Techcombank phát triển dựa trên một số ít DN và những vấn đề 'đau đầu' cho CEO kế nhiệm

Gần kết thúc nhiệm kỳ của Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh, vốn hoá của Techcombank còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra đầu nhiệm kỳ là 10 tỷ USD, và câu chuyện chưa dừng tại đây… 

Techcombank dưới thời CEO Nguyễn Lê Quốc Anh làm ăn ra sao?

Ngày 21/2, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, TCB) đã công bố thông tin Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh đề nghị Hội đồng quản trị (HĐQT) không gia hạn hợp đồng kết thúc ngày 1/9/2020 sau khi hoàn tất nhiệm kỳ 5 năm. 

Trong thời gian 6 tháng tới, Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh sẽ bàn giao công việc và hỗ trợ HĐQT chọn, phỏng vấn và bổ nhiệm Tổng giám đốc mới.

HĐQT đã bắt đầu thực hiện lộ trình lựa chọn ứng viên trong và ngoài nước để đảm bảo tân CEO kế nhiệm thành công, và đưa ngân hàng đạt các thành tựu mới trên hành trình chuyển đổi.

Như vậy, quá trình tìm kiếm người thay thế vị trí Tổng giám đốc Techcombank sẽ bao gồm cả các ứng viên bên ngoài lẫn từ nội bộ ngân hàng. 

Techcombank phat trien dua tren mot so it DN va nhung van de 'dau dau' cho CEO ke nhiem
 Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh từ nhiệm từ tháng 9 tới.

Techcombank được thành lập năm 1993 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên hơn 35.000 tỷ đồng. Hiện nhà băng này có 3 công ty con, trong đó TechcomSecurities và TechcomCapital có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển chung của ngân hàng. 

Năm 2009, Masan chính thức trở thành cổ đông lớn nhất tại Techcombank với 20% vốn và ông Hồ Hùng Anh, cựu Phó Chủ tịch Masan trở thành Chủ tịch Techcombank. 

Năm 2016, ông Quốc Anh chính thức nhận nhiệm vụ tại Techcombank. Đây cũng là năm Techcombank công bố chiến lược mới với mục tiêu vốn hoa doanh nghiệp trên 10 tỷ USD vào năm 2020. 

Dưới thời dẫn dắt của ông Quốc Anh, Techcombank đã có những bước tiến vượt bậc, nhất là trong năm 2018 và 2019 khi lợi nhuận sau thuế tăng trưởng ấn tượng với con số lần lượt là 8.485 tỷ và 10.075 tỷ.

Techcombank phat trien dua tren mot so it DN va nhung van de 'dau dau' cho CEO ke nhiem-Hinh-2
 

Techcombank cũng là ngân hàng duy trì được vị thế vốn hàng đầu Việt Nam, với tỷ lệ an toàn vốn cuối kỳ theo Basel II đạt 15,5%, cao gần gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu là 8% của Trụ cột I Basel II. 

Tăng trưởng tín dụng đạt 17%. Tổng huy động tăng 14,8% lên 231.300 tỷ đồng, trong đó CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tăng trưởng 37,9% đạt 79.700 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ CASA ở mức kỷ lục 34,5%. CAR ngân hàng đạt 15,5%. Tỷ lệ nợ xấu còn 1,3%.

Cũng cần phải lưu ý, theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), mức tăng trong tăng trưởng cho vay 2019 của Techcombank chủ yếu đến từ cho vay mua nhà. 

Bởi Techcombank xây dựng chiến lược dựa trên chuỗi giá trị của các khách hàng bán buôn như Vingroup (VIC), Masan (MSN), Vietnam Airlines (HVN)... Nhờ đó, Techcombank có thể mở rộng cơ sở khách hàng với chi phí thấp hơn đối thủ cũng như dịch chuyển cơ cấu doanh thu sang thu nhập ngoài lãi nhờ đa dạng hoá sản phẩm theo nhu cầu khách hàng. 

Vấn đề hiện nay của Techcombank là gì?

Chiến lược phát triển hiện tại của Techcombank khá thành công, đem lại kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong 2 năm gần đây. 

Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên lo ngại về rủi ro tập trung tại Techcombank khi hoạt động kinh doanh của ngân hàng mở rộng và phát triển dựa trên một số ít doanh nghiệp trong lĩnh vực, trong đó có bất động sản được Ngân hàng Nhà nước đánh giá là lĩnh vực rủi ro. 

Đơn cử như hệ sinh thái bất động sản đóng góp khoảng 51% dư nợ cho vay khách hàng trong 6 tháng 2019. Vingroup chiếm khoảng 30% trong tổng lượng trái phiếu tư vấn phát hành bởi Techcombank năm 2018. 

Các lĩnh vực mục tiêu khác của Techcombank khá tương đồng với lĩnh vực kinh doanh của nhóm Vingroup như bất động sản (Vinhomes), ô tô (VinFast), điện tử (VinSmart), du lịch và nghỉ dưỡng (Vinpearl) và bán lẻ (Masan).

Đồng thời, về chỉ số tài chính, tỷ lệ quỹ dự phòng trên nợ xấu của Techcombank thấp hơn so với đối thủ cùng thuộc nhóm ngân hàng top đầu và có dấu hiệu giảm nhẹ trong năm 2019. 

Techcombank phat trien dua tren mot so it DN va nhung van de 'dau dau' cho CEO ke nhiem-Hinh-3
 

Ngoài ra, ROE của Techcombank đang suy yếu trong giai đoạn dự phòng về còn 17,7% so với mức đỉnh 28% trước đây có thể gây áp lực lên thị giá cổ phiếu.

Chính điều đó đã thể hiện qua giá cổ phiếu Techcombank hiện đang giao dịch với vốn hoá sụt giảm xuống chỉ còn khoảng 3,4 tỷ USD (26/2), tức cách rất xa so với mục tiêu vốn hoá 10 tỷ USD trong năm 2020 này và giảm mạnh so mức khởi điểm chào sàn HoSE vào năm 2018 là 6,5 tỷ USD.

Nói thế để thấy rằng, Techcombank đã đạt mức đỉnh dưới thời Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh và đó sẽ là những thử thách cho người kế nhiệm sắp tới.

Trong chia sẻ ngày 26/2, Ban lãnh đạo Techcombank cho biết, chiến lược của ngân hàng hiện tại là lấy "khách hàng là trung tâm" trong tất cả các hoạt động. Đồng thời, ngân hàng tiếp tục phát triển mảng cho vay mua nhà theo xu hướng từ bỏ các sản phẩm có rủi ro cao để chuyển sang các sản phẩm có rủi ro thấp hơn.

Nói về chiến lược tiếp theo của người kế thừa, ông Nguyễn Lê Quốc Anh chia sẻ rằng: "Tôi không phải là người tiên tri để có thể nói trước được về người sẽ tiếp nhận vị trí mới và sẽ áp dụng chiến lược như thế nào".

"Nền tảng mình xây, nếu nền mỏng xây tốt thì có thể giữ được lâu hơn. Từ đây cho đến tháng 9 tôi sẽ có nhiều việc bàn giao trong đó là việc chọn người kế thừa. Đây là việc quan trọng của HĐQT", ông Nguyễn Lê Quốc Anh nói.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN