Thao túng chứng khoán năm Nhâm Dần: Nổi cộm tại FLC và Louis Holdings

Số quyết định xử phạt năm Nhâm Dần giảm mạnh hơn 55% so với năm trước, song mức tiền phạt lại tăng tới 33%. Điều này cho thấy án phạt trong năm đã mạnh tay hơn nhiều so với năm trước đó.
Năm Nhâm Dần mang đậm dấu ấn của công cuộc minh bạch hóa và lành mạnh hóa thị trường chứng khoán. Các vụ thao túng chứng khoán như vụ FLC, vụ Louis Holdings (do Đỗ Thành Nhân cấu kết một loạt cá nhân thực hiện) được đưa ra khởi tố hình sự.
Tính trong năm Nhâm Dần, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố tổng cộng 137 quyết định xử phạt thị trường chứng khoán. Trong đó, có 17 quyết định xử phạt đối với cá nhân và 120 quyết định xử phạt đối với tổ chức. Tổng số tiền phạt là hơn 28 tỷ đồng.
Số quyết định xử phạt năm Nhâm Dần giảm mạnh hơn 55% so với năm trước, song mức tiền phạt lại tăng tới 33%. Điều này cho thấy án phạt trong năm đã mạnh tay hơn nhiều so với năm trước đó.
Đáng kể nhất là quyết định xử phạt kịch khung đối với ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT CTCP FLC vào hồi tháng 1/2022. Theo đó, UBCKNN đã ra quyết định phạt ông Quyết số tiền 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch cổ phiếu FLC trong 5 tháng.
Nguyên nhân do ông Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào chiều 10/1 nhưng không công bố thông tin trước đó. Tối cùng ngày, UBCKNN cho biết mới nhận được báo cáo nên ra quyết định phong tỏa tài khoản của ông Quyết. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) ngày 11/1 ra thông báo hủy bỏ giao dịch này và đến 12/1, nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua.
Án phạt này sau đó lại được hủy bỏ bởi ông Quyết bị khởi tố hình sự, khởi tố bị can về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Theo điều tra của cơ quan chức năng, từ ngày 1/9/2016 đến ngày 10/1/2022, ông Quyết chỉ đạo bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết, là nhân viên kế toán thuộc Ban Kế toán, FLC), liên hệ với các cá nhân có quan hệ họ hàng với gia đình, người thân thành lập công ty.
Thao tung chung khoan nam Nham Dan: Noi com tai FLC va Louis Holdings
 Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vì thao túng chứng khoán.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Quyết, bà Huế liên hệ và cùng những người thân trong gia đình thành lập 20 công ty, đồng thời mượn, sử dụng chứng minh nhân dân của 26 người thân mở tổng cộng 450 tài khoản chứng khoán đứng tên bà Huế và các công ty, cá nhân tại 41 công ty chứng khoán (120 tài khoản mở tại CTCP Chứng khoán BOS (ART), 330 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán khác) thực hiện thao túng giá với 6 mã chứng khoán: FLC, ROS, ART, HAI, AMD, GAB.
Vào tối 27/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Quyết để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến hành vi tăng vốn khống tại CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) từ 1,5 tỷ đồng lên tới 4.300 tỷ đồng.
Bên cạnh vụ FLC thì liên quan đến nhóm Louis Holdings, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Chứng khoán Trí Việt, Công ty Cổ phần Louis Holdings.
Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings. Ông Nhân bị điều tra về tội thao túng thị trường chứng khoán.
Đồng thời cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 người khác gồm: Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt; Trịnh Thị Thúy Linh, Giám đốc hành chính Louis Holdings và Lê Thị Thùy Liên, nhân viên dịch vụ tài chính Chứng khoán Trí Việt.
Kết luận điều tra xác định, từ 2020 đến cuối 2021, Louis Holding của ông Nhân mua cổ phần sở hữu thêm nhiều công ty, trong đó có 6 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán để tạo nhóm “hệ sinh thái” Louis Holdings. Ông Nhân cùng người thân, bạn bè mua lại 9 triệu cổ phiếu BII của Công ty công nghiệp Bảo Thư, một doanh nghiệp hoạt động yếu kém, có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn.
Dưới sự tư vấn của ông Đỗ Đức Nam, ông Nhân tiếp tục mua bán, thâu tóm cổ phiếu "rác" mã TGG của Công ty cổ phần Trường Giang trên sàn với giá 1.800 đồng/cổ phiếu.
Khi có hai mã cổ phiếu BII và TGG trong tay, ông Nhân bàn với Nam tìm cách thao túng. Họ mở các tài khoản chứng khoán đứng tên bạn bè, người thân của ông Nhân để mua bán, thâu tóm cổ phiếu. Mục đích của việc này nhằm tăng tính thanh khoản, đẩy giá BII và TGG tăng cao nhằm thu lợi bất chính.
Theo cơ quan điều tra, ông Nhân đã thừa nhận hành vi thao túng thị trường chứng khoán với hai mã BII và TGG, thu lời bất chính hơn 153 tỷ đồng.
Mức phạt lớn tiếp theo thuộc về CTCP Chứng khoán APG. Ngày 5/12, APG bị phạt vì hàng loạt vi phạm như lập, xác nhận hồ sơ đăng ký dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến có thông tin không chính xác, không báo cáo thông tin theo quy định, không lưu giữ tài liệu về việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua chứng khoán, báo cáo thông tin có nội dung sai lệch, vi phạm quy định hạn chế cho vay, sử dụng tiền chào bán không đúng phương án ĐHĐCĐ thông qua.
Trong năm này, có 4 vụ xử phạt thao túng giá cổ phiếu bị xử phạt hành chính vì các cá nhân vị phạm không thu lợi bất hợp pháp.
Các vụ việc bao gồm: Thao túng giá TTB do hai cá nhân là ông Dương Thanh Xuân và ông Nguyễn Thành Nam thực hiện (dùng 102 tài khoản), thao túng giá TNI do ông Nguyễn Ngọc Long thực hiện (dùng 54 tài khoản), thao túng giá DAH do bà Vũ Thị Ngọc Ánh (dùng 20 tài khoản) thực hiện và thao túng giá TNA do ông Hồ Nam Huy (dùng 47 tài khoản) thực hiện. Các trường hợp này chịu mức phạt hành chính 550 - 600 triệu đồng.
Ngoài các quyết định xử phạt trên, hầu hết vi phạm còn lại là do công bố thông tin không đúng thời hạn, không công bố thông tin cần phải công bố theo quy định, công bố thông tin sai lệch.
Đối với nhóm công ty chứng khoán, các quyết định xử phạt hành chính chủ yếu do vi phạm quy định cho vay ký quỹ, bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề thực hiện nghiệp vụ.
Tuy vậy, một số công ty chứng khoán bị xử phạt vì có liên quan tới tới đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của nhóm Tân Hoàng Minh như Chứng khoán KIS, Chứng khoán Everest (EVS), Chứng khoán An Bình (ABBS).
Hà Thảo

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN