Phát ngôn 'người lướt sóng là ký sinh trùng' của Chủ tịch Haxaco: Đang coi thường nhà đầu tư?

Chủ tịch CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, HAX) Đỗ Tiến Dũng đã gây bức xúc không ít nhà đầu tư khi nêu quan điểm "những người lướt sóng cổ phiếu là ký sinh trùng chứ không phải cổ đông".
Quan điểm của Chủ tịch Haxaco: “Những người cùng hướng với công ty trong lúc hoạn nạn, khó khăn, đó mới là cổ đông. Còn cổ đông nào cứ muốn cổ phiếu lên mua 10 bán 50, xong rồi lướt sóng, mang danh nghĩa cổ đông thì hoàn toàn không phải, tôi không định nghĩa đó là cổ đông.
Tôi biết có những người ở đây sẽ truyền đạt tới những cổ đông nghiệp dư, tay buôn chứng khoán (những người này không được gọi là cổ đông).
Họ đang là ký sinh trùng, bám vào Công ty để kiếm lợi, họ không phải là cổ đông. Có những người nắm rất nhiều cổ phiếu nhưng họ đâu đến tham dự ĐHĐCĐ, bởi họ đâu quan tâm năm sau như thế nào mà họ chỉ quan tâm đến việc mai giá cổ phiếu có lên không thì họ bán.
Đấy là quan điểm của tôi, tôi luôn luôn trân trọng những cổ đông chân chính, nhưng đối với những người lướt sóng cổ phiếu thì không phải là cổ đông.”
Câu nói của Chủ tịch Haxaco rất đáng suy ngẫm vì nó phản ánh một phần không thể thiếu của thị trường chứng khoán đó là lướt sóng cổ phiếu. Đầu tư chứng khoán lướt sóng là tận dụng những biến động lên xuống của các cổ phiếu hoặc thị trường trong một khoảng thời gian ngắn để thu về lợi nhuận. Việc lướt sóng có thể cho về lợi nhuận cao nhưng cũng kèm thua lỗ lớn.
Ở Việt Nam vẫn tồn tại yếu tố T+3, nên việc lướt sóng tần suất thấp hơn các nước áp dụng T+0 trên thế giới song đó là một phần sự tồn tại của thị trường chứng khoán. Yếu tố thanh khoản cũng chủ yếu đến từ phía nhà đầu tư cá nhân (chiếm hơn 80% giao dịch hàng ngày). Dù tồn tại nhiều trường phái đầu tư nhưng lướt sóng vẫn là một phần không thể thiếu của thị trường chứng khoán.
Phat ngon 'nguoi luot song la ky sinh trung' cua Chu tich Haxaco: Dang coi thuong nha dau tu?
Ông Đỗ Tiến Dũng.
Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư tỏ ra không đồng thuận với ý kiến của vị Chủ tịch trên, “Phát biểu tiêu cực quá, coi thị trường chứng khoán như ‘ký sinh trùng’ cũng là do không minh bạch thôi”. Có ý kiến cho rằng phát biểu thiếu tôn trọng những nhà đầu tư.
Một cá nhân khác cho hay: “Bản thân thị trường chứng khoán là thị trường thứ cấp nơi để mua bán các chứng khoán. Nếu ai cũng là cổ đông cũng trung thành thì thị trường chứng khoán chả cần thiết cho mấy.”
Cổ đông T cho hay: “Mình là cổ đông trung thành của HAX mười mấy năm nay chứ không phải lướt sóng, nhưng mình thấy anh ấy phát biểu nghe chẳng lọt tai chút nào. Nhà đầu tư dù ở phương thức nào cũng góp phần cho cổ phiếu tồn tại và phát triển tăng lên mỗi ngày, thử thanh khoản không có đi thì có xem lướt sóng là ký sinh trùng nữa không. Lần này mình sẽ bán hết không chơi với loại chủ tịch xem thường người khác…
"Trong kinh doanh (kể cả cổ phiếu hay 1 ngành nghề nào khác cũng ký sinh để sống ). Ví dụ nhà Chủ tịch phân phối xe , ông dựa vào nhà sản xuất và khách hàng mua xe để sống. Vì vậy kể cả chứng khoán thì việc mua nhanh bán nhanh hay chậm là quyền của nhà đầu tư miễn sao đúng luật và có 1 phần của doanh nghiệp anh tạo nên quá trình đó. Vì vậy phát ngôn này với bạn bè thì được, chứ danh nghĩa Chủ tịch HAX mà phát ngôn vậy là thiếu chuẩn mực và kém tôn trọng rồi" - Tài khoản X bình luận.
Dù không ủng hộ việc mua bán lướt sóng của cổ đông, tuy vậy, trước thềm Đại hội diễn ra, ông Đỗ Tiến Dũng đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu HAX từ ngày 21/3-18/4, nhằm giảm khối lượng sở hữu từ gần 10,86 triệu cổ phiếu xuống còn 9,86 triệu cp, tỷ lệ 20,09% vốn.
Bên cạnh đó, bà Vũ Thị Hạnh, Thành viên HĐQT - vợ của ông Dũng thông báo đã bán xong hơn 1,26 triệu cổ phiếu từ 10/2-10/3 trên tổng số 1,5 triệu cp HAX đăng ký bán. Sau khi bán cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu của bà Hạnh tại HAX giảm xuống còn 11,26% vốn.
Điều đáng nói, động thái bán ra của vợ chồng Chủ tịch diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu đang giao dịch ở vùng giá cao nhất từ trước đến nay.
Trả lời chất vấn của cổ đông về vấn đề tại sao Chủ tịch lại bán cổ phiếu HAX, ông Dũng cho hay: “Thị trường chứng khoán bây giờ rất dã man, tiền của người này được là lấy tiền của người khác. Tôi nói thật tôi không muốn úp sọt nhà đầu tư, lấy tiền của ông này bỏ ra c
ho ông kia, tôi bán cổ phiếu là bán công khai chứ có bán chui đâu, chán chê rồi tôi mới bán, được thì tôi bán không được thì thôi, tôi chả việc gì phải giấu ai cả.
Có nhiều cổ đông hỏi tôi thiếu tiền hả, tại sao lại bán? Tôi nói thật tôi thiếu tiền bởi vì lương của tôi cũng không phải nhiều nên khi cần việc lớn thì tôi bán.”
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN