mẫu số.
Có thể đưa ra kết luận sơ bộ về mức độ hợp lý của một cổ phiếu khi so sánh P/B của cổ phiếu đó với trung bình ngành, trong đó trên hơn trung bình ngành sẽ xem là cao hơn giá trị thực và ngược lại.
Với phân tích kết hợp đồng thời 2 chỉ số này có thể kết luận VPB là một cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị thực so với thành quả đã đạt được và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Đối với chỉ số P/E, với lợi nhuận trên mỗi cổ phần trong 4 quý gần nhất của VPB đạt khoảng 5,000đ/cp cùng với mức thị giá chốt phiên giao dịch ngày 4/10 ở mức 63,000đ/cp, như vậy có thể thấy mức P/E của VPB hiện tại vào khoảng 12.8.
So sánh với mức P/E bình quân của 17 ngân hàng lớn nhất trên sàn vào khoảng 13.3, ta có thể thấy rằng hiện tại VPB đang có định giá rất hấp dẫn so với trung bình ngành, đặc biệt trong bối cảnh các chỉ số thể hiện mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu (“ROE”) và mức sinh lời trên tổng tài sản (“ROA”) của VPBank đều thuộc nhóm dẫn đầu ngành.
Mặc dù quy mô VCSH của VPB đã tăng lên hơn mười lần từ 2011, ROE của ngân hàng này vẫn tiếp tục nằm trong top đầu nhờ vào lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, trong khi ROE năm 2020 được ghi nhận là 22% thì trong kết thúc 6 tháng đầu năm 2021 là 25.7% và trong cùng kỳ ROA đạt 3.3% tăng trưởng vượt trội so với 2.6% năm 2020.
Trong thời gian tới, với việc nguồn tiền từ thương vụ FECredit (gần 1.4 tỷ USD) được ghi nhận vào vốn chủ sở hữu của VPBank cùng với lợi nhuận giữ lại từ hoạt động kinh doanh trong năm 2021 và phát hành riêng lẻ 15% thành công cho đối tác chiến lược, quy mô vốn chủ sở hữu của VPB được kỳ vọng sẽ đạt khoảng 120 nghìn tỷ đồng, tương đương mức giá trị sổ sách hơn 42,000đ/cp. Như vậy, với mức thị giá vào khoảng 63,000đ/cp, mức P/B hiện tại của VPB vào khoảng 1.50, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của ngành ngân hàng ở mức 2.2x. Nói cách khác, ta cũng có thể kết luận cổ phiếu VPB đang giao dịch dưới giá trị thực khi dùng P/B.
Thông qua việc định giá tương đối với chỉ số P/E và P/B, có thể thấy VPBank là một điểm sáng trong khối ngân hàng tư nhân với thế mạnh vượt trội từ tầm nhìn chiến lược được hiện thực hoá và kết quả kinh doanh vượt trội. Bên cạnh đó, ngân hàng không ngừng vạch ra và hoàn thiện các kế hoạch phát triển cũng như mở rộng quy mô trong tương lai với nhiều mục tiêu cụ thể như top đầu về vốn chủ sở hữu, dẫn đầu về vốn điều lệ và trở thành top 3 ngân hàng giá trị nhất Việt Nam.
Do vậy, có thể kết luận VPBank có đầy đủ điều kiện về mặt giá trị lẫn tăng trưởng để có được mức định giá từ mức trung bình ngành trở lên, hàm ý tiềm năng tăng giá của cổ phiếu VPB là từ 30% trở lên trong 3 tháng tới. Với nội tại vững vàng và định giá còn rất hấp dẫn, có thể kết luận những biến động trong ngắn hạn của thị trường chính là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng vị thế, hướng đến những phần thưởng lớn lao hơn trong dài hạn.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN