Soi danh mục đầu tư chứng khoán của các doanh nghiệp

Thời điểm năm 2020-2021 khi đại dịch vẫn đang căng thẳng, nhiều doanh nghiệp sản xuất nhanh chân tham gia vào thị trường chứng khoán nhằm thu lợi nhuận bù đắp thua lỗ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Tuy nhiên, sang đến đầu năm 2022 thì tình hình đã khác, hoạt động tài chính này đã trở thành gánh nặng, ăn mòn đi kết quả kinh doanh chính của các doanh nghiệp thế hệ F0 này.
Nguyên nhân do toàn thị trường chứng khoán giảm mạnh, các cổ phiếu đã về đáy nhiều năm trở lại đây, bên cạnh đó từ đầu tháng 4, hoạt động thanh tra, xử lý các sai phạm trên thị trường chứng khoán trong nước liên tục diễn ra và thị trường chứng khoán thế giới bị bán tháo do lo ngại chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ thì kênh đầu tư chứng khoán ngày càng không còn cơ hội kiếm lời.
Một số doanh nghiệp vẫn ghi nhận hoạt động đầu tư chứng khoán trong quý 1/2022 nhưng thu về kết quả không mấy khởi sắc khi có lợi nhuận nhưng suy giảm mạnh so cùng kỳ hoặc còn ôm lỗ vì chứng khoán.
Đầu tiên phải kể đến doanh nghiệp nổi tiếng trong cùng kỳ thu về lãi từ chứng khoán khấm khá vào năm trước là nữ hoàng cá tra Vĩnh Hoàn (VHC). Tại ngày 31/3, VHC còn đầu tư 145 tỷ đồng để kinh doanh chứng khoán, tăng 65 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy vậy, Công ty đang phải dự phòng giảm giá 5,7 tỷ đồng cho khoản đầu tư. 
Danh mục tại thời điểm cuối quý 1 đáng chú ý có 44,3 tỷ đồng cổ phiếu NLG của Đầu tư Nam Long và 43,7 tỷ đồng cổ phiếu DXS của Đất Xanh Services. Trong kỳ, Vĩnh Hoàn đã mạnh tay mua thêm NLG và bán bớt DXS. 
Soi danh muc dau tu chung khoan cua cac doanh nghiep
 
Một doanh nghiệp khác là Licogi 14 (L14) – doanh nghiệp có liên quan đến ông Nguyễn Mạnh Tuấn (thầy A7) có ghi nhận khoản mục đầu tư chứng khoán ngắn hạn của Licogi 14 lên đến hơn 700 tỷ đồng, tăng 214 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, công ty phải dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh gần 5 tỷ đồng trong khi đầu năm chưa phát sinh khoản mục này.
Công ty không thuyết minh cụ thể danh mục cổ phiếu nắm giữ tại thời điểm cuối quý 1. Tuy nhiên, nhiều khả năng phần lớn khoản đầu tư của Licogi 14 vẫn nằm tại bộ đôi cổ phiếu ngành bất động sản là CEO và DIG.
CEO và DIG là 2 mã cổ phiếu được quan tâm đặc biệt trên thị trường trong thời gian qua, trong đó ít nhiều có hiệu ứng từ những đánh giá, phân tích trong các video được chia sẻ trên mạng xã hội, diễn đàn, của ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Thành viên HĐQT Licogi 14 - người được biết đến với danh xưng “A7” hay “Anh Bảy”.
Ngoài danh mục đầu tư của Licogi 14, bản thân ông Tuấn cũng nhiều lần khẳng định cá nhân ông cũng sở hữu cổ phiếu CEO và DIG.
Ghi nhận trên BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2021 của L14, toàn bộ khoản mục đầu tư chứng khoán của Licogi 14 tại thời điểm 31/12/2021 (486 tỷ đồng) đã được đổ vào CEO (298 tỷ đồng) và DIG (188 tỷ đồng).
Nếu danh mục đầu tư của Licogi 14 không thay đổi, đây chính là hai cổ phiếu giảm mạnh nhất trên sàn chứng khoán trong hơn 4 tháng đầu năm.
Trong nhiều năm trở lại đây, SAM Holdings (SAM) chỉ thoát lỗ nhờ vào hoạt động đầu tư tài chính. Ngược lại, hoạt động kinh doanh cốt lõi liên tục suy giảm, thậm chí lỗ kéo dài.
Cụ thể, hoạt động cốt lõi năm 2018 lỗ 9 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 68 tỷ đồng, năm 2020 lãi 45 tỷ đồng, năm 2021 lỗ trở lại 127 tỷ đồng và quý 1/2022 tiếp tục lỗ thêm 37 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2022, SAM Holdings đang ghi nhận 272,3 tỷ đồng đầu tư chứng khoán, chiếm 3,5% tổng tài sản; 1.711 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, chủ yếu là đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, góp vốn vào đơn vị khác, chiếm 22% tổng tài sản.
Danh mục đầu tư chứng khoán chủ yếu là 90 tỷ đồng vào cổ phiếu HPG; 56,4 tỷ đồng cổ phiếu DNP; 41,7 tỷ đồng vào cổ phiếu SSI; 24,7 tỷ đồng vào cổ phiếu TCB; 13,3 tỷ đồng vào cổ phiếu KBC…
Trong quý 1, SAM đã trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ sau quý 1, thị trường chứng khoán trong nước đã có đợt điều chỉnh mạnh, hàng loạt cổ phiếu trong danh mục đầu tư của SAM Holdings cũng giảm giá sâu.
Cụ thể, tính từ ngày 1/4-29/4, cổ phiếu SSI giảm 20,1%, về 33.550 đồng/cổ phiếu; KBC giảm 17,5% về 43.800 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu DNP giảm 15,9% về 23.300 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu TCB giảm 11,2% về 44.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu HPG giảm 4% về 43.300 đồng/cổ phiếu…
Điều này sẽ ảnh hưởng tới danh mục đầu tư chứng khoán của SAM Holdings, lĩnh vực tạo lợi nhuận chính của Công ty trong vài năm trở lại đây.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN