Tín dụng bật tăng sau giãn cách khi nợ xấu vẫn tiềm ẩn

Trong những ngày cuối của tháng 11, anh Lâm, nhân viên tín dụng một ngân hàng thuộc nhóm Big 4 chia sẻ đã vượt chỉ tiêu năm nay gần 10 tỷ đồng. Vào quý III, tình hình dịch bệnh khiến việc giải ngân chững lại. Điều này từng khiến anh lo ngại. Tuy nhiên, sau khi chấm dứt giãn cách, nhu cầu tín dụng tăng nhanh. Hai tháng gần đây, thời gian làm việc của anh Lâm có thể tăng lên 10 tiếng/ngày để xử lý hồ sơ giải ngân, song song kiểm soát nợ và nhắc khách hàng trả nợ đúng hạn.
Sức bật của tín dụng được thể hiện qua con số vừa được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tiết lộ. Từ đầu năm đến cuối tháng 11, tăng trưởng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,1%. Cuối tháng 10, con số này là 8,7% và cuối tháng 9 là 7,17%. Trong 2 tháng sau khi phần lớn các địa phương mở cửa trở lại, tín dụng tăng gần 3 điểm phần trăm, bằng gần một nửa 3 quý trước, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng. Trong tháng 9 - thời gian giãn cách, tín dụng giảm 0,23 điểm phần trăm, tương đương khoảng 30.000 tỷ đồng.
Quý IV hàng năm vẫn được xem là thời gian bứt tốc của các ngân hàng. Năm 2020, trong 3 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã nâng từ 6% lên trên 12%. Giải ngân quý cuối năm có thể tương đương tổng ba quý trước.
Tin dung bat tang sau gian cach khi no xau van tiem an
 Giải ngân tín dụng tăng nhanh trong 2 tháng qua. Ảnh: B.L.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất thấp cũng được nhận định là yếu tố thu hút khách hàng. Theo bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1% trong năm 2020 và xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2021 với mức giảm khoảng 0,66%.
Thời gian qua, các ngân hàng cũng tung ra nhiều chương trình ưu đãi, kích thích tín dụng, bù đắp lại khoảng thời gian chững lại vì giãn cách. Đơn cử VPBank có chương trình cho vay mua bất động sản với lãi suất từ 5,9%/năm đến 31/12; Sacombank cũng công bố dành 10.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh, mua - xây sửa bất động sản, mua xe ô tô với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, thời hạn ưu đãi lên đến 12 tháng; TPBank phối hợp với Ford Việt Nam ưu đãi độc quyền dành riêng cho khách hàng vay mua xe Ford Transit Luxury… Theo NHNN chi nhánh TP HCM, giải ngân tín dụng ưu đãi lãi suất trên địa bàn tăng 120% so với gói tín dụng 11 tổ chức tín dụng đăng ký vào đầu năm.
Mặt khác, NHNN cũng đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong quý IV với mức tăng 1-6 điểm phần trăm tùy từng đơn vị, đây là cơ sở để các tổ chức tín dụng “bung sức” trong những tháng mùa vụ. TPBank là ngân hàng được cấp 'room' tăng trưởng cao nhất với 23,4% cho năm 2021, tăng so với mức 17,4% trước đó. Ba ngân hàng khác được giao tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay gồm Techcombank 22,1%, MSB 22% và MBB 21%. Các ngân hàng khác cũng được nới room tín dụng như VIB 19,1%, VPBank 17,1%, Vietcombank 15%..
Tin dung bat tang sau gian cach khi no xau van tiem an-Hinh-2
 
Theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research, việc nâng “room” tín dụng sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trong điều kiện nhiều đơn vị đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Dựa trên hạn mức mới, SSI Research ước tính tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 khoảng 13%.
Đồng quan điểm, BSC cho rằng dịch bệnh lần 4 với quy mô rộng sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng cho nửa sau năm 2021, và việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% là có thể đạt được. Trong năm 2022, dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao 13%, được hỗ trợ bởi hai yếu tố. Thứ nhất là tiếp tục hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh. Thứ hai là gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2-3 năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Thận trọng giải ngân, kiểm soát nợ xấu
Dù quan điểm của NHNN là không kìm hãm giải ngân và nới "room" tín dụng với các ngân hàng đủ tiêu chuẩn để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế, cơ quan này vẫn có sự thận trọng. Hiện nay, theo đánh giá của các ngân hàng, có 4 yếu tố để NHNN nâng hạn mức tín dụng. Thứ nhất là chỉ số tài chính, quản trị rủi ro của mỗi ngân hàng gồm hệ số an toàn vốn (CAR), nợ quá hạn, nợ xấu... Thứ hai là mức độ phân tán về các lĩnh vực cho vay trong cơ cấu dư nợ. Thứ ba là các ngân hàng phải tham gia các chương trình hỗ trợ nền kinh tế như giảm lãi vay, cơ cấu nợ... Cuối cùng là ngân hàng có tham gia vào những chương trình hỗ trợ khác như cứu trợ ngành hàng không.
Mặt khác, trong văn bản trả lời đề xuất của cử tri về việc nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, Thống đốc NHNN từng đề cập điều này có thể làm giảm chất lượng dư nợ, tăng nợ xấu. Bởi vậy, tổ chức tín dụng (TCTD) cần cân nhắc kỹ lưỡng tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động. 
Tin dung bat tang sau gian cach khi no xau van tiem an-Hinh-3
 Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: SBV
Theo CTCK Yuantas Việt Nam (YSVN), dư nợ cho vay được phân loại vào nhóm nợ xấu ở mức khoảng 1% tổng tài sản ngành ngân hàng. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do chính sách hỗ trợ của NHNN yêu cầu các ngân hàng tạm hoãn việc phân loại các khoản cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch vào nhóm nợ xấu. Dư nợ đã được tái cơ cấu nhưng chưa được xếp vào nhóm nợ xấu chiếm khoảng 4% tổng tài sản ngân hàng. Vì vậy, nếu dư nợ tái cơ cấu được xếp vào nhóm nợ xấu, thì tỷ lệ tổng nợ xấu/tài sản sẽ khoảng 5% - đây là một con số khá lớn.
Nếu bao gồm cả khoản dư nợ được miễn/giảm lãi suất và khoản dư nợ được hưởng lãi suất ưu đãi, tổng dư nợ có vấn đề sẽ bằng 2/3 tổng tài sản ngành ngân hàng và gần bằng 9 lần vốn chủ sở hữu của các ngân hàng. Dù vậy, CTCK không cho rằng toàn bộ khoản dư nợ chưa được phân loại đều trở thành nợ xấu và sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng, nhưng quy mô tài sản bị ảnh hưởng bởi Covid của các ngân hàng rõ ràng là rất lớn, và con số này tăng trong thời kỳ giãn cách xã hội quý III.
Báo cáo trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đề cập khi Covid-19 đến trong năm 2020 và năm 2021, NHNN đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Kim Anh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Kết quả này được dự báo trên cơ sở ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo các thông tư về cơ cấu nợ ảnh hưởng bới Covid-19.
Theo Lê Hải/NDH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN