Tập đoàn FLC bị cưỡng chế thuế 1.030 tỷ đồng kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt

Kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC bị bắt về hành vi thao túng và che giấu thông tin chứng khoán vào cuối tháng 3, FLC bị cưỡng chế 1.030 tỷ đồng tiền thuế.
Ngày 14/9, CTCP Tập đoàn FLC vừa công bố quyết định cưỡng chế Thuế của Cục Thuế TP. Hà Nội.
Lý do cưỡng chế là công ty có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định; biện pháp cưỡng chế là "ngừng sử dụng hóa đơn".
Số tiền bị cưỡng chế được thông báo là gần 326 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 28/8, Tập đoàn FLC đã thông báo nhận được các quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình với tổng số tiền hơn 448 tỷ đồng.
Lý do cưỡng chế tương tự và biện pháp cưỡng chế là trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của CTCP Tập đoàn FLC mở tại các Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh Hà Nội; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - Chi nhánh Quận 1 (TP. HCM); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Xuân (Hà Nội).
Ngày 18/8, Chi Cục Thuế khu vực TP. Sầm Sơn - Quảng Xương cũng đã ra quyết định cưỡng chế thuế đối với tập đoàn này với tổng số tiền 130,8 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 30/3, Chi Cục Thuế khu vực TP. Sầm Sơn - Quảng Xương cũng ban hành 11 quyết định cưỡng chế với tổng số tiền 124,8 tỷ đồng đối với FLC.
Tap doan FLC bi cuong che thue 1.030 ty dong ke tu khi ong Trinh Van Quyet bi bat
 FLC bị cưỡng chế hơn 1.000 tỷ đồng.
Như vậy kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC bị bắt về hành vi thao túng và che giấu thông tin chứng khoán vào cuối tháng 3, FLC cũng rơi vào lòng lao lý và bị cưỡng chế thi hành trong 4 đợt nêu trên là 1.030 tỷ đồng.
Ngoài ra, BIDV cũng vừa quyết định thu giữ tài sản bảo đảm là siêu xe Rolls-Royce của Xây dựng FLC Faros để xử lý nợ. Chiếc Rolls-Royce Ghost này là của ông Trịnh Văn Quyết – nguyên Chủ tịch HĐQT FLC.
FLC được biết đến là chủ nhiều dự án bất động sản nổi bật trải dài từ Bắc đến Nam. Tập đoàn liên tiếp công bố kế hoạch đầu tư vào loạt dự án mới và nghiên cứu đầu tư, xúc tiến pháp lý cho gần 300 dự án trước biến cố nhân sự.
Sau sự kiện trên, nhiều địa phương đã có động thái dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát và chấm dứt hoạt động hàng loạt dự án như Thanh Hóa, Bình Phước, Kon Tum, Hòa Bình, Lâm Đồng, Quảng Ngãi... với quy mô hàng nghìn tỷ đồng và hàng trăm ha.
Riêng tại Thanh Hóa, Bộ Công an mới đây đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo một số sở, ngành, đơn vị cung cấp hồ sơ, tài liệu mà Tập đoàn FLC thực hiện các dự án đầu tư ở địa phương này.
Một số dự án lớn mà tập đoàn này triển khai tại Thanh Hóa đáng kể như Quần thể FLC Sầm Sơn có quy mô đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng cùng các dự án thành phần, khu công nghiệp Hoàng Long vốn 2.300 tỷ đồng, Nhà máy gạch Tuynel FLC...
Ngoài các dự án gặp nhiều khó khăn thì cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch khiến tình hình trở nên tồi tệ.
Cổ phiếu FLC từng vào top 30 doanh nghiệp lớn, thuộc nhóm VN30 trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, trong cả thập kỷ qua, doanh nghiệp này gần như không trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Giá cổ phiếu lên xuống thất thường và rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ vì những chiêu trò của cựu lãnh đạo doanh nghiệp.
Trong vòng chưa tới 6 tháng, cổ phiếu FLC giảm từ mức 15.000 đồng/cp về mức 4.000 đồng/cp như hiện tại. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lo ngại không biết đến khi nào cổ phiếu FLC thoát khỏi tình cảnh này, khi quá trình điều tra vẫn đang tiếp diễn.
Trong hai phiên giao dịch 26/8 và 29/8, cổ phiếu FLC tiếp tục giảm sàn với dư bán rất lớn. Vốn hóa FLC đã bốc hơi khoảng 7.000 tỷ đồng kể từ giữa tháng 3 tới nay.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN