Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào năm 2023 có 'dễ thở'?

Năm 2022 là năm nhiều khó khăn và thách thức đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cuối năm Chính phủ đã tăng cường công tác tháo gỡ để năm 2023 dễ thở hơn.
Năm 2022 là một năm nhiều khó khăn và thách thức đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng. Những động thái xử lý nghiêm của các cơ quan quản lý đối với hành vi vi phạm trên thị trường trái phiếu riêng lẻ về lâu dài sẽ góp phần thúc đẩy sự minh bạch trên thị trường, nhưng trong ngắn hạn đã khiến các nhà đầu tư có phần e ngại đối với thị trường này.
Sau những căng thẳng trên thị trường vốn và tiền tệ diễn ra trong tháng 10 và 11, các cơ quan quản lý đã đưa ra những chính sách hỗ trợ và giải quyết bài toán thanh khoản vốn là nút thắt của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua. Trong tháng 11, Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề trên thị trường bất động sản.
Tiếp đó, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ đã được lấy ý kiến với điểm đáng chú ý là điều kiện cho phép giãn thời hạn đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp thêm khoảng 2 năm trong trường hợp được 65% trái chủ đồng ý và cho phép chuyển đổi trái phiếu sang các dạng tài sản khác như các khoản cho vay hay bất động sản.
Cũng trong tháng 12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới room tín dụng khoảng 2% cho các ngân hàng. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi đồng thuận mức lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết trong 11 tháng năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã chủ động mua lại trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị khoảng 163.000 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Đặc biệt, sau sự việc liên quan đến công ty Vạn Thịnh Phát, việc mua lại trái phiếu trước hạn càng tăng mạnh.
TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh với quy mô phát hành lớn trong giai đoạn 2018 - 2021 và thời hạn khoảng 4 năm thì sẽ có một khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáng kể sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023 - 2025, khoảng hơn 700.000 tỷ đồng, chưa tính tiền lãi.
Thi truong trai phieu doanh nghiep vao nam 2023 co 'de tho'?
 Trái phiếu năm 2023 sẽ ra sao?
Chỉ còn một vài ngày nữa sẽ bước sang năm 2023, câu hỏi đặt ra là thị trường trái phiếu sang năm sẽ có diễn biến như thế nào?
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research dự đoán việc đáo hạn trái phiếu tạo ra các áp lực trong năm 2023, do đó, cần chờ dự thảo sửa đổi nghị định 65 được thông qua giúp giảm nhẹ những áp lực này.
"Với những yếu tố nội tại, tình hình năm 2023 sẽ dễ thở hơn năm 2022, chủ yếu là những khó khăn này phản ánh khá nhiều vào thị trường, tuy nhiên, thị trường có thể vẫn “gập ghềnh” do những vấn đề tôi vừa nhắc đến", bà Hoàng Việt Phương đánh giá.
Cùng quan điểm, tại Talkshow "Phố Tài chính", ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VMBA) cho biết hầu hết các tổ chức trên thế giới đều dự báo rằng khó khăn trong năm 2023 sẽ vẫn còn tiếp tục.
Có một số điểm sáng sơ bộ như chúng ta đang kỳ vọng là chu kỳ tăng lãi suất của Fed có thể giảm xuống và dừng lại ở quý 1/2023. Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể sớm chấm dứt chính sách Zero COVID để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu.
Riêng với thị trường trong nước, các doanh nghiệp cũng đã bộc lộ rất nhiều những khó khăn và họ cũng đã chủ động có các biện pháp để tái cấu trúc hoạt động và tập trung vào các vấn đề cốt lõi. Chuyên gia cũng kỳ vọng các cơ quan chính phủ, nhà nước trong thời gian tới sẽ có các chính sách trúng hơn, kịp thời hơn.
"Thanh khoản sẽ đến từ niềm tin và niềm tin đến từ sự minh bạch. Không chỉ đối với các doanh nghiệp tốt mà kể cả các doanh nghiệp đang ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của mình cũng nên minh bạch trên thị trường".
Còn với quan điểm của ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu, chủ yếu là trái phiếu quốc tế diễn ra rất mạnh trong thời gian gần đây. Riêng trong tháng 10, con số FiinGroup thống kê khoảng 1,9 tỷ USD.
"Hy vọng Bộ Tài chính có giải pháp để khai thông kênh trái phiếu. Hiện chúng tôi đang làm việc với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư quốc tế trong việc phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh. Hiện tại Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang dự thảo quyết định của Thủ tướng về phân loại xanh, hy vọng sớm được phê duyệt và đi vào thực hiện".
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch FiinGroup cho rằng với những doanh nghiệp tiềm năng có năng lực tín dụng tốt, các dự án phát triển lớn và cần vốn đầu tư vẫn nên chủ động tìm kiếm, sàng lọc các nhà đầu tư để dòng tiền thông minh vẫn sẽ tìm đến.
Còn các doanh nghiệp yếu, cạn dòng tiền thì phải có tâm thế chủ động minh bạch để tránh rơi vào tình huống bị động dẫn tới nhiều hậu quả không mong muốn. 
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN