Thấy gì từ bức tranh tăng trưởng tín dụng quý 1 của các ngân hàng?

Chỉ có 3 ngân hàng đạt mốc tăng trưởng tín dụng trên 2 con số, trong khi có 4 nhà băng ghi nhận chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng âm gồm PGBank, Kienlongbank, NCB và LienVietPostBank.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý 1/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 5.04%, nếu so với mức tăng 2.16% của quý 1/2021 thì đây là một tín hiệu khả quan.
Trong 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 ghi nhận tổng cho vay khách hàng đạt 8,33 triệu tỷ đồng, trong đó riêng 3 ông lớn Nhà nước là BIDV, Vietcombank và VietinBank chiếm hơn 45% với hơn 3,78 triệu tỷ đồng. 
Xét về tốc độ tăng trưởng, chỉ có 3 ngân hàng đạt mốc trên 2 con số gồm MB và SeABank cùng 14,3%, HDBank tăng 10,8%. Còn SCB suýt soát với 9,7%.
Ngược lại, 4 nhà băng ghi nhận chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng âm gồm PGBank (-7,8%), Kienlongbank (-5,8%), NCB (-2,9%) và LienVietPostBank (-0,6%).
Thay gi tu buc tranh tang truong tin dung quy 1 cua cac ngan hang?
 Tăng trưởng tín dụng tại ngày 31/3/2022 của 28 ngân hàng
Mặc dù có nhiều ngân hàng báo tăng trưởng tín dụng âm trong quý 1 song kế hoạch cho cả năm vẫn ở mức cao, đơn cử như LienVietPostBank mục tiêu tới 18%, Kienlongbank ở mức 15,36%, còn PGBank dè dặt ở mức 7% (tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp).
Trong khi đó, một số ngân hàng đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 khá cao như VPBank lên tới 35%, VIB cũng xấp xỉ với 30%.
Thay gi tu buc tranh tang truong tin dung quy 1 cua cac ngan hang?-Hinh-2
Kế hoạch tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng trong năm 2022  
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 được tổ chức ngày 4/4, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, mục tiêu tăng tín dụng năm 2022 là 14% nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn đang đánh giá các mục tiêu chính sách tiền tệ để có điều chỉnh vào cuối năm cho phù hợp với diễn biến thực của nền kinh tế vĩ mô.
VNDirect kỳ vọng NHNN sẽ cho phép tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản.
Ngoài ra, NHNN sẽ kiểm soát kỹ dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán và các dự án BOT (Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao). VNDirect duy trì quan điểm rằng tăng trưởng tín dụng duy trì mức cao 14% svck trong năm 2022.
Về lãi suất cho vay, NHNN đang triển khai gói cấp bù lãi suất với quy mô 3.000 tỷ đồng. Gói này đưa ra mức lãi suất cho vay chỉ 3-4%/năm đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Chính phủ có kế hoạch mở rộng quy mô gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp lên 40.000 tỷ đồng, tập trung vào một số đối tượng ưu tiên, bao gồm (1) doanh nghiệp nhỏ và vừa, (2) doanh nghiệp tham gia một số của các dự án trọng điểm quốc gia, và (3) kinh doanh trong một số ngành nhất định (du lịch, hàng không, giao thông vận tải).
VNDirect kỳ vọng rằng gói cấp bù lãi suất có thể giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung bình từ 20-40 điểm cơ bản trong năm 2022. Tuy nhiên, tác động thực tế của gói cấp bù lãi suất đối với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể thấp hơn nếu các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN