SCIC: 6 tháng lãi 3.310 tỷ đồng, nghiên cứu mua cổ phần tăng vốn của VietinBank

Trong 6 tháng đầu năm, SCIC đã có nhiều hoạt động nghiên cứu cơ hội đầu tư như hợp tác với VEC, ACV, SASCO, PVN và đặc biệt là dự án đầu tư mua cổ phần tăng vốn VietinBank.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022.
Theo đó, tổng doanh thu của SCIC 6 tháng ước đạt 4.915 tỷ đồng, bằng 62% so với kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu cổ tức ước đạt 3.667 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch; doanh thu bán vốn ước đạt 716 tỷ đồng, bằng 53% so với kế hoạch.
Lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng ước đạt 3.511 tỷ đồng, tương ứng 98% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.310 tỷ đồng, tương ứng 92% kế hoạch năm.
Về công tác tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tính đến thời điểm hiện tại, SCIC đã tiếp nhận 10/14 doanh nghiệp, với tổng vốn nhà nước là 8.524 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 13.548 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, SCIC đang tích cực làm việc với các bộ ngành để chuẩn bị tiếp nhận trong 6 tháng cuối năm 2022.
Đến ngày 30/6/2021, danh mục doanh nghiệp của SCIC có 128 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 47.374 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 158.217 tỷ đồng..
Trong công tác quản trị, thông qua vai trò cổ đông nhà nước, SCIC thực hiện tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp trong danh mục, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty có có vốn nhà nước chi phối, có vai trò quan trọng trong danh mục của SCIC như: CTCP Dược Hậu Giang, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), CTCP Bảo Minh, ....
Tại các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn mới tiếp nhận và đầu tư, SCIC đã thực hiện các biện pháp quản trị khác nhau.
Trong đó, tại Tổng công ty Sông Đà, SCIC đã chỉ đạo triển khai các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng liên quan đến việc quyết toán vốn nhà nước lần 2, nộp Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và thanh toán các khoản nợ Ngân sách nhà nước khác; Báo cáo Bộ Xây dựng phê duyệt quyết toán vốn nhà nước tại Sông Đà và chỉ đạo Tổng Công ty Xi măng hỗ trợ CTCP Xi măng Hạ Long thanh toán nợ vay cho Sông Đà; Tiếp tục triển khai tái cấu trúc tài chính và hoạt động của Sông Đà theo tư vấn của Deloitte.
Trong Quý II/2022, TCT Sông Đà đã bán vốn thành công khoản đầu tư tại SUDICO và thủy điện Sử Pán 2 theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2022 thu về hơn 4.352 tỷ đồng/giá vốn đầu tư 1.109 tỷ đồng phục vụ cho tái cơ cấu tài chính của TCT Sông Đà (Hiện TCT Sông Đà đã thanh toán đầy đủ cho các Trái chủ gốc và lãi trái phiếu năm 2017); Hoàn thành phát điện trở lại nhà máy thủy điện Xekaman 3 để bổ sung dòng tiền cho Công ty cổ phần điện Việt Lào; Hoàn thành đại hội cổ đông thường niên 2022 tại công ty mẹ Sông Đà và 35 công ty con, liên kết trong đó đặt nhiệm vụ trọng tâm xây dựng chiến lược phát triển TCT Sông Đà tại ĐHCĐ nhiệm kỳ II giai đoạn 2023-2028.
Tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), SCIC đã chỉ đạo tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2022, với kết quả SXKD năm 2021 có sự tăng trưởng vượt bậc, cổ tức năm 2021 là 7%. Bên cạnh đó, SCIC thường xuyên chỉ đạo về công tác đầu tư, thoái vốn của Vinatex tại doanh nghiệp khác.
Tại Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), SCIC đã kiện toàn nhân sự lãnh đạo Vnsteel, có ý kiến với các nội dung thuộc thẩm quyền HĐQT như: tái cơ cấu Vinatrans, nhân sự Người đại diện của VnSteel tại các đơn vị, Quy trình đầu tư xây dựng của VnSteel,... và tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2022.
SCIC: 6 thang lai 3.310 ty dong, nghien cuu mua co phan tang von cua VietinBank
 
Công tác quản trị doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt, SCIC đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương tái cơ cấu thành công tại CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung (VTM).
Về công tác bán vốn, từ đầu năm đến nay, SCIC đã thực hiện bán vốn thành công tại 17 doanh nghiệp, thu được 716 tỷ đồng, trên giá vốn 128 tỷ đồng, đạt chênh lệch bán vốn là 588 tỷ đồng. Như vậy doanh thu và chênh lệch bán vốn tương ứng đạt 53% và 137% so với kế hoạch năm 2022.
Về hoạt động đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, SCIC đã nghiên cứu một số cơ hội đầu tư, dự án như: Xây dựng đề án thí điểm và định hướng phát triển Bệnh viện Giao thông vận tải; Hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu Đề án cơ chế giải pháp triển khai nhiệm vụ thủ tướng Chính phủ giao cho SCIC tại Đề án 844 và thí điểm sử dụng Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp để phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo;
Hợp tác với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng; Nghiên cứu Dự án bán quyền thu phí đường cao tốc Bắc-Nam; Hợp tác với Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) nghiên cứu dự án Hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành;
Hợp tác với Công ty Cổ phần dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) nghiên cứu Dự án cảng xăng đầu đầu mối; Hợp tác với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) nghiên cứu dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất;
Hợp tác với Tổng công ty đường sắt Việt Nam nghiên cứu dự án Nhà ga logistics đường sắt; Báo cáo Ủy ban đề nghị hỗ trợ đề xuất UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gia hạn giấy phép đầu tư dự án dự án Cái Mép Hạ cho Công ty Đóng tàu và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VTSC); Nghiên cứu Dự án đầu tư mua cổ phần tăng vốn Vietinbank.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, SCIC tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp; triển khai sắp xếp và cổ phần hóa các công ty TNHH 1,2, TV; Tập trung bán vốn một số doanh nghiệp lớn như: Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam, CTCP Điện máy, CTCP Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại, CTCP Địa ốc Vĩnh Long...
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN