Thời điểm vàng gom cổ phiếu ngành bán lẻ FRT, MWG, PNJ

Với kết quả kinh doanh tích cực đầu quý 4, các chuyên gia khuyến nghị nên canh mua những cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ để chờ 'cơn sóng lớn'.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2021 đạt hơn 3,7 triệu tỷ đồng. Mặc dù giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng đây cũng là con số đáng ghi nhận sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh.
Có thể thấy, sự phục hồi của của nền kinh tế sau đại dịch sẽ giúp các yếu tố vĩ mô trở nên tích cực hơn, bao gồm cả mức thu nhập của người tiêu dùng. Đây chính là động lực tăng trưởng lớn cho ngành bán lẻ về dài hạn.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng sẽ là nhóm hồi phục nhanh nhất trong những quý tới đây khi Việt Nam đạt được đủ tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ.
Thoi diem vang gom co phieu nganh ban le FRT, MWG, PNJ
Cổ phiếu ngành bán lẻ rất tiềm năng trong quý 4/2021 
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, bằng cách quan sát xu hướng doanh thu của các công ty quốc tế trong 3 ngành hàng chính gồm: thời trang và phụ kiện; mỹ phẩm; dịch vụ nhà hàng và quầy uống, VCSC tin tưởng rằng tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát phần lớn và Chính phủ bắt đầu mở cửa trở lại tất cả các hoạt động kinh tế, ngành bán lẻ sẽ trải qua sự phục hồi mạnh mẽ.
Kỳ vọng này một phần được thúc đẩy bởi xu hướng "mua sắm bù", được định nghĩa là người tiêu dùng bù đắp thời gian đã mất bằng việc gia tăng chi tiêu.
VCSC đã chọn các công ty hàng đầu với danh mục thương hiệu toàn cầu và mạng lưới bán lẻ rộng khắp để đưa ra xu hướng bán hàng phổ biến nhất giai đoạn 2018-2021.
Tất cả các công ty được chọn đều có doanh số giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2020 (đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên trên toàn cầu) và sau đó đều ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối 2020 và 6 tháng 2021.
Theo Chứng khoán VNDirect, nhóm ngành bán lẻ sẽ được hưởng lợi lớn khi nhu cầu tiêu dùng cuối năm của người dân tăng cao. Sau khi kết thúc giãn cách, nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén nhiều tháng qua sẽ bùng nổ.
Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm nhiều dịp lễ cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy mua sắm và chi tiêu. Nhờ đó, các ngành hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống sẽ hồi phục nhanh trong quý 4.
Trên thị trường chứng khoán, những phiên gần đây cho thấy, sau thời gian im ắng, các doanh nghiệp bán lẻ đang trở nên sôi động hơn.
Đơn cử, trong phiên ngày 23/11, nhiều nhóm cổ phiếu thị trường điều chỉnh mạnh, song cổ phiếu PNJ vẫn tăng 1,6% đóng cửa ở mức giá 105.700 đồng/cp. MSN cũng tăng mạnh 4,4% lên 156.500 đồng/cp.
Tương tự, MWG là điểm sáng trong phiên khi tăng 3,2% và hình thành đỉnh mới. Bên cạnh đó, FRT tăng thêm 5,5% lên mức 59.000 đồng/cp, trong khi đó DGW chỉnh nhẹ sau chuỗi ngày tăng nóng.
Một điểm đáng chú ý là khối ngoại duy trì mua ròng lượng lớn cổ phiếu bán lẻ MSN (116 tỷ đồng) và DGW (44 tỷ đồng) trong phiên trước đó vào 16/11.
Thoi diem vang gom co phieu nganh ban le FRT, MWG, PNJ-Hinh-2
 Cổ phiếu bán lẻ dần phục hồi sau đại dịch.
Kết quả kinh doanh bước đầu thấy sự phục hồi 
Thực tế, nhìn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có thể thấy rõ những dấu hiệu phục hồi của ngành bán lẻ. Có thể kể đến trường hợp của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), sau thời gian ảm đạm, PNJ đã “lấp lánh” trở lại từ tháng 10.
PNJ báo cáo doanh thu sơ bộ tháng 10/2021 tăng trưởng ở mức từ 12-15% so với tháng 10/2020, củng cố đà phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn giãn cách xã hội.
Trước đó trong quý 3/2021, doanh thu của doanh nghiệp này chỉ đạt 877 tỷ đồng, giảm 77,6% so với cùng kỳ năm 2020 do 80% cửa hàng phải đóng cửa khoảng 10 tuần đến giữa tháng 9/2021 vì trạng thái giãn cách xã hội. Do đó, PNJ ghi nhận khoản lỗ ròng 160 tỷ đồng, trong khi quý 3/2020 công ty lãi ròng 202 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cũng công bố kết quả kinh doanh tháng 10 với doanh thu thuần đạt 12.186 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế tương ứng thu về 568 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ và là mức lãi cao nhất từng đạt được. So với tháng 9, doanh thu và lợi nhuận cũng tăng tương ứng 46% và 71% nhờ sự hồi phục ấn tượng của chuỗi điện thoại, điện máy sau giãn cách.
Tính lũy kế 10 tháng, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất hơn 99.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế là hơn 3.900 tỷ đồng, tăng 19%.
Như vậy MWG đã hoàn thành 79% kế hoạch doanh thu và 82% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Còn tại CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT), doanh thu quý 3 tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 47 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 236 triệu đồng).
Lũy kế 9 tháng, FRT đạt doanh thu 14.018 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt 2.529 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 108 tỷ đồng, tăng 470% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu tăng 207% so với cùng kỳ nhờ việc mở mới cửa hàng nhanh chóng và các tác động từ dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và vật tư y tế cũng tăng lên.
VCSC ước tính, doanh thu của một cửa hàng Long Châu tăng từ 920 triệu đồng trong quý 1/2021 lên 1 tỷ đồng trong quý 2/2021 và 1,4 tỷ đồng trong quý 3 năm 2021.
Đáng chú ý, biên lợi nhuận ròng của mảng nhà thuốc Long Châu đã cải thiện từ -1,1% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 1,4% trong quý 3. Đây cũng là quý đầu tiên Long Châu ghi nhận lợi nhuận dương.
Với kết quả kinh doanh tích cực đầu quý 4 và triển vọng dài hạn vẫn tươi sáng, các chuyên gia đều chung khuyến nghị, các nhà đầu tư nên “canh” mua những cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ ở thời điểm hiện tại để tích lũy chờ “sóng lớn” cho thời gian sắp tới.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN